Nơi chào đời của Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tết đến Xuân về, bạn hãy đến Phúc Xá đẹp và an lành đón gió sông Hồng. Nơi đây có đình chùa cổ Phúc Xá, đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa, tọa lạc trên thế đất đẹp của thôn Bắc Biên (nay là tổ 8, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội). Đây là nơi duy nhất của TP Hà Nội còn lưu giữ quả chuông cổ quý giá “An Xá tự chung”, khắc ghi nơi sinh ra Lý Thường Kiệt. Đó thực sự là bảo vật để người dân Phúc Xá tự hào về truyền thống văn hiến nghìn năm của quê hương và năm Kỷ Hợi (2019) đã long trọng kỷ niệm 1.000 năm, năm sinh Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt trên đất An Xá - Cơ Xá - Phúc Xá. Cội nguồn tâm linh Tiên Tổ truyền cho con cháu như dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.
Cổng tam quan đình Phúc Xá

Cổng tam quan đình Phúc Xá

Cậu bé Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt chào đời

Trong số những di vật quý mà chùa Phúc Xá vẫn lưu được có chuông “An Xá tự chung” hiện treo trên gác chuông, được đúc vào năm Canh Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 11 (1690). Văn tự khắc trên chuông gồm 9 bài sắc chỉ (2 sắc chỉ của vua đời nhà Mạc, niên hiệu Quảng Hòa 4 (1544) và 5 (1545); 7 sắc chỉ của các chúa Trịnh vào năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1623), Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), Đức Long thứ 3 (1631), Phúc Thái thứ 5 (1647), Thịnh Đức thứ nhất (1653), Thịnh Đức thứ 2 (1654), Chính Hòa thứ 10 (1689). Đó là những tư liệu quý giá, giúp cho việc xác minh quê hương Lý Thường Kiệt chính là An Xá.

Sắc chỉ năm 1653 cho chúng ta biết rõ gốc tích làng và chùa An Xá, như sau: “Ngày 22 tháng 3 năm Thịnh Đức thứ nhất ban sắc rằng, chùa An Xá là danh lam cổ tích thuộc ấp Thăng Long, vốn từ nội điện chuyển sống ở bãi Cơ Xá giữa sông, khi Lý Thái Tổ lập đô. Vì thế ngự chỉ chuẩn cho dân giữa sông không có ruộng canh tác mà sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, lại chuẩn cho thuộc quan xuống khám đạc thấy không có các ngạch thuế và bồi đắp đê đường, cùng ruộng binh phân, hộ phân (chia cho người đi lính và nhân khẩu). Trung thư xá nhân đình úy Quản châu hầu phong tứ quốc tính Lý Thường Kiệt thụy Quảng Châu phủ quân. Hàng năm phúc điền lập làm tổ địa. Nước Đại Việt ta từ thời Lý lập đô trải đến triều Lê Thái Tổ ngự chỉ chuẩn trừ các việc sưu sai tạp dịch cho bản châu theo như lệ trước”.

Như vậy, dân làng An Xá “vốn từ nội điện” đã tuân lệnh Vua di dời ra bờ nam sông Hồng và bãi nổi, để việc xây dựng Hoàng thành được thuận lợi. Trong sắc chỉ cũng nêu rõ, từ thời Lý, dân đã được miễn sưu sai tạp dịch 9 năm sau, năm 1019, cậu bé Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt chào đời ở làng An Xá. Năm ông 13 tuổi, cha mất ở Thanh Hóa (1031), 5 năm sau 1036, mẹ cũng mất, nhưng ông vẫn được họ hàng ở Thăng Long chăm sóc, cho học thi thư, luyện võ nghệ, khí chất tinh anh, cao cường, sau này phá Tống bình Chiêm, trở thành Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt.

Năm Nhâm Tý 1132, vua Lý Thần Tông ngự thuyền rồng đi kinh lý, thấy nước sông lên to, dân bị ngập lụt, nhà nào cũng có thuyền cơ động nên vua hạ chiếu đổi tên xã An Xá thành châu Cơ Xá (cơ chữ Hán hàm nghĩa là cơ động). Về địa giới Cơ Xá, sắc chỉ của chúa Trịnh năm 1631 cho chúng ta biết rõ ràng: “Ngày 10 tháng 9 năm Đức Long thứ 3, châu Cơ Xá, huyện Từ Liêm nội lệ đạo Sơn Tây; Đông cận các xã Lỗi Cầu, Lâm Hạ; Tây cận các phường Quảng Bá, Yên Hoa; Nam cận cửa sông ông Mạc; Bắc gần các xã Xuân Canh, Bắc Lâm. Tương truyền, sau khi Lý Thường Kiệt mất (1105), dân làng Cơ Xá dựng đền thờ Ông ở phía bắc Bãi Giữa (đoạn ngang với Phú Thượng bây giờ).

Được dân tôn thờ

Năm 1831, thời Vua Minh Mạng, Cơ Xá thuộc huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Đến năm Duy Tân thứ 5 (Tân Hợi 1911) Cơ Xá đổi là Phúc Xá thuộc tổng Phúc Lâm, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Phúc Xá lúc này bao gồm các thôn: Phúc Xá Trung Hà (bãi giữa sông Hồng), Phúc Xá Bắc Biên, Phúc Xá Tây Biên (Phúc Xá Hạ) và Cơ Xá Nam (thôn Nam). Đền Lý Thường Kiệt được dựng lên ở Bãi Giữa để dân thôn Trung Hà và Bắc Biên cùng tế lễ. Từ đầu năm 1943, Phúc Xá thuộc Đại lý Hoàn Long (ngoại thành Hà Nội).

Trải qua nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính, từ 1961 đến 2002, Phúc Xá thuộc xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm; từ 2003, trở thành phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Đình Phúc Xá (Bắc Biên), sau nhiều lần tôn tạo và đại trùng tu, đến nay, thờ ba vị Thành Hoàng làng: Minh Khiết Ðại Vương, Bảo Trung Ðại Vương, Hiếu Công Ðại Vương. Dân làng còn thờ Hồng Nương công chúa và Hảo Nga công chúa có công trợ giúp thuyền lương của dân làng Phúc Xá khi theo vua Lý Thánh Tông vào châu Hoan - châu Ái.

Đối với Lý Thường Kiệt, ghi ơn Quốc công Thái úy, dân làng đã tôn ông làm Thành hoàng làng và những năm gần đây, còn thờ ông là Tổ Địa của làng, đúng như sắc chỉ của Triều đình đã ban từ năm 1653. Qua bao cơn binh lửa, bão lũ, dân làng vẫn giữ được đôi câu đối ghi công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt:

“Phá Tống, Bình chiêm, phò nghiệp Lý

Giúp dân cứu nước rạng làng Cơ”.

Năm 2006, bức tượng đồng Lý Thường Kiệt bán thân (có Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tham góp ý kiến khi làm mẫu tượng), đã được rước long trọng vào hậu cung đình để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đặc biệt, trước năm 2015, trong khuôn viên đình còn có đài liệt sĩ tưởng niệm đội giao thông liên lạc Nguyễn Ngọc Nại. Cố Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Minh Tiến (tên thật là Nguyễn Công Trân), sinh ra và lớn lên ở Bãi Giữa Trung Hà, từng là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Phúc Xá trong 60 ngày đêm quân dân Hà Nội chiến đấu giam chân địch trong thành phố (19-12-1946/ 17-2-1947). Ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương, nhất là trong quá trình đi tìm hài cốt của các chiến sĩ của đội. Các anh đã dẫn đường cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I đêm 17-2-1947 và chiến đấu, hy sinh trên ngàn dâu Tàm Xá để bảo vệ cho Trung đoàn Thủ đô sáng 19-2-1947.

Sáng một chữ Tâm với bước chân không mỏi, suốt từ năm 1957 đến 1991, Trời Phật đã run rủi cho ông tìm thấy em ruột là Nguyễn Công Quảng và các liệt sĩ trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Canh. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại và 7 chiến sĩ đã được ghi tên trên bia trong khuôn viên đầu đình. Năm 2015, Đài Liệt sĩ Ngọc Thụy nằm trong quần thể di tích Lịch sử -Văn hóa của phường được khánh thành; tên các anh và các Liệt sĩ trong của quê hương Ngọc Thụy được ghi trên bia đá, cạnh đài Tổ quốc ghi công.

Cùng với đình tọa lạc trên mảnh đất đẹp, chùa cổ Phúc Xá vốn theo phái Tào động từ xưa, là một trong 5 phái của dòng Thiền tông. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa lớn vào thời Nguyễn và những năm gần đây, nhưng vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như 36 tượng gỗ tròn, hoành phi, câu đối chạm khắc tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX. Cổng chính của chùa còn đôi câu đối ghi dấu tích làng An Xá: “Hùng sơn nhĩ thủy danh lam tính/ Xá tự Hàm châu cảnh sắc tàn”. Chuông chùa Phúc Xá và những hiện vật đang lưu giữ thực sự là nguồn tư liệu quý hiếm cho chúng ta hiểu về công lao, sự nghiệp của Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt đối với quê hương, đất nước. Tháng 7- 2020, nhân dân thành kính rước tượng Lý Thường Kiệt vào nhà Mẫu, phối thờ cùng Đức Thánh Trần.

Còn mãi bài thơ thần uy linh

Tự hào là quê hương của Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt, một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam, hàng năm, quận Long Biên và nhân dân Phúc Xá đều tổ chức tế lễ Thành Hoàng làng và Lý Thường Kiệt vào dịp hội làng (6-3 âm lịch), và ngày mất của ngài (2-6). Những dịp lễ trọng như vậy, Tiểu ban quản lý di tích đình Phúc Xá cũng cử đoàn đại biểu sang đền Lý Thường Kiệt ở số 4 Nguyễn Huy Tự và đình Nam Đồng nơi tôn Ngài làm Thành Hoàng, để tế lễ. Thật vui mừng và cảm động, khi học sinh các trường Tiểu học và Trung học của quận Long Biên, hàng tháng đến đình để học tập và tham quan di tích lịch sử - văn hóa.

Nghe trong hương trầm, bài thơ thần uy linh của Quốc công Thái úy trên sông Như Nguyệt, mà năm 2007, các cụ của Ban quản lý di tích đã lên đền thờ Lý Thường Kiệt tại thôn Yên Phụ, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, xin rước bài thơ về đình Phúc Xá:

“Sông núi nước Nam Vua Nam ở

Rành rành định phận ở Sách Trời

Cớ sao quân giặc dám xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.