Nhạc trưởng Đặng Châu Anh niệm thần chú hàng ngày

ANTĐ - Với nụ cười rạng rỡ, Đặng Châu Anh luôn khiến những người đối diện thấy thân thiện, gần gũi. Làm việc trong môi trường sư phạm đã lâu, đã qua nhiều công việc, gắn bó mật thiết với các em nhỏ,  Đặng Châu Anh đã rút ra nhiều điều thú vị về giáo dục trẻ.


Suy nghĩ đã thiên về… già

- PV: Luôn trẻ trung, rạng rỡ và tươi tắn, chị có bí quyết chăm sóc sắc đẹp nào có thể chia sẻ?

- Đặng Châu Anh: Nếu như tôi nói rằng việc thường xuyên được tiếp xúc và làm việc với các em nhỏ là bí quyết chăm sóc sắc đẹp của riêng tôi, bạn có tin không? (cười). Với tôi thì đúng là như vậy. Bản thân mỗi em bé tự thân đã như một bức tranh, có đường nét màu sắc khác nhau và có vẻ đẹp tâm hồn khác nhau. Mỗi khi nhìn ngắm các bức tranh ấy, tôi có được những cảm xúc tươi mới, yêu lắm những cặp mắt trong veo và hồn nhiên.

- PV: Nhưng trẻ con cũng tạo ra không ít phiền toái và mệt mỏi…

- Đặng Châu Anh: Điều này thì luôn đúng, đặc biệt với những em nghịch ngợm quá mức. Trong lớp học âm nhạc, tôi luôn muốn tạo ra những khoảng lặng cần thiết, những phút giây yên lặng. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đôi khi cũng khiến cho tôi hết mệt mỏi.

- PV: Những lúc mệt mỏi, stress chị thường giải tỏa bằng cách nào?

- Đặng Châu Anh: Thời mới vào nghề sư phạm, mỗi lần tức tối việc gì là mặt tôi phừng phừng lên, bật tivi, bật nhạc một lúc cho… hạ hỏa. Nhưng sau này, theo tập Yoga, luyện tập các bài tập thở, thiền làm cho nỗi bực tức dịu đi nhiều lắm. Tôi thường niệm thần chú khi gặp bực bội bằng câu “Hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, an chú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời”. Và cũng nghĩ tới câu nói đấy mà học cách trân trọng những giây phút của cuộc sống, luôn nhìn vào gia đình với 2 đứa con ngộ nghĩnh, đáng yêu, những điều đã đạt được để lấy lại tinh thần lạc quan, yêu cuộc đời. Lối suy nghĩ này  đã thiên về… già rồi (cười).

Dàn hợp xướng Sol art do Đặng Châu Anh thành lập đã gặt hái được nhiều thành công


Không gào thét

- PV: Với các em “phá cách”, cô giáo Châu Anh sẽ uốn nắn bằng cách nào?

- Đặng Châu Anh: Tôi luôn hiểu khi một đứa trẻ “phá cách” tức là em đó cảm thấy tập thể không hay, muốn phá đi. Với trẻ cứng đầu, biện pháp hò hét, mắng ngay tại chỗ thường không mang lại hiệu quả mà tôi thường dùng biện pháp đề cao cái xấu của bạn đó. Ví như trong dàn hợp xướng, yếu tố cá nhân không được đề cao bằng tập thể mà tự dưng có một em hát cao hẳn lên so với các bạn sẽ phá đi bản nhạc đó. Lúc này, tôi thường cố gắng giữ bình tĩnh và đưa bạn lên làm solist. Vì tôi biết rằng, các em nghịch ngợm thường hát đuối hơn so với các bạn. Bạn hát rất phô nên bạn thấy ngượng và sẽ chừa nhưng là chừa trong trạng thái vui vẻ và nhận thấy ý nghĩa tích cực của biện pháp giáo dục này.

- PV: Thế còn với các con của mình, chị có dùng tới biện pháp “đề cao cái xấu”?

- Đặng Châu Anh: Người mẹ nào cũng yêu thương con, cũng muốn nhẹ nhàng với con nhưng nhiều khi sự bực tức bị dồn nén ở bên ngoài khiến tôi khi trở về nhà cũng có những thời khắc không được bình tĩnh. Tôi đã từng hét lên với con trai khi thấy nó nghịch ngợm quá mức “Trời ơi, mẹ mệt mỏi lắm rồi, sao con không ngoan cho mẹ được nhờ”. Tôi làm việc trong môi trường sư phạm nên tôi hiểu rất rõ việc gào thét sẽ ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ và chỉ khi mình bất lực trước những phương pháp thì biện pháp gào thét và roi vọt mới được áp dụng. Trong khi đó, tôi làm cho con cái các gia đình khác được hưởng những điều tốt đẹp thì con nhà mình bị mắng là thiệt thòi cho con. Nên lúc đấy lại tỉ tê, vỗ về con “Con cố gắng đồng hành cùng mẹ, trong lúc mẹ dạy em bé mà con cứ nghịch ngợm thế này thì làm sao làm gương cho em được”.

- PV: Nhí nhảnh trên sân khấu Đồ Rê Mí, không biết chị có cần tới kỹ năng diễn xuất nhiều không?

- Đặng Châu Anh:  Khi vào trong môi trường làm việc nào cũng cần sự hòa nhập nhưng riêng trên sân khấu Đồ Rê Mí, tôi không phải diễn nhiều. Đã thành phản xạ, khi nói chuyện với các em nhỏ, giọng nói của tôi tự động chuyển như trẻ con, nhí nhảnh, biểu cảm và hài hước. Còn khi nói chuyện với phụ huynh, giọng nói lại trở về thân tình. Phản xạ này được tôi rèn luyện từ hồi sinh viên đi dạy piano cho trẻ em và suốt từ đó tới nay vẫn thế. Tôi rất thích chơi với các em nhỏ.

- PV: Luôn tự tin và đáng yêu, giữa Đặng Châu Anh hồi nhỏ và hiện tại có sự khác biệt đáng kể nào không, thưa chị?

- Đặng Châu Anh: Châu Anh hồi bé khác biệt rất nhiều với hình ảnh của một Châu Anh trong hiện tại. Đó là một cô bé nhút nhát, thiếu tự tin, gày gò và bé nhỏ. Đặc biệt, cô bé đó luôn mặc quần áo thừa, nhà lại đông anh em, đi đâu cũng cảm thấy mình không xinh, không đẹp, học lại không giỏi. Hồi học phổ thông, tôi hoàn toàn bị lu mờ trước các bạn. Còn khi học lớp âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi lại học cùng lớp với các bạn con nhà nòi rất giỏi, rất xuất sắc như Trinh Hương (con gái Phú Quang), Huy Phương (cháu nhạc sỹ Huy Du)… Còn tôi là một kẻ ngoại đạo, bố mẹ làm khoa học nên tôi học piano lẹt đẹt lắm. Đến khi thi sang lý luận âm nhạc, tôi mới thực sự tìm thấy sở trường của mình và từ đó học bật hẳn lên, thấy mình tự tin hơn, xuất sắc hơn. Từ đó, Châu Anh là một hình ảnh hoàn toàn khác.

- Xin cảm ơn chị!