Nhà sử học Dương Trung Quốc kể về Tết Trung thu ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhớ về những mùa Trung thu đã qua của Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, nhiều thứ nay vẫn còn, nhiều cái nay đã mất. Nhưng cái dường như không bao giờ mất được là lòng hướng thiện mà người lớn luôn giáo dục cho con cái nhà mình, đừng quên những thân phận thiện thòi trong mọi dịp vui.

Tọa đàm “Tết Trung thu cổ truyền – Gìn giữ, phát huy và lan tỏa” do Hội Truyền thông thành phố Hà Nội phối hợp cùng Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức có sự góp mặt của nhiều chuyên gia uy tín như: TS Phan Đăng Long, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc; Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi - Phó Trưởng phòng Truyền thông giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; TS Vũ Thế Long - chuyên ngành nghiên cứu môi trường và lịch sử văn hóa…

Đặc biệt chương trình còn có sự tham gia của 2 nghệ nhân đồ chơi dân gian: Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (83 tuổi, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã có hơn 60 năm làm đèn kéo quân. Bà Phạm Nguyệt Ánh (73 tuổi, ở tổ 2, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - người vẫn miệt mài ngày đêm làm ra các con giống, đĩa hoa quả bằng bột.

TS Phan Đăng Long phát biểu tại tọa đàm

TS Phan Đăng Long phát biểu tại tọa đàm

Tại tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, gia đình ông nhiều đời sống ở Hàng Đường nên ngoài cái âm thanh quanh năm là tiếng bánh xe điện cọ xát ken két trên đường ray, để giảm tốc trước khi dừng ở bến đỗ cửa Chợ Đồng Xuân, là tiếng gõ chí chát của thợ đóng bánh nướng, bánh dẻo đập những khuôn gỗ lên mặt bản ngào bột để dỡ bánh khỏi khuôn rộn ràng suốt ngày đêm như báo tin mùa vui của con trẻ sắp đến.

Những tên hiệu "Tùng Hiện", "Trang Thai”, “Lan Hương với những hình nhân biết động đậy kiểu như "Cô Tiên gẩy đàn” hay “Người rừng đu dây" dựng trước cửa hàng luôn là điểm đến của lũ trẻ theo bố mẹ đi sắm Tết Trung Thu. Cái tài của thợ bánh Hàng Đường không chỉ làm ra những tấm bánh nướng hay bánh dẻo hình tròn hay hình vuông mà còn làm ra những con giống đẹp đẽ và sinh động - con lợn hay con cá chép, con trâu hay khúc chân giò giống y như thật...

Khi ra nước ngoài, đến Bảo tàng Con người cũng ở Paris, nhà sử học Dương Trung Quốc đã thấy bộ sưu tập các con tò he, một đồ chơi khá phổ biến của con trẻ Việt Nam vẫn được lưu giữ. Bộ sưu tập này của nhà nữ khảo cổ học nổi tiếng Colanie tặng lại bảo tàng. Tuy làm bằng bột gạo đã ngót thế kỷ nhưng nhưng con tò he chưa bị nứt nẻ, dù màu sắc có nhạt hơn ban đầu. Và tại đây còn có bộ sưu tập đồ chơi Trung Thu của Việt Nam, điển hình là những đồ chơi làm bằng sắt Tây được bày bán ở phố Hàng Thiếc lắp ráp thành các con vật (thỏ, bướm...) hay các nhân vật tân thời (cậu ký đi xe đạp, tiểu thư cầm ô) có thể cử động được nhờ liên kết với bánh xe hay những chiếc tàu thuỷ chạy bằng các phao dầu hoả đốt cháy tạo hơi đẩy và phát ra tiếng kêu "pành pạch"...

"Ký ức tuổi thơ cũng chính là một phần của tết Trung Thu dành cho người lớn"-nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Cũng tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi - Phó Trưởng phòng truyền thông giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chia sẻ một câu chuyện đầy khó khăn của nghề nặn tò he. Theo đó, trong thời chiến tranh chống Mỹ, mọi lương thực cần ưu tiên cho chiến trường. Trong khi đó, nghề nặn tò he lại lấy nguyên liệu từ bột gạo nên đã bị cấm. Để duy trì nghề truyền thống, các nghệ nhân làng Xuân La, xã Thượng Vực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã có sáng kiến chuyển từ nặn con giống sang nặn chiến sĩ, dân công hỏa tuyến.

Vì vậy, nghề nặn tò he được đổi tên thành nghề nặn chiến sĩ, dân công hỏa tuyến. Nhờ thế, nghề này được duy trì qua những năm đất nước khó khăn nhất. Từ đó đến nay, nghề nặn tò he trải qua thêm một số lần biến đổi, thăng giáng và gần đây trở lại nhiều hơn ở một số thành phố lớn.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (83 tuổi, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã có hơn 60 năm làm đèn

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (83 tuổi, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã có hơn 60 năm làm đèn

Tại buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc đã giới thiệu bài tập làm văn "Trung thu" của trò Nguyễn Văn Xuân, 13 tuổi, học tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Bài văn này được đăng trên Đăng Cổ Tùng Báo số 819 ra ngày 26-9-1907 (cơ quan ngôn luận của các nhà duy tân đầu thế kỷ 20), được giới thiệu là bài "tập làm văn quốc ngữ theo lối Pháp".

Báo An ninh Thủ đô trích đăng một phần bài tập làm văn này để bạn đọc hình dung về không khí Trung thư xưa ở Hà Nội và các hành văn của học trò đầu thế kỷ 20.

"Giăng sáng quắc, phố xá ngộn những người. Đây: dình tùng sèng; đó: dình tùng sèng. Đầu phố một đám rước, quối (cuối) phố một đám rước. Nào rồng, nào sư tử, nào cá, nào thiềm thừ, kéo đàn kéo lũ, như đi tắm sáng giăng tròn.

Chỗ nọ lập trống quân; chỗ kia chăng trống quít. Hàng Đường, Hàng Ngang, nhà nào nhà nấy đua nhau bày cỗ. Khéo gớm! Khéo ghê! Kìa đu đủ gọt ra hoa sói hoa nhài, nọ đùi gà bày thành Tiều-phu, Lão-vọng.

Đèn chạy quân, đèn sẻ rãnh: Trương phi cưỡi ngựa đi vạch thẳng; vua Thuấn cày voi chạy chữ công. Cái chạy hỏa lò, cái chạy cát; cái ghép lá nứa, cái vặn bằng tay. Hơi lửa mới biết dùng quay tán giấy.

Bánh dẻo, bánh nướng, đủ các lối bột đường; trái dừa, trái bưởi, thiếu chi loài hoa quả? Giai giai, gái gái, mặt mũi hớn hở, chán cỗ nhà lại đi ghé cỗ người. Nhà ta khéo, nhà nó vụng; nhà ta nhiều bánh, nhà nó ít xôi.

Ngoài đường thi hai bên hè lốc nhốc những kẻ hồ khoan. Anh này thỏ cốc lếu, chị kia cá tí hon…".