Sứ mệnh lịch sử oanh liệt và rạng rỡ của kinh đô 1010 năm tuổi (11): Thăng Long - Hà Nội và tầm nhìn thiên niên kỷ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) trong “Đại Việt sử ký tiền biên” đã nhận định, đất Long Đỗ (tức Thăng Long) có “Núi Tản Viên chống lưng một cõi, sông Phú Lương (sông Hồng) như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có… là nơi trung tâm của đất nước, bốn phương chầu về. Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thể Đại Việt không nơi nào hơn được nơi này!
Triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời” tại Hoàng thành Thăng Long, ngày 9-10-2020

Triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời” tại Hoàng thành Thăng Long, ngày 9-10-2020

Tròn 1010 năm đã trôi qua, kể từ mùa Thu năm Canh Tuất (1010), Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên Đại La thành Thăng Long, mở đầu trang sử mới của vùng đất núi Nùng, sông Nhị. Trong suốt chiều dài 1010 năm lịch sử ấy, Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra biết bao sự kiện lớn. Nơi chứng kiến biết bao những biến cố, thăng trầm của mảnh đất này nói riêng và của cả đất nước nói chung. Từ ngày định đô cho đến cuối thế kỷ XVIII, Thăng Long là Kinh đô của nước Đại Việt, là trung tâm của nền văn minh Đại Việt. Trong thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân, Huế, nhưng Hà Nội vẫn là một trung tâm văn hóa, kinh tế lớn của đất nước.

Dưới thời Pháp thuộc, Hà Nội là thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Nội tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chọn là Thủ đô của nước Việt Nam độc lập.

Trong thời kỳ đổi mới và xây dựng, Hà Nội tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào những hành tựu chung của cả nước, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, ngoại giao, kinh tế và giao dịch quốc tế.

PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc rời đô của Vua Lý Thái Tổ là một trong những quyết định vĩ đại, là sự đóng góp to lớn của ông cho lịch sử phát triển của dân tộc. Rời kinh đô Hoa Lư ra Thăng Long - mảnh đất có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở đây có thế núi sau sông trước nhìn ra 4 phương, điều này nói lên thuận lợi của kinh đô Thăng Long và cả đất nước chúng ta thời điểm đó, nhưng cũng đồng thời nói lên vị thế của dân tộc ta khi bước lên hội nhập với các nước trong khu vực.

Trải qua các thời đại từ Lý, Trần, Lê… tới các triều đại sau này, Thăng Long - Hà Nội có nhiều bước phát triển vượt bậc. Lý Thái Tổ là người kế thừa truyền thống giữ nước mở đầu là Ngô Quyền năm 938 đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, sau đó không lâu kế thừa Lê Hoàn kháng chiến chống Tống năm 980. Tiếp nữa, chúng ta cũng trải qua biết bao các triều đại, mỗi triều đại đều có chiến công hiển hách, vang danh trong lịch sử dân tộc.

Và trong suốt chiều dài của 1010 năm đó,

Là Thăng Long lắng hồn núi sông;

Là nơi khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc;

Là Thủ đô Anh hùng;

Là niềm tự hào lớn lao cho mỗi công dân, những người sinh sống và làm việc ở mảnh đất lịch sử này!

Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, với mục đích làm nổi bật vai trò và tầm nhìn thiên niên kỷ của Vua Lý Thái Tổ với quyết định chọn Thăng Long làm Kinh đô của vương triều và đất nước, khắc họa lại bức tranh kinh đô Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình 1010 năm lịch sử, khẳng định truyền thống văn hiến nghìn năm, tầm vóc, vị thế và sức mạnh của Thủ đô với những thành tựu trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước…; sáng 9-10, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đã diễn ra triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời”. Triển lãm giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh, gồm 3 nội dung: Đức vua Lý Công Uẩn và quyết dịnh đời đô; Kinh đô Thăng Long và Thủ đô Hà Nội. Trong đó, điểm nhấn của triển lãm là các thông tin về quê hương nhà Lý ở làng Dương Lôi, xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh vốn thuộc hương Cổ Pháp. Bên cạnh đó là các thông tin cụ thể về Kinh đô Hoa Lư - khu vực này vốn là đất bản bộ của Vua Đinh Bộ Lĩnh. Từ 968-1.009, thời nhà Đinh - Tiền Lê đã chọn vùng đất này làm Kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Trước khi lên ngôi, Lý Công Uẩn là một đại thần giữ chức vị quan trọng dưới thời Vua Lê Ngọa Triều.

Lý Công Uẩn lên ngôi vào năm 1009 và chỉ vài tháng sau, ông đã có quyết định dời đô quan trọng này. Ngoài các thông tin về thủy trình của cuộc dời đô tầm nhìn thiên niên kỷ, triển lãm cũng khắc họa rõ nét về Kinh đô Thăng Long, các dấu tích lịch sử, mặt bằng kiến trúc của cấm thành thông qua các cuộc khai quật khảo cổ học trong suốt 18 năm qua.

Phần thứ 3 của triển lãm “Thủ đô Hà Nội” được bắt đầu từ thời điểm năm 1946 với lời kêu gọi “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội mở đầu “Toàn quốc kháng chiến”, bảo vệ chính quyền cách mạng rút lên Việt Bắc, xây dựng kháng chiến lâu dài. Đến 1954, Hà Nội ngày trở về. Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại đoàn quân tiên phong tiến về tiếp quản Thủ đô. Từ đây, Hà Nội và miền Bắc trở thành hậu phương lớn, chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó còn là một Hà Nội anh hùng trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không - mùa đông 1972. Năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Và hiện tại là một Hà Nội đổi mới, thành phố vì hòa bình và còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong nước và quốc tế.