Nguyễn Ngọc Thạch: “Đã hết thời của nhà văn thần tượng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Bản thân mình thấy thời của các tác giả trẻ trong lứa mình đã qua rồi. Các nhóm độc giả của mình từ 10 năm trước bây giờ họ cũng đã khác, họ không thích đọc mấy cái mình viết nữa, còn các nhóm mới thì lại không biết mình” – Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Đô thị linh dị” kỷ niệm 10 năm bước chân vào văn đàn.

- Mười năm hoạt động trong văn đàn, Thạch có nhận thấy sự thay đổi trong suốt thời gian đó không?

Mình ra sách vào năm 2012, cho đến năm 2014 thì bắt đầu được chú ý nhiều với những tác phẩm như “Chênh Vênh 25” hay “Khóc Giữa Sài Gòn”, cũng là năm diễn ra Hội Sách Tp. Hồ Chí Minh.

Đợt đó, những tác giả cùng thời của mình như Anh Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên, Iris Cao… đều giới thiệu sách mới và được độc giả vây kín trong các buổi giao lưu, ký tặng. Mỗi tác giả ngồi ký tên có khi lên đến ba bốn tiếng cho gần cả ngàn độc giả xếp hàng chờ. Khung cảnh đó mãi mãi là một kỷ niệm không thể quên của cuộc đời làm nghề viết.

Ngoài những khái niệm như “ca sĩ thần tượng”, “diễn viên thần tượng” thì trong năm đó chúng ta có cả “tác giả thần tượng”. Rất nhiều những tác giả trẻ tạo ra được trào lưu đọc sách, các tác phẩm bán với số lượng lên tới hơn năm vạn bản cho một lần ra mắt. Bản thân của các tác giả cũng được mời tham dự những lĩnh vực văn hóa khá như dẫn chương trình, làm biên kịch phim, tham gia các talkshow… sự sôi nổi đó đến giờ khó mà tìm lại được.

Nhưng cái gì mà đến cực thịnh cũng sẽ vào giai đoạn suy. Những tác phẩm của nhóm tác giả tụi mình cứ loay hoay trong những vấn đề tình yêu, hờn giận, nhớ nhung, chia tay, thất tình… có khi vài cuốn cũng chỉ có nhiêu đó nội dung, khiến thị trường bội thực và dần trở nên nhàm chán. Mình là người trong cuộc và mình vẫn phải thừa nhận việc đó.

Số lượng nhiều nhưng chất lượng lại không mới lạ, mà văn học cần sự khai phóng, sự sáng tạo ra những thứ mới. Vì vậy dẫn đến số lượng cũng dần giảm đi. Độc giả họ không chọn dòng sách văn học trẻ để đọc nữa vì cảm thấy không còn sự mới mẻ trong đó. Điều đó dẫn đến việc các bạn tác giả cùng thời mình cũng bắt đầu ít viết hơn để đi làm công việc khác, hoặc có cuộc sống và định hướng cá nhân cho mình.

Rồi một điểm tiếc nuối khác, đó là sau giai đoạn của nhóm tác giả cùng thời với mình nổi lên xong thì sau đó không còn những tên tuổi đủ tạo thành một làn sóng mới. Cũng có thể kể ra vài cái tên như Hạ Vũ, Huyền Trang Bất Hối… nhưng cũng thưa thớt dần và không đủ để có một trào lưu. Rồi đến hiện tại, thói quen đọc sách cũng chật vật để chen chân với những thú giải trí khác. Trong khi các bạn trẻ ngày nay thì theo xu hướng chuyển dịch vận động và thích những gì mang tính chất nhanh gọn lẹ, mắt thấy tai nghe. Việc giữ chân các bạn để ngồi yên để đọc một cuốn sách khó khăn hơn nhiều.

Và đó là sự chuyển dịch của thị trường đọc và các tác giả mà mình thấy trong mười năm qua.

- Trong dòng chảy của sự thay đổi đó, Thạch đã làm gì? Ngồi yên đầu hàng số phận hay vẫy vùng để tìm đường thoát thân?

Mình viết. Càng biến động lại càng viết, viết như thể đó là thứ để giữ mình còn tồn tại trong cuộc đời này.

Viết lúc bấy giờ không còn ở định dạng là sách, mà có thể là những cảm nghĩ trạng thái trên mạng xã hội, viết câu chuyện để bán ý tưởng làm phim, viết bài quảng cáo… Còn ở địng dạng sách thì mình viết những thứ mới mẻ với chính bản thân mình và phù hợp với độc giả của mình trong từng giai đoạn.

Khi viết “Chênh Vênh 25” độc giả của mình còn là sinh viên thì giờ đã đi làm, có người thì lấy chồng, lấy vợ, có người còn sinh con đầu lòng và chụp hình gởi cho mình coi, dễ thương lắm. Độc giả của mình lớn lên thì mình cũng phải như vậy, mình chọn những đề tài mới lạ hơn, như kỹ năng mềm, những trăn trở về cuộc sống của người trẻ, khủng hoảng nửa đời người, khủng hoảng hiện sinh… Rồi khi đã viết về những thứ đó xong, mình bắt đầu chuyển qua thể loại kinh dị, tâm linh… vốn là đề tài mà bản thân luôn luôn yêu thích nhưng trong suốt thời gian qua chưa có thời gian để ngồi xuống tư duy và viết tử tế.

Viết truyện ngắn có yếu tố linh dị tốn thời gian và tư duy hơn nhiều so với những tản văn tình yêu. Đơn giản nhất thì tản văn tình yêu thuần về cảm xúc, khi nào thấy buồn thì viết, vừa chia tay xong ngồi viết ào ào được gần mấy chục trang sách, hay lúc vui quá cũng có thể viết được nhiều.

Còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, mà còn liên quan đến tâm linh, kinh dị thì lại suy nghĩ để tạo ra thế giới, câu chuyện, nhân vật, không khí rồi lại phải dẫn dắt bằng tâm lý, tình tiết, kiểm tra lại xem những tình tiết của câu chuyện có đủ hợp lý hay không… Đó cũng là lý do vì sao khi chuyển đề tài, chuyển hướng thì các tác phẩm của chính bản thân mình sẽ kén độc giả hơn, khó tiếp cận hơn và dĩ nhiên cũng giảm về số lượng bán ra.

- Vừa viết khó hơn, tốn thời gian hơn, mệt mỏi hơn, nhưng lại bán ra ít hơn và kiếm tiền ít hơn, vậy tại sao Thạch lại chọn con đường này? Không phải cứ viết tản văn tình yêu rồi bán số lượng lớn sẽ ổn hơn sao?

Thử nghĩ một người đã gần bốn mươi tuổi mà cứ còn nói về tình yêu, ai mà tin cho được. Chưa kể, giờ mình cũng hết yêu, ít yêu, không mặn mà gì với tình yêu thì làm sao tự tin viết về nó.

Với lại, nói ra thì sau nhiều năm làm việc, tới giai đoạn này cảm thấy cuộc sống cá nhân đã đủ hơn nên cũng không còn đặt chuyện phải lao vào kiếm tiền ở vị trí hàng đầu, thay vào đó là làm những thứ mình yêu thích. Và viết những câu chuyện có nhiều kịch tính, có tính chất “chuyện” trong đó để có thể chuyển thể thành những định dạng khác nhau của nội dung, như làm phim điện ảnh hoặc phim ngắn nhiều tập, hay làm truyện tranh, chuyển thể kịch…

Nếu để ý thấy, thì tản văn không bao giờ được đem chuyển thể, vì tản văn vốn dĩ là những tản mạn cảm xúc được ghi lại thì không có tính “chuyện”, không thể dựng nó thành một kịch bản hoàn chỉnh có đầy đủ cao trào cảm xúc được. Tưởng tượng mà giờ ra rạp coi một cái phim được chuyển thể từ tản văn nào đó, mà nhân vật trong đó cứ đi lơ thơ, nhìn trời nhìn mây rồi lẩm nhẩm những câu triết lý về tình yêu, độc thoại những câu nhớ nhung… bạn sẽ chịu đựng được bao lâu trước khi bỏ cuộc đi về?

Vài năm qua, ngoài chuyện làm sách, mình còn làm phim ở những vai trò nhỏ, được gặp và biết được rằng vấn đề kịch bản, nội dung luôn là nỗi lo lắng, quan tâm của những người làm điện ảnh. Chúng ta thiếu một nền văn học mới, hiện đại có nhiều tính chuyện để có thể chuyển thể thành phim. Vài năm gần đây sách của chú Nguyễn Nhật Ánh hay cô Nguyễn Ngọc Tư vẫn được các đạo diễn chuyển thể và nhận được nhiều đánh giá tích cực về mặt chuyên môn lẫn doanh thu. Nhưng phải nói thật rằng những tác phẩm đó thiếu tính chất mới mẻ của thời đại, khi bản thân những câu chuyện đó đã được viết từ rất lâu rồi. Đó vẫn là những tác phẩm hay nhưng không mới. Thị trường đang thiếu những câu chuyện mới hơn từ sách để trở thành phim. Và dự án Đô Thị Linh Dị là định dạng để làm những việc đó.

Những câu chuyện của Đô Thị Linh Dị trẻ hơn và tiệm cận với thời đại công nghệ hơn, đó là ước mơ đổi đời của những cô gái trẻ muốn làm MukBang, những áp lực muốn loại bỏ tên sếp hắc ám khỏi công ty, hay nỗi sợ tiếp xúc với thế giới bên ngoài của một chàng trai ngoại hình không hoàn hảo, thường bị bạn bè dè bĩu… Những thứ đó chúng ta được thấy mỗi ngày ở những người xung quanh và đến giờ thì sẽ phủ lên một màu sắc linh dị trong sách.

Đây có phải là tham vọng của Thạch để chuyển mình sang định hướng và con đường mới sau khi việc trở thành tác giả đã… “hết thời”?

Người ta phải từng có thời thì mới hết thời được, còn mình thì nhiều năm nay vẫn cứ nhiêu đó công việc mà làm, chỉ là khác nhau ở chỗ làm cái gì để kiếm được nhiều tiền mà mình không quá thích, với lại kiếm ít hơn mà mình vui vẻ hơn. Mình là người sống trong xã hội thì phải nương theo dòng chảy của xã hội. Khi thị trường sách và tác giả trẻ không còn thịnh hành thì mình cũng phải giảm nhiệt và làm những thứ khác để thích nghi.

Vấn đề là mười năm trước đây mình viết, hiện tại mình viết và tương lai cũng sẽ viết. Còn hay hết thời thì việc mình cần làm vẫn sẽ phải làm một cách tận tâm, chăm chỉ.

Bản thân mình cũng tự nhận là một người rất lười, ước mơ là có thể nghỉ hưu ở tuổi 40 hay 45 gì đó. Lúc đó có thể đỡ áp lực về việc tiền bạc và có thể thong dong để viết sách, sáng tạo nội dung mà không còn bị rào cản hay áp lực gì xung quanh. Và đây là lúc bắt đầu để dọn đường cho một cuộc sống như vậy. Viết những thứ mà chính mình muốn viết, muốn kể với mọi người. Dù cho những câu chuyện đó được kể bằng câu chữ hay hình ảnh của những thước phim.

Hi vọng rằng dù là ở hình thức nào thì những độc giả đã từng yêu thương mình vẫn sẽ chọn lựa để thử và nếu hợp, sẽ thích những thứ mới mẻ mình tạo ra. Chân thành cảm ơn vì suốt 10 năm qua đã đọc sách của Thạch.