Những người giữ kho tàng từ thời sách chưa "làm xổi"

ANTD.VN - Với nỗ lực của nhiều phía, văn hóa đọc đang dần hồi sinh. Nhiều tác phẩm kinh điển hay những cuốn sách hay được tái bản. Giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm đến những cuốn sách có giá trị đích thực. 

Tìm đến nhà anh Lê Văn Hợp, một người trẻ khá nổi tiếng trong giới sưu tầm sách cũ tại ngõ 55, phố Lê Thanh Nghị, tôi phải đi lòng vòng nhiều ngõ nhỏ trong khu tập thể Bách Khoa và mất khá nhiều thời gian mới tới được căn nhà 4 tầng, nơi Hợp vừa làm kho vừa là nơi bán sách.

Chỉ thoáng quan sát là nhận ra ngay Hợp là dân “mọt sách” bởi cặp kính cận, khuôn mặt gày gò, đôi mắt sáng và thông minh. Tiếp tôi tại tầng 1 tràn ngập sách cũ, sách để cả trên kệ bếp, Hợp kể cho tôi về đam mê với sách trong khi tay vẫn không ngừng quệt hồ dán gáy những cuốn sách cũ.

Những người giữ kho tàng từ thời sách chưa "làm xổi" ảnh 1Anh Lê Văn Hợp (bên phải) trao đổi với khách hàng về tiểu thuyết của tác giả Nhật Bản

Giá trị không cũ

Sinh năm 1984, tốt nghiệp khoa Nhiệt lạnh Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng Lê Văn Hợp không theo nghề mà quyết định sống bằng chính đam mê từ thời còn đi học. Quãng thời gian là học sinh trường THCS Tô Hoàng, Hợp thường dành tiền quà sáng để mua sách. Đến bây giờ, “gia tài” của Hợp lên tới hơn 20.000 cuốn, trong đó có nhiều cuốn sách quý được xuất bản gần 100 năm trước, chất đầy 4 tầng nhà.

Nói về giá trị của sách cũ, Hợp chia sẻ: “Hình thức một cuốn sách bắt mắt tất nhiên vẫn đem lại cảm giác hưng phấn nhiều hơn cho người đọc. Nhưng điều đó không phải là tất cả. Một cuốn sách hay vẫn quyết định bởi nội dung cho dù nó được xuất bản từ lâu, dù sách không còn nguyên vẹn và dù công nghệ in lạc hậu làm cho những dòng chữ khó đọc hơn. Giá trị của sách là ở chỗ nó chứa đựng tri thức, tư tưởng... giúp chúng ta mở rộng thế giới quan. Thế nên sách cũ rất kén người đọc”.

Sách cũ còn có nhiều cái hay mà sách mới không có được. Mà cái hay ở đây thiên nhiều về cảm xúc, đó là mùi giấy cũ kỹ, lâu năm, đó là cảm giác được chạm tay lên những bìa sách đã sờn hay trang giấy thô ráp. Hấp dẫn nhất ở sách cũ là có nhiều cuốn không tái bản hoặc có tái bản thì nội dung sơ lược, văn phong cũng khác, lỗi dịch và cả lỗi chính tả nhiều không đếm xuể bởi kiểu “làm xổi” dưới áp lực kinh tế thị trường.

Giới trẻ hiện nay có nhiều thú vui, trò tiêu khiển hấp dẫn. Thú đọc sách ít nhiều cũng mai một, bởi đọc sách cần thời gian và không gian riêng biệt. Nhưng cũng không ít bạn trẻ nhận ra giá trị đích thực của sách, biến đọc sách thành ham muốn, thú sưu tầm, thú vui. Khi đã mê thì khó mà bỏ được. 

Những người giữ kho tàng từ thời sách chưa "làm xổi" ảnh 2Sách cũ có những giá trị riêng mà những cuốn sách mới giấy trắng tinh, bìa bắt mắt cũng không thể vượt qua

Bán sách không vì lợi nhuận

Say mê sách, sưu tập sách rồi bán và trao đổi sách cũ đến với Lê Văn Hợp như cái duyên trời định. Khi biết anh có số lượng sách kha khá, bạn bè hỏi mượn hoặc đổi sách về đọc. Rồi người này giới thiệu người kia có nhu cầu tìm đến hỏi mua, vậy là hình thành vòng luân chuyển sách từ anh qua người ham đọc khác. Anh thành thật: “Thu nhập từ sách chẳng thấm vào đâu, chỉ đủ chi trả nuôi con nhỏ và thỏa mãn đam mê sách của mình”. Con gái anh sinh vào Ngày Sách Việt Nam, 21-4. Anh cười nói: “Biết bố nó mê sách nên sinh vào ngày đó cho ấn tượng”. 

Yêu sách, đọc rất nhiều, mỗi ngày bỏ ra từ một đến hai tiếng buổi tối để đọc những gì mình thích nhưng Hợp cho biết, anh chưa đọc hết số sách đang có. Gu của anh là sách về kỹ năng sống kiểu như “Đắc nhân tâm”. Nhiều người yêu sách khác cũng vậy, họ đọc theo sở thích nhưng có thể mua rất nhiều vì còn có cái thú vui sưu tầm sách theo thể loại, theo tác giả, theo năm xuất bản... Có người bỏ ra rất nhiều tiền để sở hữu cuốn sách mà theo họ chỉ còn duy nhất một cuốn hoặc cực kỳ hiếm. Thế nên dân chơi sách cũ không bao giờ nói đến sách nối bản hay sách photo vì đó không phải là cách chơi đúng nghĩa.

Người bán sách phải yêu sách mới lâu bền, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận không bao giờ có sách hay, sách quý về tay mình. Và cũng cần cởi mở, giao lưu với khách hàng, đặc biệt phải có trí nhớ cực tốt. Tôi hỏi thử cuốn sách đang tìm: “Nghề cổ nước Việt”, Hợp đã đọc ra ngay cuốn này do ai viết, nhà xuất bản nào, từ năm nào...

Nói về nghề của mình, anh Lê Văn Hợp tâm sự: “Công việc sưu tập sách làm tôi cảm thấy mình đang gián tiếp “cứu” những cuốn sách cũ. 

“Những cuốn sách cũ cũng có số phận của riêng nó, có thể bị cho đi, có thể nằm chờ trong những nhà máy nghiền để tái chế nhưng cũng có thể đến tay những người cần để được nâng niu, trân trọng”. 

Những người giữ kho tàng từ thời sách chưa "làm xổi" ảnh 3Không gian sách cũ vẫn thu hút đông đảo bạn đọc

Giá trị những trang sách ngả màu thời gian

Người yêu sách Hà Nội đa phần đều biết đến những hiệu sách cũ nổi tiếng, trong số đó có cửa hàng sách ở số 5 Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, của ông Lê Luy, bà Phạm Thị Mão. Ông bà có hơn 20 năm bán sách tại khu phố này, được coi là nhà sách đầu tiên có công hình thành nên phố sách. Hay hiệu sách số 5 Bát Đàn của vợ chồng ông giáo già Phan Trác Cảnh - Đào Thị Mão, nơi đây là cả một kho tàng tri thức cổ xưa về Việt Nam.

Rồi hiệu sách số 180 Bà Triệu của ông Lương Ngọc Dư, một người yêu sách được cho là gàn dở, bán sách giá “cắt cổ” nhưng sẵn sàng tặng không lấy tiền với những khách gây ấn tượng vì say mê sách. 

Ngoài các hiệu sách nổi tiếng, hiện nay ở Hà Nội xuất hiện nhiều điểm mua bán và trao đổi sách cũ, có nơi trở thành phố sách cũ như trên đường Láng. Nhiều bạn trẻ yêu sách còn sử dụng Facebook mở những hiệu sách online giới thiệu những cuốn sách hay mình có. Cũng qua mạng xã hội, nhiều diễn đàn, hội sách cũ ra đời góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho người yêu sách. Cơ hội để sách cũ đến với bạn đọc còn qua các sự kiện như “Không gian sách cũ” tổ chức vào các ngày cuối tháng tại sân trường Đại học Văn hóa Hà Nội hay sân trường Đại học Bách khoa Hà Nội; “Hội sách cũ Hà Nội” tổ chức hàng tháng tại hồ Văn thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Cũng như Lê Văn Hợp, những người bán sách cũ không chỉ hiểu về sách, yêu sách mà còn nặng lòng với sách. Ông Lương Ngọc Dư cho biết nhiều năm sưu tập sách, ông đã gặp những trường hợp khó khăn về kinh tế mà phải dứt lòng bán đi cuốn sách yêu quý.

Khi trao sách cho ông, có người đã xúc động nói: “Tôi giữ lại thì chưa biết lúc mình chết tủ sách sẽ thế nào. Chuyển cho anh, tôi tin những quyển sách này sẽ đến tay người đọc đáng kính”. Cũng chính kỷ niệm sâu sắc này hình thành trong ông suy nghĩ: Sách là giá trị của nhân loại, người bán sách chỉ là thủ thư gìn giữ giá trị ấy cho muôn đời. Sau này đến ngày cuối đời, nếu phải trao lại tủ sách này cho người đọc nào đó, ông sẽ xóa hết bút tích để người sau không biết ai là chủ nhân cuốn sách.

Còn đối với chủ nhân hiệu sách số 5 Bát Đàn, ông Cảnh cho biết: Mỗi ngày có đến cả trăm nghìn cuốn sách mới được phát hành nhưng những cuốn sách cũ vẫn luôn có giá trị trường tồn theo năm tháng.

Trong nhà những ai sống ở Hà Nội chắc hẳn có đôi ba cuốn sách cũ, họ sẽ thấy chúng quý giá hơn khi biết rằng có người dành cả đời để sưu tập và gìn giữ giá trị từ những trang sách đã ngả màu thời gian.