Người nước ngoài thích mê Tết Việt

ANTD.VN - Ngày Tết và mọi hoạt động trong Tết là một biểu tượng vô cùng quen thuộc đối với người Việt, nhưng với những vị khách quốc tế - người ít thì mới đến sống và làm việc ở Việt Nam 2 năm, người lâu thì  10 hoặc hơn một thập kỷ, chúng ta hãy xem họ bày tỏ cảm xúc thế nào về Tết Nguyên đán. 

Bà Hasanthi Urugodawatte Dissanayake - Đại sứ đặc mệnh  toàn quyền Sri Lanka tại Việt Nam

Đặc biệt kỳ thú về chuyện các Táo Quân

2015 là năm đầu tiên tôi được đón Tết Việt Nam. Không khí của lễ hội này thật sống động tuyệt vời. Hơn một tháng trời tôi quan sát cách người ta chuẩn bị cho Tết. Càng gần đến Tết, ai cũng tất bật cả, dường như họ di chuyển trên đường phố cũng nhanh hơn vậy. Ở Sri Lanka, chúng tôi đón năm mới vào tháng 4 nhưng cũng cùng một công tác chuẩn bị và cảm xúc y như vậy.

Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị của chúng tôi chỉ một tuần thôi và lễ hội năm mới chỉ gói tròn trong hai ngày là 13 và 14-4. Tôi đặc biệt kỳ thú về câu chuyện của các Thần Bếp (Táo Quân). Ngày 23 tháng Chạp người ta thả cá chép ra hồ, ao với mong muốn là các Táo Quân có phương tiện để về chầu Trời, báo cáo những việc họ đã chứng kiến suốt một năm cho Ngọc Hoàng. 

Ngài Akif Ayhan - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam 

Người nước ngoài thích mê Tết Việt ảnh 2

Tết giúp hiểu văn hóa bản địa giàu bản sắc 

Chắc chắn một điều rằng, khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam, tôi không thể quên Tết Nguyên đán - khoảng thời gian đặc biệt vui thích đối với tôi. Tôi bị ấn tượng bởi không khí tấp nập của những ngày trước Tết. Đào, quất và những đồ trang trí chăng đầy khắp phố. Những người bán hàng rong tràn ngập đường với những cây đào buộc ở sau yên xe. Tất cả mọi người vội vã làm cho xong công việc của mình để còn nhanh chóng trở về nhà hoặc quê nhà đoàn tụ với gia đình.

Cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác, đó là dịp để gia đình đoàn tụ và thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên và người già. Tôi thích Hà Nội những ngày đầu năm, người Hà Nội dạo bước quanh hồ Hoàn Kiếm với nụ cười trên môi và không ngừng nói “Chúc mừng năm mới” với đủ mọi lời chúc tốt đẹp khác dành cho những người xung quanh… Chính những phong tục ngày Tết đã giúp người nước ngoài có thêm cơ hội để hiểu rõ thêm nền văn hóa bản địa giàu bản sắc. 

Ngài Saadi Salama - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Palestine

Người nước ngoài thích mê Tết Việt ảnh 3

Tết Việt thiêng liêng lạ lùng

Tôi đã từng học ở Việt Nam 4 năm (1980). Và rồi nhân duyên đã đến một lần nữa khi tôi được quay lại đất nước hình chữ S trên cương vị Đại sứ Palestine vào năm 2009. Sau gần 30 năm, tôi nhìn thấy sự thay đổi rõ ràng trên đất nước mà tôi coi như quê hương thứ hai. Tết ở Việt Nam giờ cũng thay đổi nhiều. Trong 3 ngày Tết xưa, người Việt không đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà, đi thăm họ hàng, người thân.

Giờ đây, mới mùng 1 Tết, tôi đã thấy mọi người đáp máy bay đi chơi ở đâu đó khắp Việt Nam hoặc nước ngoài. Ngày xưa, người dân từ ngày 23 đã lo ông Táo về trời, từ nhiều nhà khói bốc lên vì luộc bánh chưng. Giờ đây, nhiều gia đình người Việt thường đặt bánh chưng, vì vậy, khói từ nồi luộc bánh chưng bốc lên không còn nhiều, đặc biệt ở đô thị. Tôi thật sự mừng vì Thủ đô nghìn năm tuổi vẫn gìn giữ và bảo tồn được những nét văn hóa xưa. Vẫn còn đó một Hà Nội trong trẻo những ngày Tết. 

Nhà văn Walter Mason (Australia) - Tác giả cuốn sách “Destination Saigon” 

Người nước ngoài thích mê Tết Việt ảnh 4

Yêu những con rồng đất Việt và tôi yêu Việt Nam

Một ngày Tết năm 1994, tôi bắt một chiếc xích lô đi thăm chùa Quan Âm ở khu Chợ Lớn và bị mắc kẹt trong một khúc tắc đường. Tất cả xe cộ phải dừng lại vì một con lân rất dài đang đi qua phố đông. Hôm ấy, thời tiết nóng và tôi tự hỏi tại sao mấy cậu con trai đó có thể đứng múa lân và di chuyển hết phố nọ đến phố kia suốt cả ngày dưới cái lốt lân trên mình.

Cái đầu lân ở ngay trước mũi tôi và qua những chuyển động lên xuống, nó lấp ló một khuôn mặt đẹp trai không thể tin được của anh chàng vũ công. Tôi cảm thấy sốc vì mặt đối mặt với “con lân”, và hầu như không biết phải làm gì nữa. Cái hàm lân gí sát vào khuôn mặt xa lạ là tôi và đột nhiên, anh ta mỉm cười rồi nói bằng tiếng Anh “Hello”. Sau đó cái đầu lân sụp xuống và chàng trai trẻ tuyệt đẹp biến mất, cái đuôi lân xa dần phía cuối phố. Kể từ lúc ấy, tôi yêu làm sao những con rồng đất Việt và tất nhiên, yêu Việt Nam nữa.

   

Lễ hội Cổ Loa từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng Âm lịch tại làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội