- Sơn Tùng M-TP trước tin đồn "có mới nới cũ": Có đáng phải "hứng" cơn giận dữ như "lên đồng" của cư dân mạng?
- Rapper nổi tiếng Mr.T tái xuất sau hơn 10 năm "mất tích"
- Ca sĩ Trần Thu Hà: "Bố Tiến vẫn khoẻ mạnh!"
Dù không muốn nhắc cụ thể đến căn bệnh mà mình đang phải chiến đấu song nhạc sĩ Trần Tiến nhẹ nhàng nhắn nhủ mọi người rằng ông vẫn khỏe, vẫn có thể lên sân khấu hát cho mọi người nghe, chỉ tội có thể sẽ quên lời nên tốt nhất là để ông cầm giấy hát.
Sự quên lời này như lý giải của nhạc sĩ Trần Tiến là không liên quan gì đến vấn đề sức khỏe, mà bởi từ xưa đến nay ông quan niệm: “Viết xong mà nhớ để mà hỏng à?”. Thế nên nhiều bài viết xong là ông “vứt” khỏi đầu để còn toàn tâm toàn ý sáng tác bài khác.
Bởi vậy mới có chuyện trong một lần nghe Hà Trần đứng trên sân khấu nghêu ngao hát ca khúc “Chuyện tình thảo nguyên”, đợi cô cháu gái hát xong, ông mới hỏi: “Bài này của ai, hay thế nhỉ?”. Đến khi nghe Hà Trần mắt tròn mắt dẹt bảo: “Bài của bố mà, bố không nhớ à?” thì ông mới “ồ à” nhớ ra.
Ngay như bài hát gần đây ông mới viết xong có tựa đề “Không gục ngã”, ông cũng quên lời luôn. Nhắc đến sáng tác này, nhạc sĩ Trần Tiến kể, đây là bài hát được ông sáng tác lúc đang nằm trên giường bệnh và cố gắng nhấc người lên để có thể đứng dậy. Khi những câu hát và giai điệu đầu tiên bật ra, ông vội mở máy laptop, ở máy có nút micro để ghi âm và ông đã lấy hết sức bình sinh để thu lại sáng tác mới này bằng giọng hát yếu ớt. Sau đó ông tự mày mò dùng phần mềm cài trên máy tính để tự hòa âm phối khí. Suy nghĩ duy nhất của ông lúc bấy giờ chỉ là “giữ lại, nhỡ may mình chết”. Cũng không biết có phải nhờ tinh thần giục giã của bài hát này không mà sau đó ông đứng dậy được thật, rồi tập đi, tâp chạy. Nhạc sĩ Trần Tiến bảo suốt 3 tháng nay, ngày nào ông cũng chạy 3 vòng, mỗi vòng 600m, đồng thời ông có thể tập các môn khí công khác nhằm lấy lại hơi để có thể hát. Tới giờ thì ông tự nhận mình vẫn đủ thông minh và tỉnh táo để nói đủ thứ chuyện với mọi người.
Vị nhạc sĩ được mệnh danh “gã du ca” của nền tân nhạc Việt Nam thổ lộ, điều mà ông cũng như những người viết nhạc quý nhất chính là tuổi của sáng tác mà mình viết ra, cụ thể là lời ca và giai điệu có còn trẻ hay không, có còn “sức khỏe” hay không, còn ông có thể bị bệnh nặng, có thể sắp chết thì tất cả những việc đó nó nằm ngoài và đứng sau bài hát.
Nhắc đến kho sáng tác nhạc tình của mình, nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự, cho tới bây giờ khi đã 74 tuổi rồi, ông vẫn không biết mình có bài hát gì hay nhất viết về chuyện tình yêu, vẫn nghĩ có một ngày nào đó mình có thể sẽ viết một ca khúc hay về đề tài này hoặc có thể là không bao giờ có.
Giải thích về điều này, nhạc sĩ Trần Tiến bảo, những người nhạc sĩ đích thực thường khi viết nhạc thì thả hết hồn mình vào đó nhưng ngoảnh lại nhìn nó như quá khứ và không bao giờ hài lòng cả. Cũng theo nhạc sĩ, ông nghĩ những gì mình viết năm 16-17 tuổi lúc chưa biết một nốt nhạc nào mới là bài hay nhất chứ không phải khi ông đã trở nên nổi tiếng. Có lẽ vì thế mà ông nhớ có lần, một số nhạc sĩ bậc đàn anh từng dạy ông về nhạc bảo: “Tiến nổi tiếng quá trời rồi, bài quá nhiều rồi nhưng em chưa viết bài nào hay bằng ‘Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp’ cả”.
Kỳ thực, bài này ông sáng tác khi chưa biết gì về nhạc lý cả, còn đang là cậu trai trẻ đánh si, đánh giày, là quần áo biểu diễn, vác đàn…và làm đủ thứ việc “cửu vạn” phía sau cánh gà sân khấu cho các nghệ sĩ. Nhớ lại, nhạc sĩ Trần Tiến hỉ hả kể tiếp, ngày trẻ ông học rất giỏi môn Văn, từng tốt nghiệp lớp 10 và được tuyển thẳng vào Đại học chứ không phải thi, chỉ có điều đang học thì phải nghỉ giữa chừng. Ông thẳng thắn thừa nhận trước kia ông không coi trọng nhữngh nghệ sĩ mà học hành không có, trong khi họ thì lại xem thường ông và gọi ông là “Gán Tiền” (tức là Tiến Gàn). Sở dĩ vậy là bởi mỗi khi biểu diễn xong, trong khi nhiều nghệ sĩ lao vào các cuộc vui, uống rượu, nhảy đầm…thì ông lại giở sách ra đọc, mà toàn sách triết học, văn học. Thấy thế nhiều người còn mắng ông: “Mày đọc sách gì mà đọc lắm thế. Cứ đọc lắm rồi lại quên đồ của anh em”. Ông kệ, bỏ ngoài tai những lời kêu ca, than phiền, mắng mỏ và chế giễu đó, bởi ông tin rằng rồi cuộc đời sẽ trả lời hết, số phận Trời cho thì ai mà biết được.
Hỏi nhạc sĩ Trần Tiến về biệt danh “Gán Tiền” (Tiến Gàn), ông cười bảo, cho tới bây giờ ông vẫn “gàn” nhưng chả ai gọi ông như thế nữa cả, dù ông mong lắm. Song ông quả quyết, cái “gàn” của mình là gàn tốt chứ không phải gàn dở. Ông vẫn nhớ có một chuơng trình trên tivi có phỏng vấn ca sĩ Khánh Ly về ông và bà thẳng thắn nhận xét: “Trần Tiến à, ngông nghênh lắm, nhưng mà ngông nghênh hay và đáng yêu”. Thế nên ông tin rằng mình còn thuộc loại “gàn đáng yêu” chứ không phải đáng ghét. Và có lẽ nhờ cái sự “gàn” đó mà ông mới có được những ca khúc để đời sau này được mọi người ghi nhận.
Nói thêm về sự “gàn” của mình, nhạc sĩ Trần Tiến bảo ông tốt nghiệp Nhạc viện chuyên ngành sáng tác nhạc giao hưởng với điểm số rất cao, tốn rất nhiều công dạy dỗ của thầy giáo nhưng đến ngày cuối cùng học xong, ông bảo với thầy của mình rằng: “Thầy ơi em không viết giao hưởng đâu, em viết ca khúc”. Nghe vậy, người thầy ngạc nhiên và có vẻ không vui rồi bảo: “Thôi tùy cậu, nhưng cậu đừng làm mất công tôi”. Đáp lại, ông giải thích muốn viết những ca khúc cho thanh niên và sinh viên hát ở ngoài đường chứ không phải những ca khúc phát trên Đài phát thanh. Thế rồi ông làm thật. Thời bấy giờ, ông trăn trở với câu hỏi tại sao không ai viết cái này, cái kia, về tình yêu không có chiến tranh, không mùi khói súng đạn bom, về tình bạn, về trẻ con…Không ai viết thì ông viết, bất chấp việc kiểm duyệt âm nhạc khi đó rất khắt khe. Kết quả là sau bao năm, các sáng tác này còn giúp ông được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động và nhiều giải thưởng về âm nhạc.
Nhạc sĩ Trần Tiến tự nhận ông chỉ có 20% tài năng góp phần giúp mình trở nên nổi tiếng, ngoài ra là sự học, sự làm việc không biết chán và quan trọng nhất là được ông Trời cho nhiều thứ: cho ông 2 lần thoát chết, cho ông ý chí kiên cường, cho ông những tháng ngày bị xua đuổi và bị coi thường là “Gán Tiền”, cho ông thời trẻ bị đuổi vì mặc quần loe để râu…Để rồi sau tất cả, cái sự “gàn” của ông được ghi nhận.
Tới đây nhạc sĩ Trần Tiến sẽ tái ngộ khán giả trong đêm nhạc “Thanh Tùng – Trần Tiến” mở màn cho dự án âm nhạc “Chuyện tình” do IB Group phối hợp cùng nhà hát Lớn Hà Nội thực hiện. Theo kế hoạch, chương trình đặc biệt này sẽ diễn ra vào tối 7 và 8-3 tới và do nhạc sĩ Dương Cầm làm giám đốc âm nhạc.
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ, ông và nhạc sĩ Thanh Tùng khi còn sống cũng có nhiều mối lương duyên. Có năm, cả hai được Hội nhạc sĩ đãi cả chầu bia vì có sáng tác được vinh danh ca khúc hay nhất trong năm là “Chị tôi” của ông và “Một mình” của Thanh Tùng. Thời trẻ, ông và người bạn nhạc quá cố cũng từng có thời gian cùng hoạt động ở một đơn vị nghệ thuật Nhà nước. Lúc đó, ông chỉ mới viết được một vài ca khúc, trong khi nhạc sĩ Thanh Tùng vừa đi học ở nước ngoài về và làm chỉ huy trưởng của đoàn nhạc. Cái khác nữa là thời bấy giờ, ông vẫn là anh chàng nghệ sĩ nghèo, còn nhạc sĩ Thanh Tùng đúng kiểu tuýp người có tiền nên ăn mặc rất bảnh bao, lộng lẫy từ đầu đến chân. Sau này làm chung với nhau một thời gian, nhạc sĩ Thanh Tùng rủ ông làm đêm nhạc và phải bật cười trước câu trả lời hài hước của ông: “Hay đấy, nhưng tôi nói thật với bạn là tôi mê tín lắm, bạn tên Tùng, tôi tên Tiến mà làm đêm nhạc chung thì chỉ có…túng tiền!”.
Hai đêm nhạc “Thanh Tùng – Trần Tiến” kể “Chuyện tình” sẽ có sự tham gia góp giọng của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Bằng Kiều, Hồng Nhung, Hà Trần, Quang Dũng…Theo tiết lộ của đơn vị tổ chức, ngoài những ca khúc nổi tiếng của hai vị nhạc sĩ thì chương trình còn có ca khúc “Không gục ngã” đã được nhạc sĩ chuẩn bị 2 phiên bản Hard Rock và Rock để ra mắt khán giả. Với bản Hard Rock được thu sẵn, ông song ca cùng ca sĩ Phạm Anh Khoa.