Nhà sưu tầm người Mỹ trao tặng gần 500 hiện vật về văn hóa các dân tộc Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đam mê với di sản văn hóa Việt Nam, từ năm 2001, ông Mark Rapoport (Mỹ) cùng gia đình đến sống tại Hà Nội. Trong vòng 20 năm, ông đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật về văn hóa của các dân tộc tại Việt Nam.

Sáng ngày 17/5 tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật và giao lưu chủ đề “Bảo tàng – Nơi kết nối tình yêu di sản”. Tại đây, ông Mark Rapoport đã trao tặng gần 500 hiện vật trong tổng số hơn 650 hiện vật mà ông sưu tầm được về văn hóa và dân tộc thiểu số Việt Nam.

Tiêu biểu là các bộ sưu tập: Dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp, nhà bếp, ăn trầu, trang sức trang điểm, trang phục và đồ dệt, nghệ thuật điêu khắc tượng... Số hiện vật được trao tặng không chỉ gây ấn tượng về giá trị văn hóa mà với ông Mark Rapoport đó còn là những kỷ niệm về những chuyến đi sưu tầm, về những lần ông bất ngờ với văn hóa Việt Nam.

Các hiện vật được ông Mark Rapoport trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Các hiện vật được ông Mark Rapoport trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Có thể kể đến là chiếc gùi 3 ngăn – một trong hai hiện vật đầu tiên ông đã mua khi lần đầu đếnViệt Nam năm 1969 từ những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam; Bộ sưu tập bao đựng dao của người Nùng làm bằng gỗ với những dòng chữ, hình ảnh được khắc ở xung quanh và bên trong chiếc bao thể hiện tình yêu, sự lãng mạng của người dân tộc Nùng...

Mang tính độc, lạ và kỳ công trong số hiện vật trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lần này là 20 bức tranh Đạo giáo về các vị nữ thần trong đời sống tâm linh của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc (như Cô Chín, Bà Mụ…). Điều này đã khơi gợi sự quan tâm của ông Mark Rapoport, mở ra một niềm say mê sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa truyền thông của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Chiếc gùi 3 ngăn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam

Chiếc gùi 3 ngăn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam

Tại buổi lễ, nhà sưu tầm Mark Rapoport cho biết, ông đã sưu tầm được hơn 10.000 hiện vật mà bản thân ông và bất kỳ người nào đó có thể cần. Ông cảm thấy giờ là lúc để trao tặng số hiện vật này cũng như truyền tải những câu chuyện về hiện vật tới công chúng. Văn hóa Việt Nam vẫn chưa được biết tới và quảng bá rộng rãi ra bên ngoài đất nước Việt Nam như những gì nó xứng đáng có được. Thậm chí, ở những bảo tàng lớn nhất ở New York, chỉ có số ít hiện vật được trưng bày đến từ Việt Nam. Để khắc phục điều này, ông đã làm 2 việc. Thứ nhất, ông đã trao tặng những hiện vật liên quan tới văn hóa Việt Nam tới các bảo tàng ở Mỹ. Một số chương trình trao tặng hiện vật bị tạm dừng do dịch Covid-19, ông hy vọng, chương trình sẽ tái khởi động khi Mark Rapoport trở về Mỹ. Thứ hai, ông sẽ trao tặng hiện vật cho các bảo tàng ở Việt Nam.

Những bức tranh Đạo giáo về các vị nữ thần

Những bức tranh Đạo giáo về các vị nữ thần

"Trong bộ sưu tập của mình, tôi luôn chú ý tới những công cụ sinh hoạt- những hiện vật sử dụng trong trồng trọt, đánh bắt, chế biến thực phẩm, tạo ra trang phục... Những hiện vật này không phải nghệ thuật đỉnh cao nhưng lại truyền tải nhiều giá trị kiến thức. Một mặt, chúng nhấn mạnh tính phổ quát của trải nghiệm cuộc sống của con người với những công việc mà ai cũng phải thực hiện, không kể đến địa điểm và mức độ tinh vi", ông Mark Rapoport nói.

Trong khuôn khổ lễ tiếp nhận hiện vật còn diễn ra chương trình giao lưu với ông Mark Rapoport, chủ nhân của những bộ sưu tập được trao tặng. Khán giả đã đặt câu hỏi và trực tiếp giao lưu với khách mời để hiểu thêm tình yêu của một người nước ngoài với văn hóa di sản của Việt Nam.

Nhà sưu tầm Mark Rapoport

Năm 1969, Mark Rapoport lần đầu đến thăm Việt Nam khi còn là sinh viên y khoa. Ông được Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cử đi làm tình nguyện viên y tế, hầu hết làm việc tại bệnh viện thành phố Đà Nẵng và ở các làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi. Từ nơi đây, ông đã sưu tầm những hiện vật văn hoá của Việt Nam.

Sau đó, ông trở về Mĩ làm việc tại thành phố New York trong 25 năm tại các trường y tế, bệnh viện và chính phủ. Năm 2001, ông đến sống ở Hà Nội để thực hiện một nghiên cứu lớn về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã sưu tầm được một bộ sưu tập lớn về nghệ thuật và văn hóa Việt Nam, bắt đầu từ đồ vật của các dân tộc thiểu số, nhưng sau đó là các đồ vật của người Kinh và tổ tiên của họ. Vợ ông, Jane C. Hughes, với công việc tại Việt Nam, bà đã đồng hành cùng ông trong hành trình văn hóa này.