Những bức tranh làm từ côn trùng
(ANTĐ) - Trong căn phòng nhỏ chừng 10m2 nằm trên gác 3 của Trung tâm Phòng trừ mối (267 Chùa Bộc), GS.TS Bùi Công Hiển và kỹ sư Đặng Ngọc Anh ngày ngày lặng lẽ sưu tầm, bảo quản hơn 5.000 mẫu côn trùng và sáng tạo ra nhiều bức tranh độc đáo từ cánh côn trùng. ít ai biết được rằng giữa phố phường Hà Nội buôn bán sầm uất, náo nhiệt, lại có một không gian tràn ngập màu sắc thiên nhiên đến vậy.
Dùng cánh côn trùng làm “màu” vẽ
Bắt nguồn từ một chuyến thực tập tại Thái Lan năm 1992, GS.TS Bùi Công Hiển - Giám đốc Trung tâm ứng dụng côn trùng học, trường Đại học Khoa học tự nhiên lấy làm lạ khi nhìn thấy bức tranh vẽ một người dân tộc làm bằng cánh bướm. Mỗi bức tranh như thế được người bán hàng bày trong một hộp kính khá sang trọng, với giá khoảng 20 USD/bức. Ngạc nhiên và thích thú, cộng với niềm đam mê nghiên cứu côn trùng học, GS Hiển ấp ủ ý tưởng làm tranh ghép từ cánh bướm.
Kỹ sư Đặng Ngọc Anh chia sẻ về bộ sưu tập tranh |
Năm 1993, khi về nước, Giáo sư Hiển trao đổi với kỹ sư Đặng Ngọc Anh - Viện Điều tra quy hoạch rừng, cùng nhau sưu tập côn trùng, đem về làm mẫu trưng bày vừa để phục vụ công việc giảng dạy vừa làm những bức tranh bằng cánh bướm. Theo GS Hiển, để làm nên những bức tranh này là điều không khó vì các loại bướm ở Việt Nam khá phong phú. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là lựa chọn loại tranh nào để làm. Cuối cùng, ông quyết định “vẽ” tranh Đông Hồ với màu sắc tự nhiên của cánh bướm.
Giáo sư Hiển tâm sự: “Tranh Đông Hồ là loại tranh dân gian dân tộc, gần đây đang bị dần mai một, sáng tạo dựa trên nó vừa không vi phạm bản quyền, vừa góp phần lưu giữ, phát huy nét đẹp của văn hóa xưa để giới thiệu với bạn bè quốc tế”.
Để hoàn chỉnh một bức tranh phải qua nhiều giai đoạn. Trong đó, xử lý nguyên liệu được coi là công đoạn quan trọng nhất. Những con bướm có ngoại hình bắt mắt được lựa chọn và xử lý bằng các hóa chất bảo quản như: cồn, etylic… với nồng độ thích hợp, sau đó cho vào tủ sấy để làm khô. Những con còn nguyên vẹn được giữ lại để trưng bày, làm mẫu giảng dạy. Một số con bị mất đầu, mất chân mới được dùng làm nguyên liệu ghép tranh. Để làm tranh, trước tiên ông sao lại khung hình của tranh vào một tờ giấy trắng mỏng, sau đó đính lên giấy bìa cứng. Tiếp theo ông tận dụng những cánh bướm tiêu bản đã qua xử lý không nguyên vẹn để ghép thành tranh.
GS Hiển cho biết: “Những cánh bướm này rất mỏng manh, điều khó nhất để làm nên một bức tranh đẹp đó là phải tìm ra một loại keo dính những cánh bướm lại một cách chắc chắn mà không làm nát chúng, vừa dính tốt, vừa không quá cứng, để vẫn giữ được hình dáng tự nhiên của những cánh bướm. Keo dính này phải được làm từ nhựa của một loại cây khá phổ biến tại Việt Nam. Điều quan trọng thứ hai là phải thật khéo léo để ghép những cánh bướm này lại mà không làm bay mất phấn trên cánh, nếu không sẽ mất đi nét tự nhiên của tranh”.
Để làm nên một bức tranh như thế này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của người nghệ sỹ. Nếu không tính đến thời gian để tìm được nguyên liệu, hoàn thành một bức tranh bướm mất khoảng 1 đến 2 ngày. Ngoài những bức tranh Đông Hồ làm từ cánh bướm trên tấm bìa cứng, nhiều bức tranh làm bằng giấy dó, vải nhung hay cánh những con côn trùng khác cũng được sử dụng để tạo nên những bức tranh nghệ thuật vô cùng đặc sắc.
Ước mơ về khu sinh thái côn trùng học
Ngoài những bức tranh bướm nói trên, căn phòng nhỏ còn độc đáo hơn bởi sắc màu của trên 5.000 loài côn trùng như bướm, chuồn chuồn, bọ cánh cứng... đây quả là một bộ sưu tập côn trùng kỳ công, có được từ những năm tháng tìm tòi và sưu tập không ngừng nghỉ của hai nhà nghiên cứu.
Bộ sưu tập tranh bướm |
Không chỉ dừng lại ở tranh bướm Đông Hồ, GS Bùi Công Hiển còn chia sẻ thêm nguyện vọng của mình: “Trên thế giới, có rất nhiều nước tận dụng côn trùng để làm ra sản phẩm phục vụ cuộc sống. Ví dụ như ở Thái Lan, một bức tranh làm từ cánh bướm có giá khoảng 20USD; móc đeo chìa khóa, chặn giấy của Trung Quốc được làm từ côn trùng bán khá chạy ngay tại thị trường Việt Nam... hay như tại Malaysia, họ có hẳn một khu sinh thái về loài bướm.
Với giá vé 2USD là khách tham quan có thể bước vào thế giới các loài bướm trong khu nhà lưới với hàng nghìn con khoe sắc. Tiếp theo là một khu bảo tàng côn trùng để khách tham quan hiểu rõ hơn qua các mẫu côn trùng trong tủ kính. Sang khu thứ 3 là quầy hàng lưu niệm với đủ các sản phẩm làm từ côn trùng như móc đeo chìa khóa, cặp tóc, tranh ghép bằng cánh bướm, các tiêu bản côn trùng...
Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện tự nhiên để làm những khu trưng bày, khu sinh thái như vậy. Không chỉ để kinh doanh mà điều đó sẽ rất có ý nghĩa đối với sinh viên, học sinh đến tham quan học tập. Qua việc tìm hiểu đặc điểm sinh học của các loài côn trùng các em sẽ thêm hiểu, thêm yêu mến môi trường tự nhiên xung quanh mình cũng như là cách để bảo tồn, gìn giữ chúng. Mong một ngày nào đó, Việt Nam cũng có khu sinh thái như vậy!”.
Với hơn 5.000 tiêu bản côn trùng, và hàng chục bức tranh bướm, GS Bùi Công Hiển và kỹ sư Đặng Ngọc Anh vẫn đang trên bước đường thực hiện ý tưởng “đem nét đẹp của văn hóa dân gian Việt Nam, thiên nhiên Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.
Hà Anh - Bích Liên