Những người nổi tiếng không biết đi xe đạp

ANTĐ - Thi thoảng trà dư tửu hậu, dân văn chương vẫn “lôi” chuyện 4 cái tên nổi tiếng chưa từng biết đi xe đạp ra để kể cho nhau nghe. Cả đời, những con người này đã có những cống hiến không biết mệt mỏi cho văn chương, nhưng hễ ai bảo họ đạp xe đi một vòng phố phường là… sợ. 

Nhà văn Đỗ Chu - đi xe đạp một lần rồi cạch đến già

“Xe ôm” cho tiện

Cũng phải nói rõ thêm cho chính xác, 40 năm trước đây, nhà văn Đỗ Chu đã từng có một lần đi xe đạp. Đấy là vào những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ trước, khi đó Đỗ Chu mua được chiếc xe đạp  “đàn ông” từ một người bạn trong quân đội bằng tiền nhuận bút. Xe của Liên Xô cao ngỏng, xem ra rất hợp với tạng người nhà văn. Một lần tôi tình cờ gặp ông ở cuối phố Thụy Khuê, thấy ông dắt xe đạp, tay đen đúa bởi dầu xe. Thấy tôi, ông mừng rỡ bảo: “Xe của tớ bị tuột xích không đi được, lắp mãi không vào”. Bộ mặt gầy gò, méo mó của ông khiến tôi thấy ái ngại. Hai anh em dắt xe vào vỉa hè, tôi ngó nghiêng quan sát toàn bộ xe xem bị hỏng ở chỗ nào, nhìn mãi thì ra cái “đề-a-ơ” tức là cái cần điều  chỉnh vòng xích bị kéo gục xuống, thế là cái xích tuột ra, lọt vào khe các răng của bộ ba cái “líp”, ông không kéo ra được, nên đành dắt bộ. Loay hoay một lúc thì tôi lắp lại được cái dây xích cho ông… thế là đi được. Ông cười như nhăn nhó, vội cảm ơn rồi nhảy lên xe phóng về đơn vị. Bẵng đi một thời gian dài, tôi gặp lại Đỗ Chu, không thấy ông đi xe nữa.

Ngồi ở quán nước, Đỗ Chu bảo, sau cái bữa “tuột xích” ấy là mình bán quách xe đi, từ đó đến giờ đi xe “căng hải”. Giờ thì đường phố đã vắng bóng xe đạp, toàn là xe máy và ô tô. Cũng từ đó đến nay, Đỗ Chu nhất định không đi xe đạp nữa. Hỏi tại sao không đi xe cho tiện, ông bảo: Kể ra thì tập lại cũng đi được nhưng đường phố bây giờ nhốn nháo, xe đi như điên, mình có đi nép vào bên hè thì nó cũng đâm vào mình, thôi cứ đi “xe ôm” cho tiện. 

Hội những người thích đi bộ

Ngoài Đỗ Chu một lần đi xe đạp rồi thôi, 3 nhà văn, nhà thơ còn lại không biết đi xe đạp thật sự. Nhà văn Nguyên Ngọc đã có lần nhờ mấy bạn giữ xe cho ông tập đi nhưng không thành. Ngồi lên xe, người ta buông tay giữ là ông... ngã, ông bảo: chắc chân tớ ngắn không đạp xe được, thế rồi mãi mãi ông không tập xe nữa, thôi cứ đi bộ cho… chủ động. Còn nhà thơ Hoài Anh, dạo ấy vào những năm 60 của thế kỷ trước, ngôi nhà ông ở chỉ là căn gác xép nhỏ trên phố Hàng Buồm, nóc lợp tôn, mùa hè nóng rang, thế mà sức làm việc của ông rất khỏe.

Dạo ấy có tàu điện, nhưng cũng không mấy khi thấy ông di chuyển bằng phương tiện này, thường thì ông đi bộ. Giải phóng Miền Nam, ông chuyển vào Sài Gòn, gặp ông ở ngoài phố, vẫn thấy ông đi bộ… Hoài Anh là một người đặc biệt, chẳng bao giờ thấy ông to tiếng với ai, chẳng kêu ca khi khó nhọc, chẳng tranh chấp điều gì, ăn nói nhỏ nhẹ, nụ cười khiêm tốn, và suốt cuộc đời ông chỉ là khách bộ hành và hành trang là vài chục tác phẩm  kịch, văn thơ. Người sau cùng tôi muốn nói đến là nhà thơ Ngô Quân Miện. Dáng người nhỏ xíu, nên bước chân của ông nhẹ nhõm, thơ của ông giống theo cái tạng người ấy. Ông có chùm thơ được giải ba của Hội Nhà văn Việt Nam mà nhiều người nhớ vì nó dễ hiểu lại ngắn gọn: Qua cầu sông Đuống ban đêm / Điện nhà máy gỗ, máy diêm sáng ngời /  Tưởng đâu sông Đuống ngủ rồi / Mà câu quan họ ghẹo người vẫn sang… Vài chục năm trước, ông và nhóm bạn thơ của ông luôn gắn khít với nhau như hình với bóng là các nhà thơ Yên Thao, Trần Lê Văn, Lữ Giang... Một lần, tôi đang đi chiếc xe đạp Thống Nhất, gặp ông xách một cái túi to đi bộ ngoài đường, hỏi bác Miện đi đâu, ông bảo: Đi tắm nước nóng ở cuối phố Mai Hắc Đế.

Hà Nội ngày xa xưa chẳng nhà nào có bình nóng lạnh, vì thế mới sinh ra nhà tắm công cộng đun nước nóng bằng bếp than của tổ “Phục vụ”. Tắm nước nóng sáu hào một lượt. Tiện xe tôi đèo ông đi tắm. Ngồi chờ ông 20 phút rồi lại đạp xe chở ông về. Vợ ông biết đi xe đạp, nhưng ông thì không. Chính vì thế “bộ tứ” Miện, Yên Thao, Trần Lê Văn, Lữ Giang cũng đều đi bộ khi tụ tập với nhau. Cái thưở Hà Nội là thành phố phồn vinh về xe đạp thì bốn ông nhà văn này lại chẳng bao giờ nghĩ đến cái xe, phàm một nỗi là làm gì có xe bán tự do. Vả lại nhà văn thì nghèo, cũng chẳng có tiền mà mua… chắc thế nên mỗi ông có một lý do để suốt đời… đi bộ.