Những người đã từng sinh mổ khi có thai cần được thăm khám sớm để xác định vị trí chính xác của thai
Dễ vỡ tử cung
Năm 2013, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từng tiếp nhận bệnh nhân ở Đông Anh (Hà Nội) chửa tại vết mổ nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảy máu trong ổ bụng. Nhận định tử cung đã bị vỡ, các bác sĩ ngay lập tức tiến hành mổ để khâu vết bục, bảo tồn tử cung. 8 bác sĩ đã được huy động, 2 lít máu đã được sử dụng và ca mổ phải kéo dài đến 4 tiếng mới có thể giữ được tính mạng cho bệnh nhân này. Đây là trường hợp vô cùng hy hữu và may mắn khi bệnh nhân sống sót sau biến chứng vỡ tử cung vì chửa trên vết mổ.
Vậy thai đậu trên vết mổ cũ là gì mà có thể gây nguy hiểm đến vậy? Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa - giảng viên Quốc gia về Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục, thực chất, đây là hình thái làm tổ sai vị trí của trứng. Thông thường, sau khi được thụ tinh, trứng sẽ bám vào vùng đáy tử cung - nơi có “diện tích” rộng rãi và lớp cơ tử cung đủ dày để làm tổ và sinh trưởng. Tuy nhiên, vì một lý do bất thường nào đó, trứng lại “mắc kẹt” ở eo tử cung - nơi có vết sẹo mổ trước và phát triển thành túi thai.
Túi thai này trong quá trình sinh trưởng sẽ bám vào cơ tử cung. Do lớp cơ này mỏng nên các gai ở bánh nhau có thể xuyên vào bàng quang, dẫn đến tử cung bị vỡ. Không chỉ vậy, do mô sẹo không thể co giãn và mềm mại bằng mô thường nên nếu thai làm tổ ở đây, nó dễ làm rách vết mổ. Và cũng bởi không gian ở đây chật hẹp, nên cho dù không làm tổn thương cơ tử cung thì thai nhi cũng dễ bị sảy hoặc phát triển không tốt.
Thai làm tổ trên vết mổ cũ đuợc phát hiện lần đầu tiên tại Anh vào năm 1978. Lúc này, thai phụ có hiện tượng chảy máu ồ ạt do sảy thai tự nhiên. Cũng kể từ thời điểm đó, các bác sĩ bắt đầu quan tâm đến hiện tuợng này và liệt nó vào biến chứng thai sản nguy hiểm, dù trên thực tế chỉ có khoảng 1% gặp phải biến chứng này. Theo đó, người chửa trên vết mổ cũ sẽ phải đối diện với các nguy cơ như băng huyết (nếu sảy thai tự nhiên), vỡ tử cung hoặc phải cắt bỏ tử cung, thậm chí là tử vong nếu không đuợc phát hiện kịp thời.
Nhiều người thắc mắc, với những người đã từng có thai đậu trên vết mổ cũ thì liệu có thể sinh con bình thường sau đó không? Các số liệu thống kê cho thấy: 76% số người chửa tại sẹo mổ cũ có thai lại sau đó, trong đó 88% là có thai tự nhiên và 95% là thai nằm trong tử cung. Chỉ có 5% là gặp lại hiện tượng này. Riêng với trường hợp phải cắt bỏ tử cung thì đương nhiên, khả năng làm mẹ sau đó sẽ không còn.
Phải chấp nhận bỏ thai
Như đã nói ở trên, thai làm tổ trên vết mổ không thể giữ đuợc vì thai càng lớn, nguy cơ vỡ tử cung càng nhiều. Thế nên, theo bác sĩ Hồ Mai Hoa, những người đã từng sinh mổ, khi có thai lại, cần được thăm khám sớm để xác định vị trí chính xác của thai. Khi thai nằm ở vị trí bất thường, nhất định phải tiến hành bỏ thai càng sớm càng tốt. Thủ thuật bỏ thai trong những trường hợp này cũng đòi hỏi người thực hiện phải vững chuyên môn, do đó, nên thực hiện tại tuyến trung ương để tránh thai biến.
Không giống như như những người cùng làm thủ thuật khác, có thể về nhà ngay sau khoảng 30 - 60 phút nằm nghỉ ngơi, người chửa trên vết mổ cần phải nằm lại viện theo dõi khoảng 1 ngày. Cũng vì thời gian lưu lại viện lâu nên bạn cần có người đi cùng để hỗ trợ và chăm sóc.
Một câu hỏi được đặt ra là: sau khi tiến hành thủ thuật, bao nhiêu lâu sau thì nên có thai lại? Thực chất, bạn hoàn toàn có thể có thai ngay sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, lúc này, tử cung còn yếu, nên tốt nhất là nên mang thai lại sau khoảng 1 năm để an toàn cho sức khỏe.