"Gió lạc mùa":

Nỗi buồn day dứt với cuộc tình không trọn vẹn

ANTĐ - Tôi lặng đi bởi nỗi buồn day dứt trong trái tim nữ sĩ với cuộc tình không trọn vẹn. Sau đó, tôi trở nên bâng khuâng với sự ám ảnh về nỗi đời, tưởng như tuyệt vọng và đầy ai oán của thân phận người đàn bà đau khổ.

Tôi đã bất ngờ khi đọc những câu thơ đầu tiên của Nguyễn Thị Loan, qua tập thơ “Gió lạc mùa”, NXB Hội Nhà văn-2012. Trước hết, tôi lặng đi bởi nỗi buồn day dứt trong trái tim nữ sĩ với cuộc tình không trọn vẹn. Sau đó, tôi trở nên bâng khuâng với sự ám ảnh về nỗi đời, tưởng như tuyệt vọng và đầy ai oán của thân phận người đàn bà đau khổ. Nhưng rồi tôi đã giật mình vì nỗi buồn ấy, tuy cay đắng sao lại tuyệt đẹp đến vậy, qua những ví von, so sánh đầy ẩn dụ của một tấm lòng nhân ái, vị tha làm xao xuyến lòng người.

Tập thơ thể hiện những nỗi niềm thân thiết của tác giả, với gia đình con cháu và với người yêu thương cùng những sóng gió, tủi hờn, nhưng bao giờ cũng là một tình cảm chân thành, vỗ về và chia sẻ. Nỗi cô đơn tràn ngập mọi nơi, mọi lúc trong thơ của Nguyễn Thị Loan. Ngay cả khi sự bất hạnh ập đến, chị kêu than: “Nỗi buồn như dao nhọn - Nhói vào tim anh ơi”, hay “Đêm thật dài em gom góp tái tê - Thành câu chữ cho thơ buồn như nẫu”, thì nhà thơ vẫn không oán trách người mà chỉ nhớ và… nhớ, rồi âm thầm cô đơn:

“Giao thừa rượu em rót

 Với bóng mình thành đôi” (Giao thừa)

Nỗi buồn tuyệt đẹp của tấm lòng là vậy, luôn luôn níu kéo, tin cậy và nương nhờ. Chị chỉ mong: “Nếu bát canh anh nhạt - Đừng thêm muối của trời - Nhớ về em: anh nhé - Muối là em đấy thôi”. Và cho dù muôn vàn xa xôi cách trở, trái  tim thổn thức với những đắng cay:

“Trăng rằm đầy như thế

  Mà tim em vỡ đôi” (Khoảng trời xưa)

Thì trong trái tim người nữ sĩ vẫn tha thiết với những kỷ niệm còn tươi nguyên: “Bao nhiêu rồi mùa sim - Nhuộm tím trời thương nhớ”. Hay “Yêu anh… em như sóng cũng bạc đầu”, trong bài thơ “Biển chiều” và cho dù “Anh chấm buồm trong mơ” thì vẫn nguyện “Em chờ anh hóa đá”. Thế rồi nhà thơ chỉ mong ước:

Có thuốc nào để quên được ngày xưa

Có rượu nào uống vào quên được nhớ

Ước gì hoa cau đừng thơm nữa

Dạ hương ơi day dứt làm gì” (Thơ và em)

Hơn nữa nhà thơ còn tự trách mình, trong một “Chiều thanh minh” rằng:

“Hình như con cũng có lỗi

  Cả tin yêu thương một đời…”

Rồi an ủi cho con tim từng rỉ máu của mình bằng cõi thơ đầy ẩn chứa và gửi gắm; đó cũng là nơi khi “Không còn nước mắt để khóc” nữa, thì nhà thơ chỉ biết : “Đời vụng dại lấy thơ làm chỗ dựa - Dìu bước chân em qua dốc cuộc đời”. Dường như thơ là lối thoát cho một trái tim yếu đuối và một thân phận cay đắng, đầy tro bụi; để mong làm sao cho “Bạch đàn xanh khao khát hết chiều”. Tất cả đã thành kỷ niệm, cho dù nó quá tàn nhẫn, trong sự chia xa, nhưng tình yêu vẫn đẹp, nỗi buồn vẫn đẹp, bởi nó vẫn phảng phất đâu đó, trong “Khói hoa”:

 “Thân cây anh khắc tên

  Hai chữ lồng ngày đó

  Bây giờ đã quá cao

 Mắt nhòe không rõ nữa…”

Với “Gió lạc mùa”, nhà thơ còn để đọng lại trong lòng bạn đọc những lời ru; một chùm lời ru cho con cháu nhưng cũng là lời ru cho tâm hồn mình. Ngay cả những bài như “Ký ức buồn”  hay “Với con và cháu”…cũng trở thành những lời ru cùng với các bài: “Lời ru thắp lửa”, “Lời ru của bà”, hay “Lời  ru dâng bão”… Ta có thể nhận ra lời ru trong tâm hồn của nữ sĩ: “Từ ngày con đi lấy chồng - Căn nhà rộng, mênh mông nỗi buồn”, hoặc: “Mẹ như trăng khuyết không tròn - Có con cái mất là còn con ơi”. 
Người đọc có thể nhận ra lời ru cháu, chính là lởi ru tự lòng mình của người bà nhân hậu: “Bà như cánh vạc bên sông - Vịn thơ để qua giông bão đời” hay cũng trong bài này, Nguyễn Thị Loan đã có câu thơ gây ấn tượng sâu sắc: “À ơi! Mầm sống chồi tơ - Bà ngồi ru những giấc mơ đời người”. Và rồi, những tự sự về cuộc sống, về đường đời luôn giăng mắc, tạo nên sự mẫn cảm đến kỳ lạ, khi tác giả cố nén mọi nỗi đau thương để cất lời hát tự con tim mình :

“Ru cho đôi má con hồng

Nỗi  đau lòng mẹ vun trồng trái non

Một đời vì cháu vì con

Buồn thương nén lại cho tròn niềm vui”

Về nghệ thuật thơ ca, người đọc rất dễ nhận ra Nguyễn thị Loan có những dấu ấn tìm tòi nhất định trong câu chữ; chúng xuất hiện tự nhiên nhưng cũng đầy sắc lạ, qua những câu thơ. Ta có thể cẩm thấy nét thi vị lạ lùng ở các cụm từ như: “thơ buồn như nẫu”, “xác lá bàng  khua nỏ”, “đội tang cho kỉ niệm xưa” hay: “Cơn gió lạc mùa đau lòng sóng bể”, “khao khát hết chiều”… 

Hơn nữa, với tôi thơ của Nguyễn Thị Loan trong “Gió lạc mùa”, còn được ghi nhận ở những câu thơ khá độc đáo, ẩn chứa cảm xúc sâu sắc, và cũng rất dịu dàng với nhiều liên tưởng giầu chất thơ, như: “Lá trầu xanh quá lứa - Quả cau non đã già - Ngồi xước tàu cau rụng - Quét nỗi buồn đã qua” (Khói hoa). Riêng về thể loại thơ Lục bát chị có những bài thơ và những câu thơ hay như: “Lời ru thắp lửa”, “Trên sông Cấm”, “Em tôi”, “Ký ức buồn”, “Tôi yêu”… Đáng chú ý, trong bài “Bà đi đâu?”, viết cho một người mua bán đồng nát, nhưng nhà thơ vẫn có sự chia sẻ, gần gũi với những hình ảnh đầy tâm trạng:

“Đôi quang vít nặng thân gày

 Lưng còn đổ bóng càng dày nỗi đau

 Cau khô cuộn lá trầu nhàu

Nhai trầu nhai cả đêm thâu canh gà”

Viết cho người mà viết cho chính lòng mình vậy. Hoặc trong bài thơ “Trăng khuyết cả rằm”, với tứ thơ lạ, nhà thơ làm cho người đọc xao xuyến với những câu thơ thật dung dị nhưng lại ẩn chứa nỗi đời cay đắng:

“Tình đầu như một bài thơ

Chậm đến nơi hẹn ngỡ chờ mười năm

Bây giờ trăng khuyết cả rằm

Tơ non rút ruột đời tằm héo dâu”

Hay “Với người đến sau tôi”, nhà thơ có những so sánh thể hiện được nỗi xót sa trong lòng mình: “Sông sâu đo được vơi đầy - Tôi ngồi đếm lại tháng ngày mồ côi”. Nhưng rồi, vẫn có lời nhắn nhủ thân thương với cô gái rằng: “Mong em là người đến sau - Một mai áo cũ đừng nhàu như tôi”.

Sự chia sẻ là thế, chân tình là thế ngay cả với nỗi đau của lòng mình và với những nỗi niềm nhân tình thế thái xung quanh. Chính vì điều này mà thơ của Nguyễn Thị Loan tạo nên vẻ đẹp huyền diệu của nỗi buồn. Đó là cảm xúc và tình yêu thương sâu sắc và thầm lặng của nhà thơ đối với cuộc sống và đó cũng là thành công của tập thơ “Gió lạc mùa”.