Hà Nội 1983 - Tàu điện cổ trên phố Đinh Tiên Hoàng
Đến Việt Nam như một “giấc mơ”
Những người đã sống qua những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước bước vào giai đoạn chuyển tiếp sau chiến tranh, hẳn không quên hình ảnh những chuyến tàu điện leng keng, những chiếc xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu, những người dân đội mũ cối, mặc áo đại cán…
Hà Nội 1983 - Em Phong, một ngày mùa hè, ở phố Phùng Khắc Khoan
Những bức ảnh giản dị hơn 30 năm trước mà nhiều người trong chúng ta không nghĩ sẽ có cơ hội được nhìn lại, đã được một nhà báo người Pháp âm thầm ghi lại và gìn giữ. Ông là Michel Blanchard.
Tháng 6-1983 là thời điểm ông tới Việt Nam với tư cách là Trưởng đại diện Văn phòng Thông tấn Pháp AFP tại Hà Nội, đồng thời phụ trách Lào và Campuchia. Đến Việt Nam được Michel chia sẻ như một “giấc mơ”, bởi ông đã từng là tình nguyện viên ở Lào khi mới 23 tuổi, nhưng chưa từng đặt chân đến Việt Nam “mặc dù đã ở rất gần”.
Hà Nội 1991 - Cảnh múa hát
Hồi đó, các đoàn ngoại giao thường ở trong khu Vạn Phúc hoặc khách sạn Thống Nhất (khách sạn Sofitel Metropole ngày nay), những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, nhưng văn phòng mà Michel ở và làm việc lại nằm trên phố Phùng Khắc Khoan, một khu dân cư đông đúc ở Hà Nội. Căn nhà rộng rãi có 4 phòng gồm 2 phòng ngủ, 2 phòng làm việc khá đầy đủ tiện nghi.
Tại đây, ông có người phiên dịch tên là Lương và một thư ký riêng, giúp ông đọc và xử lý thông tin từ các cơ quan báo chí trong nước, chủ yếu là Thông tấn xã Việt Nam. Thông tin được gõ trên máy chữ, chuyển bằng fax về Paris. Công việc tưởng nhẹ nhàng mà cũng rất áp lực vì AFP khi đó là hãng thông tấn nước ngoài duy nhất có đặc quyền khai thác tin tức ở Việt Nam, bởi vậy mà những thông tin của hãng được các cơ quan truyền thông khác khai thác lại khá nhiều.
“Hà Nội khi ấy rất đẹp!”
Cũng bởi sống trong một khu dân cư khá đông đúc nên ông Michel Blanchard hiểu hơn về cuộc sống, con người ở Việt Nam. Cứ cuối tuần, người đàn ông Pháp lại một mình đạp xe, dạo chơi qua các phố phường. Trong con mắt nhà báo người Pháp, cuộc sống ở Hà Nội khi ấy rất đơn giản. Tất cả mọi người đều đi xe đạp. Xe máy rất hiếm, nếu có cũng hầu như là những chiếc xe cũ từ Nhật. Nguồn cung cấp thực phẩm cũng rất hạn chế.
Việt Nam 1983 - Cửa hiệu cạnh chợ tại Đà Lạt
Ngày ấy chưa có doanh nghiệp hay có cửa hàng tư nhân. Hầu hết là bách hóa, các cửa hàng quốc doanh. Tuy nhiên, Hà Nội lúc ấy đã rất đẹp với những ngôi nhà cổ, những hồ, ao, cùng công viên xanh mướt. Ngày Tết, phố phường tràn ngập hoa, người người náo nức sắm Tết.
Michel Blanchard có nhiều kỷ niệm với ngày Tết Việt. Đó là cái Tết đầu tiên tại Việt Nam ông được một cô gái tốt bụng đưa về nhà tiếp đón nồng hậu, khiến ông vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Cũng là trong một dịp Tết, ông có dịp nghe hát ca trù ở đền Ngọc Sơn - và lần đầu tiên ông cảm nhận được làn điệu, cung bậc âm thanh hay đến như vậy bất chấp những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa.
Trong khoảng 10 năm sau khi công tác ở Việt Nam, Blanchard thường trở lại Việt Nam nhiều lần để viết những cuốn sách du lịch. Những lần trở về ấy, ông được gặp lại những người quen nhiều năm trước. Trong đó có “cậu bé Phong” - một trong những nhân vật trong tấm ảnh của ông. “Tôi hay ngồi trước cửa văn phòng của mình và rất nhiều đứa trẻ đến trò chuyện và chơi với tôi. Họ rất thích thú khi phát hiện ra có “ông Tây” ở đây.
Phong là một trong số đó. Cậu và gia đình là những người hàng xóm sống ngay đối diện văn phòng của tôi” - ông Michel nhớ lại. Cậu bé Phong ngày nào đương nhiên giờ đã là một người trưởng thành và có gia đình.
Nhưng ánh mắt, nụ cười của Phong và sự thân thiện của những người Việt Nam khi ấy thì ông vẫn chưa quên. Bởi vậy, khi đã rời AFP, nhìn lại những tấm ảnh trong ngôi nhà của mình, ông cảm thấy có một niềm thôi thúc ông muốn chia sẻ chúng với những người dân Việt Nam. Để những người đã từng sống trong giai đoạn ấy, sẽ lại được dạo bước trên những con phố như thời 30 năm trước.
Triển lãm “Việt Nam những năm 80” của nhà báo Michel Blanchard (sinh năm 1949) - nguyên Trưởng đại diện Văn phòng Thông tấn Pháp tại Hà Nội. Gần 60 bức ảnh ông chụp được trong những năm 1980 ở Việt Nam, ghi lại cuộc sống thường nhất của người dân Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn… được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) từ nay đến ngày 30-4-2016.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngắm những bức ảnh Việt Nam thập niên 1980
Nhân dịp khai mạc triển lãm những bức ảnh quý giá về Việt Nam những năm 80 của nhà báo Pháp Michel Blanchard được trưng bày tại Hà Nội, tối 8-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến dự, thưởng lãm những bức ảnh độc đáo này, đồng thời gửi hoa chúc mừng đến ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp và nhà báo Michel Blanchard.
Những bức ảnh của ông Blanchard là những tư liệu quý giá giúp chúng ta có dịp nhìn lại và hồi tưởng về Việt Nam trước đây, trong thời kỳ chuyển tiếp quan trọng của đất nước.
Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng Đại sứ Pháp xem những bức ảnh Việt Nam những năm 1980.
M.A