“Nỏ thần” của Việt Nam là luật pháp quốc tế

ANTĐ - Sáng 20-5, hội trường có sức chứa trên 700 người của ĐH Luật Hà Nội không còn chỗ trống. Nhiều sinh viên đứng tràn ra hành lang, cầu thang khu hội trường để được tham dự buổi Tọa đàm khoa học với các chuyên gia luật biển quốc tế cùng bàn về “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế”.

Theo luật pháp quốc tế, cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn phi lý

Chính nghĩa thuộc về Việt Nam 

Nói về hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981  trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, PGS.TS.Nguyễn Bá Diến khẳng định, đây không phải là hành động ngẫu nhiên mà là chiến lược đã lập trình bài bản từ hơn nửa thế kỷ qua của Trung Quốc.

“Tôi đã nghiên cứu 4 năm đề tài Nhà nước và đã có 35 năm giảng dạy trong lĩnh vực Luật học. Tôi xin chia sẻ là chúng ta có nhiều giải pháp tổng hợp để vượt qua, chiến thắng tham vọng của người láng giềng mưu mô. Một trong những sức mạnh của Việt Nam hiện nay là luật pháp, công lý, lẽ phải. Việt Nam có chính nghĩa, có luật pháp quốc tế. Việt Nam đấu tranh phù hợp với nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Điều tôi trăn trở là chúng ta sử dụng luật pháp quốc tế - “nỏ thần” của Việt Nam như thế nào? Đây cũng là điểm yếu của Trung Quốc. Lâu nay Trung Quốc luôn tìm cách trì hoãn Việt Nam sử dụng công cụ này. Đã đến lúc chúng ta phải sử dụng ngay nếu không sẽ muộn”. Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Toà án công lý quốc tế, Tòa án luật Biển quốc tế là những tài phán quốc tế chúng ta có thể đề cập, kể cả trong trường hợp Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của các tổ chức này. 

Vấn đề được rất nhiều sinh viên, cán bộ giảng viên ĐH Luật Hà Nội quan tâm là nếu Trung Quốc vi phạm như vậy, dùng các lực lượng vũ trang tham gia hoạt động này, gây thiệt hại cho Việt Nam thì chúng ta có nên có những phản ứng mạnh mẽ hơn hay không? TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ đã rất thẳng thắn trả lời: “Bản thân tôi cũng rất bức xúc nhưng trong thời đại hiện nay chúng ta phải định nghĩa thế nào là sức mạnh. Chúng ta phải khai thác sức mạnh pháp lý, đây là sức mạnh vô song để đẩy lùi vi phạm của Trung Quốc”. 

Khả năng tòa thụ lý là rất lớn

Trả lời câu hỏi: “Trước những hành vi vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam có thể tiến hành khởi kiện không?”, Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Giảng viên môn Công pháp quốc tế - Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có quyền khởi kiện và khả năng tòa thụ lý vụ việc, đưa ra phán quyết là khá cao.

Cũng theo TS. Nguyễn Toàn Thắng, trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có quy định, các bên có thể giải quyết những xung đột bất đồng bằng cách đưa vụ việc ra cơ quan tài phán quốc tế. Quan điểm của Việt Nam là giải quyết vụ việc trên cơ sở quy định của pháp luật nên Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp tài phán quốc tế để giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Đông. 

“Về khả năng Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra cơ quan tài phán hay không, tôi lựa chọn phương án sử dụng các quy định tại phần 15 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, trong đó có các điều khoản về trình tự thủ tục cho phép các bên có thể giải quyết những tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”, TS. Nguyễn Toàn Thắng cho biết. 

Theo quy định tại phần 15, trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận và liên quan đến tranh chấp về việc giải thích áp dụng Công ước và nếu các bên không lựa chọn các cơ quan tài phán thì mặc định các bên lựa chọn giải quyết theo trình tự thủ tục tại trọng tài được thành lập theo phụ lục của Công ước. Trên thực tế, cả Việt Nam và Trung Quốc không có tuyên bố lựa chọn cơ quan tài phán. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các quy định tại phần 15 của Công ước Luật Biển 1982 để khởi kiện Trung Quốc về việc vi phạm các quy định của Công ước Luật Biển 1982.

Cũng theo TS. Nguyễn Toàn Thắng, trong trường hợp nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài, nội dung kiện phải liên quan đến việc áp dụng giải thích các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trong đó tập trung vào một số nội dung chính: yêu cầu tòa trọng tài giải quyết về việc những yêu sách mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông phải phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc đồng thời là thành viên. Ngoài ra, trong đơn kiện chúng ta có thể đề cập một số nội dung khác như yêu cầu tòa xác định: Trung Quốc đã thực hiện hành vi vi phạm khi đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan, đơn phương tiến hành thăm dò tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các  hành vi này đã vi phạm các điều 56, 60, 77 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam cũng có thể yêu cầu tòa giải quyết việc Trung Quốc đã thực hiện hành vi cản trở các tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển. 

“Theo tôi, khả năng tòa thụ lý vụ việc và đưa ra phán quyết là rất lớn. Tuy vậy, để vụ kiện thành công cần sự đóng góp rất lớn của các chuyên gia, các nhà làm luật, các luật sư trong việc nghiên cứu, xây dựng hồ sơ để khởi kiện”, TS Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.