Nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun Mi:

Nhìn sự việc dưới con mắt trẻ thơ

ANTD.VN - Với hai tác phẩm “Cô gà mái xổng chuồng” và “Phiếu bé hư”, nữ nhà văn Hwang Sun Mi lập kỳ tích một trong số ít những tác giả còn sống bán được triệu bản in trong lịch sử văn học thiếu nhi Hàn Quốc. Đằng sau những thành công vang dội, ít ai biết đến việc bà đã từng trải qua một tuổi thơ đầy bất hạnh và sóng gió. Nhân dịp đến Hà Nội vào hôm qua 24-11, nữ nhà văn 53 tuổi đã có dịp trải lòng cùng độc giả. 

Nữ nhà văn sinh năm 1963 từng trải qua tuổi thơ đầy giông bão

Vết thương lòng từ năm 7 tuổi

Nếu đã đọc những tác phẩm làm nên tên tuổi của Hwang Sun Mi như “Chó xanh lông dài” hay đình đám nhất là “Cô gà mái xổng chuồng” sẽ nhận ra các câu chuyện của bà đều khá buồn. Cái chết, sự chia ly vốn là những điều tưởng chừng như tối kỵ trong văn học thiếu nhi lại đều được Hwang Sun Mi đưa vào trong tác phẩm.

Không ít lần các phụ huynh và cả đồng nghiệp của bà phản đối lối viết này, cho rằng “không nên để các em tiếp xúc với sự u buồn, đau đớn như vậy”.

Chia sẻ về điều này với độc giả Việt Nam, nữ nhà văn sinh năm 1963 cho biết: “Tôi nghĩ rằng hoàn cảnh một đứa bé sinh ra và lớn lên sẽ tác động đến cách mà chúng trưởng thành. Từ trước năm tôi lên 7 tuổi, tôi đã sống trong một gia đình không hoàn hảo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân tôi mắc bệnh và phải đi ở nhờ. Tôi không thể chơi đùa như những đứa trẻ khác và bị các bạn xa lánh. Chính những điều này đã khiến tôi luôn đứng ngoài những cuộc chơi của bạn bè đồng trang lứa. Tôi đã nghĩ nếu mình sinh ra trong một hoàn cảnh tươi sáng hơn, có lẽ tôi đã viết khác”. 

Hwang Sun Mi có một tuổi thơ đầy giông bão. Năm 7 tuổi, cha của bà bảo lãnh nợ cho một người bạn, khiến gia đình bỗng lâm vào cảnh khánh kiệt và phải khăn gói đến vùng quê xa lạ. Để kiếm tiền, cha của bà đã phải đi làm việc ở phương xa, một mình mẹ vất vả chăm lo từng bữa cho 5 người con. Cuộc sống mệt mỏi và bế tắc đã khiến người mẹ của bà trở thành người vô tâm với con cái.

Bà đã sai cô con gái cả là Hwang Sun Mi đi làm giúp việc để kiếm tiền và tàn nhẫn đem cặp sách của con mình đốt trong bếp lửa. “Quả thực, tôi cũng đã lo lắng khi viết về những chuyện không mấy vui vẻ trong những tác phẩm của mình. Đã có nhiều nhà văn lớn tuổi hỏi tôi vì sao lại nói về cái chết, rồi việc cha mẹ ly hôn… ở trong sách. Tôi chỉ nghĩ rằng, đó là những vấn đề mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể phải trải qua trong cuộc đời mình”. 

Những tác phẩm của Hwang Sun Mi làm cảm động hàng triệu độc giả Hàn Quốc

Trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ

Hwang Sun Mi có một tình yêu cháy bỏng với văn học từ tấm bé. Bà kể, khi còn đi học đã phát hiện ra có một thư viện với rất nhiều sách. Bởi vậy, bà đã nói với giáo viên dạy môn giáo dục thể chất rằng thay vì mỗi ngày đều phải tập môn này, bà muốn vào thư viện đọc sách. Vốn là một đứa trẻ rụt rè, nhút nhát, bà tự cảm thấy ngạc nhiên vì đã dám nói lên được suy nghĩ của mình.

Sau đó, bà đã nhận được sự giúp đỡ của cô giáo cho mượn sách. Niềm say mê đọc sách và viết văn được thắp lên từ ngày ấy. Tuy nhiên, có một điều ít ai biết, khởi điểm của Hwang Sun Mi không phải là văn học thiếu nhi. Bà đã thử viết tiểu thuyết nhưng cảm thấy “đây chưa phải cái dành cho mình”.

Chỉ sau một lần khi đến chơi nhà bạn, nhìn thấy một cuốn truyện tranh đặt dưới bàn ăn và mượn thử về đọc. Bà không ngờ cuốn sách đó đã làm thay đổi toàn bộ lối viết của mình. Hwang Sun Mi nhận ra, những câu chuyện về thế giới hóa ra lại có thể nhìn một cách thú vị và giản đơn.

Đây là lúc bà chuyên tâm theo đuổi con đường văn học thiếu nhi. Cuốn “Cô gà mái xổng chuồng” kể về câu chuyện một cô gà mái công nghiệp có khát khao được tự mình ấp trứng và nuôi nấng những đứa con trưởng thành đã làm độc giả trên khắp đất nước Hàn Quốc cảm động và đã bán được hơn 1,6 triệu bản, được dịch ra 9 thứ tiếng.

Một điều đáng khâm phục hơn là tại thời điểm chấp bút cho tác phẩm, cha của Hwang Sun Mi không may bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ông chính là niềm thôi thúc để bà viết nên những dòng văn đầy sức lay động.   

Chia sẻ về việc làm thế nào để các tác phẩm văn học thiếu nhi trở nên bớt cứng nhắc và hấp dẫn lứa tuổi nhỏ hơn, nữ nhà văn Hàn Quốc nói: “Bản chất của văn học thiếu nhi không phải là giáo huấn mà nên hướng đến cho trẻ em có khả năng phân biệt tốt, xấu. Khi viết, tôi cố gắng nhìn sự việc dưới con mắt trẻ thơ. Xét cho cùng, trẻ em và người lớn không khác nhau nhiều lắm. Trẻ em rồi sẽ trở thành người lớn và trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ. Thiết nghĩ, người lớn hãy để các em cảm nhận sự việc xung quanh bằng nhãn quan của chính mình”.