Nhà văn Trần Thùy Mai: Lánh cuộc đua "hàng hót"

ANTĐ - Lần nào ra Hà Nội, dù dài ngày hay chỉ là thoáng chốc, nhà văn Trần Thùy Mai cũng tới ngồi uống cà phê ở nhà hàng Thủy Tạ nhìn ngắm hồ Gươm và hẹn bạn bè tới gặp gỡ chuyện trò. Hỏi vì sao chị chỉ chọn mỗi chỗ này, Trần Thùy Mai bảo: “Là vì ở đây là “Hà Nội nhất”, lại có thiên nhiên bao quanh, giống như  bờ sông Hương ở Huế vậy…”.

“Trăng nơi đáy giếng” tập truyện ngắn được nhiều người ưa thích của Trần Thùy Mai

Viết văn để được là chính mình

Nhớ về Trần Thùy Mai, bên cạnh một giọng nói rất nhẹ bên li cà phê Bờ Hồ tôi còn nhớ tới những trang viết của chị, nhớ những tập truyện ngắn đã đọc như “Thương nhớ Hoàng Lan”, “Thập tự hoa”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Một mình ở Tokyo”, “Onkel yêu dấu”…

  

Sinh năm 1954, Trần Thùy Mai bắt đầu viết văn từ hồi sinh viên, khi mới 19 tuổi với truyện ngắn đầu tiên “Ổ bánh mì”. Đến  giờ, Trần Thùy Mai đã có hơn 30 năm trong nghề cầm bút. Với chị, văn chương là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc nhưng không mệt mỏi, vì đó là niềm yêu thích của chị. Văn chương đã cho chị được là chính mình, được có thêm nhiều bạn bè, nhất là những bạn gái, họ đến và kể cho chị nghe những tâm tình của mình.

Đọc sách của chị, dễ nhận ra một Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, sâu sắc dù chị có viết về cái xấu, sự đổ vỡ hay cái sân si của đời người. Nhưng với các tập truyện gần đây, bối cảnh của nhiều truyện đã được mở rộng ra ngoài Huế - mảnh đất gắn bó của chị. Nói cách khác, nó không còn đậm đặc chất Huế như trong các tập truyện trước. Thật ra, trong tập truyện này, vẫn là hình ảnh Huế nhưng là Huế trong mối tương giao với những vùng văn hóa khác. “Trong  thời gian qua, nhờ những truyện ngắn được dịch ở nước ngoài tôi đã có được những chuyến đi, có thêm cảm hứng mới, thấy được những góc rộng hơn của cuộc sống, từ đó khung cảnh trong trang viết cũng được đổi khác, nhà văn Trần Thùy Mai tâm sự.

Cái lợi của sự… độc thân

Vẫn thường xuyên lên mạng đọc tin tức, gửi email chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh mà chị thấy thú vị, nhưng khi viết văn, Trần Thùy Mai vẫn “nói không” với máy tính. Chị giữ nguyên một thói quen xưa cũ, là vẫn viết văn với cây bút và trang giấy trắng. Dường như chị sợ những con chữ quá đỗi khô cứng mà máy tính đã định dạng làm ảnh hưởng tới tư duy, tới dòng cảm xúc miên man mà chỉ có ngòi bút và trang giấy mới níu giữ lại được…

Tôi còn nhớ trước đây, có lần chị tâm sự: “Sống độc thân có cái lợi là không ai kiểm duyệt những chuyện tình yêu mà mình viết ra”. Tôi hiểu đó là một cách nói khi gắn cuộc sống với văn chương. Nhưng cũng có một cách nói khác. Như đoán được ý tôi, Trần Thùy Mai lại cười, khuôn mặt tròn, đôi mắt tròn: “Thực lòng mình nghĩ phụ nữ viết văn nên sống độc thân, vì những lúc đang viết, chăm chăm chúi chúi, cái mặt thì khó đăm đăm, việc dọn dẹp nấu nướng nhiều khi cũng bỏ mặc chẳng quan tâm. Có người đàn ông nào thích thú sống với một người như vậy không? Hơn nữa mình lại có cái tính viển vông, đối tượng gần gũi dễ kết hợp thì mình không thích, lại thường thích những nơi trớ trêu cách biệt, nên dù có những lúc thoáng nghĩ đến chuyện làm lại cũng không đâu đến đâu. Nghĩ lại như vậy cũng có cái may, vì càng bớt ràng buộc, thì thâm tâm càng nhẹ nhàng, mình tự biết với tính cách của mình thì mọi chuyện tình cảm rồi cũng chỉ đi tới chỗ thêm một nguồn cảm hứng để viết mà thôi”. 

Rồi chị nói mà như thì thầm: “Từ năm 1985, khi ấy mình sắp sinh cháu thứ hai. Về căn nhà này được một năm thì ba các cháu đi Liên Xô học. Hồi ấy cuộc sống khó khăn lắm nên chỉ mong đi được để đổi đời chứ không ngờ rằng sự xa cách sẽ kéo dài lâu đến cả đời người  như thế”.

Không vội chạy theo dòng

Thời gian gần đây chị ít khi ở Huế, cũng ít thấy truyện ngắn của chị trên các báo, sách mới cũng không ra. Hỏi, mới hay chị bận làm… bà ngoại. Con gái ở Sài Gòn sinh nở, “bà ngoại” liền bỏ hết mọi thứ, bỏ lại ngôi nhà trên đường Điện Biên Phủ ở Huế để vào trông cháu. 

Nhưng chị nói, không bao giờ lấy cớ để từ bỏ văn chương. Cũng có người thắc mắc, vì sao Trần Thùy Mai là một cái tên được độc giả chờ đợi, nhưng sách của chị không thấy xuất hiện trong danh mục những cuốn sách bán chạy trên thị trường? Trần Thùy Mai bảo, văn học khác với thể thao, nó không phải một cuộc cạnh tranh hướng ngoại mà là sự soi chiếu vào nội tâm. Thời đại này cuộc sống đã hóa ra một cuộc đua dữ dội quá nên ngay trong văn chương người ta cũng nói đến “hàng hot”. Trong những làn sóng tung lên rồi hạ xuống, tôn vinh rồi lãng quên, người cầm bút cũng có thể bị cuốn vào vòng xoáy. Trong vườn văn, Trần Thùy Mai “dọn khu vườn nhỏ của riêng mình, để chờ những người tri âm đến, không muốn vội vã chạy theo dòng”.