Nhà văn Phong Điệp:

Những cơn mơ cất trong ngăn tủ

ANTĐ - Bận rộn với nghiệp văn, nghề báo. Làm việc trong môi trường hiện đại nhưng nhà văn Phong Điệp vẫn giữ cách ứng xử truyền thống với mọi thiên chức của phụ nữ. Chăm lo về tinh thần cho các con là điều nữ nhà văn này đặt lên hàng đầu. Chị quan niệm, viết sách cũng là cách để gom góp gia tài cho các con.

Phong Điệp viết để “gom gia tài” cho hai con gái

Viết cho con vì sách thiếu nhi… làm ẩu

Nếu như nói rằng, khi Phong Điệp làm mẹ thì văn chương đã bị đẩy xuống “hạng nhì” thì chưa thật chính xác. Bởi đôi khi chính con cái lại là nguồn cảm hứng sáng tạo của chị. Cũng bởi thế mà Phong Điệp đang có kế hoạch dài hơi cho bộ truyện thiếu nhi “Nhật ký Sẻ Đồng”. Tập đầu tiên của bộ sách đã ra mắt bạn đọc vào năm 2011 với tên gọi “Chào em bé!”, hiện chị đã hoàn thành tập hai có tên gọi “Những bí mật ở trường mẫu giáo”. Có thể nói đây chính là món quà đặc biệt chị dành cho hai cô con gái và cho chính gia đình nhỏ. Phong Điệp cho biết, chị sẽ theo đuổi bộ sách cho đến khi các con chị… hết là trẻ con. 

Nhận xét về thị trường sách thiếu nhi hiện nay, Phong Điệp nói rằng chưa bao giờ sách cho thiếu nhi phong phú và đẹp như bây giờ, nhưng “cũng phải nói ngay là sách cho thiếu nhi chưa bao giờ bát nháo như bây giờ”. Trước câu hỏi, “có phải vì thế mà chị viết sách thiếu nhi?”, Phong Điệp chia sẻ: “Vì có những cuốn sách thiếu nhi làm ẩu khiến tôi thường phải vừa đọc sách cho các con vừa phải… biên tập. Nhiều lần quá đâm nản, nên tôi phải tự sáng tác chuyện kể hàng đêm cho con”. Thế là từ nhu cầu chuyện kể hàng đêm cho hai con gái, chị đã bắt tay vào viết.

Hạnh phúc của người làm mẹ không khó để nhận ra, và cũng là thứ dễ bày tỏ nhất thì phải. Trong câu chuyện, Phong Điệp không giấu niềm vui khi mỗi ngày chị như khám phá ra những điều mới mẻ từ hai cô con gái. “Có hôm thấy con trằn trọc không ngủ, dỗ mãi không được, tôi mới hỏi lý do tại sao. Cháu bảo: Bạn cây của con ngoài ban công không có mẹ ở bên thì ngủ làm sao được, muỗi cắn bạn ấy thì ai đuổi cho bạn ấy được. Vậy đấy! Và tôi nghĩ, tại sao lại không viết về chính thế giới trẻ thơ sống động ngay bên cạnh mình”.

Tâm thế “người ở trọ”

Từ lâu rồi, đề tài đô thị đã thành một vệt đậm liên tục trong những sáng tác của Phong Điệp. Từ những truyện ngắn thời sinh viên cho đến những sáng tác sau này. Người ta có thể cảm nhận thấy điều đó ngay ở những cái tên tác phẩm của chị: Người phía bên kia đường; Phòng trọ; Kẻ dự phần và mới nhất là Nhật ký nhân viên văn phòng.

Giải thích về việc gắn bó với đề tài đô thị, Phong Điệp cho biết: “Vì mỗi buổi sáng mở mắt ra, âm thanh dội vào tai tôi đầu tiên không phải là tiếng gà gọi sáng mà là tiếng còi xe inh ỏi. Ám ảnh những giấc ngủ của các con tôi là tắc đường, kẹt xe. Ám ảnh đồng nghiệp tôi hàng ngày là ô nhiễm, dịch bệnh, cháy xe, sập nhà...”. Tất cả những điều đó đã khiến chị không ngớt nghĩ về đời sống nơi đây, với những thân phận người đang cố neo vào đô thị này để tồn tại bằng mọi cách. Nơi ấy những người bạn chung trường đại học Luật với chị, đã gần mười lăm năm chia tay nhau kể từ ngày tốt nghiệp, dù sống trong cùng một thành phố vẫn chưa thể gặp nhau vì bao nỗi ngổn ngang. Chị bày tỏ: “đô thị mang trong mình quá nhiều câu chuyện, và chúng thúc giục tôi viết ra”.

Làm một bà mẹ trong cuộc sống hiện đại phải gánh quá nhiều trách nhiệm xã hội, thiên chức gia đình, Phong Điệp tự ví mình như chiếc tủ nhiều ngăn, và các trách nhiệm đó được chị chia nhỏ trong các ngăn khác nhau. Ngăn của chồng, ngăn của con, ngăn cho làm báo, ngăn cho viết văn… Đó cũng là “bí quyết” để chị quán xuyến bản thân và không để sót đầu việc. Trong chiếc tủ ấy của Phong Điệp có một ngăn đặc biệt: ngăn dành cho ký ức. Ngăn tủ ấy chứa đựng những cơn mơ.

Sống ở Hà Nội gần hai mươi năm nhưng Phong Điệp vẫn canh cánh tâm thế của một người “ở trọ”. Dù chị đã có nhà riêng, đã có một tổ ấm mà chị biết cách chăm lo gìn giữ để nó được yên bình, có những đứa con xinh xắn. “Trong tâm hồn những người dân nhập cư tại các đô thị lớn, luôn có một vùng đất để trở về. Chỉ có điều, cuộc sống hàng ngày không cho phép họ làm điều đó. Và tôi cũng vậy thôi. Luôn có một cõi riêng để tôi trở về, dù cõi riêng đó - đôi khi chỉ còn là ký ức”. Bởi vậy, trong một góc nhỏ cuộc sống của Phong Điệp vẫn có những cơn mơ về một vùng ký ức mờ xa, để rồi khi tỉnh lại giữa những tiếng còi xe báo hiệu một ngày mới, chị lại tất bật với những lo toan thường ngày, tất bật với công việc làm báo. Và đêm về, khi các con đã ngủ yên, chị lại ngồi bên bàn viết, tiếp tục những cơn mơ dang dở…