Tọa đàm "Tình sử Thăng Long"- vở chèo khắc họa mối tình duy nhất của 2 vị vua yêu nhau trong lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Sáng ngày 9-12, Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm về vở chèo "Tình sử Thăng Long" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Không khí buổi tọa đàm đã diễn ra rôm rả với nhiều ý kiến khen chê khác nhau.

Đây là buổi trao đổi và rút kinh nghiệm trong dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm sân khấu giữa các tác giả, đạo diễn và các nhà quản lý, nhằm tìm ra những giải pháp tích cực, nâng cao chất lượng các vở diễn của sân khấu Thủ đô.

Theo đó, vở chèo "Tình sử Thăng Long" do các nghệ sĩ trẻ của nhà hát Chèo Hà Nội đảm nhận, đã đoạt HCB Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020. Vở chèo được dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Phạm Văn Quý, khắc họa mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh – hai vị vua cuối thời Lý và đầu thời Trần.

Một cảnh trong vở chèo "Tình sử Thăng Long"

Một cảnh trong vở chèo "Tình sử Thăng Long"

Dưới bàn tay của đạo diễn Lê Tuấn và sự tâm huyết của ê kíp thực hiện, vở diễn đã tái hiện một giai đoạn lịch sử cùng với cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần một cách êm thấm, không hề gây binh kết oán. Đồng thời, vở diễn còn cho khán giả thấy tầm vóc lớn lớn nhưng đời hơn với những nỗi niềm của 2 nhân vật chính, Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh.

Tại buổi tọa đàm, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội LH VHNT Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót của vở diễn. Theo NSND Trần Quốc Chiêm, đây là tác phẩm đậm chất chèo, đạo diễn có mảng miếng mạch lạc, âm nhạc tốt, dàn diễn viên trẻ đã làm "tròn vai" và có thanh, có sắc. Tuy nhiên, do tuổi đời còn trẻ nên các em chưa cảm nhận được hết lịch sử để diễn tả được hết cái hồn của lịch sử, của chân dung lịch sử nhân vật, nhất là nhân vật Trần Liễu và một số nhân vật khác.

Buổi tọa đàm vừa diễn ra sáng ngày 9-12 tại Hà Nội

Buổi tọa đàm vừa diễn ra sáng ngày 9-12 tại Hà Nội

Nhà viết kịch Giang Phong nhận xét, vở chèo "Tình sử Thăng Long" có đề tài không mới vì nhiều tác giả đã khai thác mối tình giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Nhưng tác giả Phạm Văn Quý đã khai thác chiều sâu lịch sử để nêu bật nhân vật Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng... để đề cao số phận quốc gia, số phận một triều đại và đậm chất nhân văn, triết lý nhân sinh. Dù đây là một vở diễn hấp dẫn nhưng ông thấy tiếc khi thiếu đi những lớp cảnh làm nổi rõ tính cách Trần Cảnh xứng đáng với lịch sử vốn có.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho biết, đây là vở ông thích vì vở đã đem cái mới, không lặp lại những vết cũ của các tác giả khác về đề tài lịch sử, tức là hướng tới trái tim, đời hơn và mang đậm tính nhân văn. Đặc biệt, 2 diễn viên chính đã đóng góp rất tích cực vào thành công của vở diễn.

Bên cạnh đó, tọa đàm còn nhận được nhiều ý kiến xây dựng của giới chuyên môn để vở diễn trọn vẹn hơn. NSƯT Thu Huyền, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội bày tỏ lòng cảm kích trước các góp ý của giới chuyên môn về vở diễn "Tình sử Thăng Long" của nhà hát. Qua vở diễn này, nhà hát muốn giới thiệu tới khán giả về lịch sử và văn hóa Thủ đô, đồng thời vun đắp sức trẻ để chèo Hà Nội mãi thanh xuân với thời đại và thành phố.