Nguyễn Văn Vĩnh:

Người nối nhịp cầu Đông - Tây

ANTĐ - Tôi và cậu em, một doanh nghiệp trẻ của Hà Nội, cùng một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học, được anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh, mời đến nhà, số 55, phố Lương Sử C, nằm áp sau lưng ga Hàng Cỏ xưa, tức ga Hà Nội ngày nay, xem bộ phim “Mạn đàm về Người Man Di hiện đại”. Bộ phim dài 4 tập, 215 phút, giới thiệu về con đường sự nghiệp của ông nội mình, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, do chính anh viết kịch bản. Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy. Quay phim, Nguyễn Sĩ Bằng.

Từ trái sang: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh 

và Bùi Duy Thành (một doanh nhân)

Trước khi vào phòng xem phim trên gác 2, chúng tôi được gia chủ ân cần tiếp đón tại phòng khách. Chúng tôi như được sống lại không gian văn hóa cổ của Hà Nội thời cụ Nguyễn Văn Vĩnh đang sống. Chỗ trang trọng nhất đặt bàn thờ cụ Vĩnh. Trên bàn thờ đặt tấm hình chân dung cụ, mắt sáng, tóc cắt cao, thông minh, đĩnh ngộ, phong trần mang thần thái của một văn nhân kí giả sắc sảo, giàu kinh nghiệm. Tôi được ngồi lên bộ tràng kỷ kiểu cổ, do chính cụ Vĩnh chỉ đạo đặt thợ làm, với những hình ảnh điêu khắc lấy từ truyện ngụ ngôn “Con cò và con chó sói” của La Fontaine, với chữ ký bay, thoáng, giàu chất “nghệ” rất hào hoa của chàng trai Thăng Long - Hà Nội - gốc.

Anh Bình giới thiệu: “Ông nội tôi sinh năm 1882, mất năm 1936. Ông có 3 bà vợ chính thức, sinh hạ được 10 trai, 5 gái. Các con cụ, nhiều người nổi tiếng. Hai nhà thơ Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp đều có tên trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân. Ông Nguyễn Phổ, nhà tình báo cách mạng. Ông Nguyễn Phùng được đặt tên cho một đường phố ở Thủ đô Paris (Pháp).

Ông Nguyễn Dục (thân sinh anh Nguyễn Lân Bình) đã mang toàn bộ trang thiết bị âm thanh của gia đình hiến tặng cho Đài tiếng nói Việt Nam và lắp đặt hệ thống trang âm tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, phục vụ trong ngày Quốc khánh 2-9-1945, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chúng tôi xem liền mạch bộ phim tài liệu chân dung nghệ thuật về cuộc đời cụ Nguyễn Văn Vĩnh, với bi kịch của người trí thức “Tây học” đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực: văn hóa, văn minh, báo chí, văn học nghệ thuật của nước nhà đầu thế kỷ XX. Chúng tôi đã “vỡ” ra nhiều chuyện, trước hết là kính phục một con người ham học, tự học để thành tài. Trong bộ phim, có đoạn kể, ông bị bố mắng: “Mày muốn chăn bò hay kéo quạt?”, Vĩnh chọn thân phận thằng nhỏ kéo quạt thuê cho lớp học tổ chức tại đình Yên Phụ. Kéo quạt để được học lỏm và Vĩnh đủ trình độ nhắc bài cho học sinh kém. Thậm chí khi thầy hỏi, chưa học trò nào đủ trình độ trả lời, Vĩnh nhanh nhảu đáp lại vanh vách, thầy yêu mến, đề nghị Hiệu trưởng cho học lớp chính thức. Tuổi 14, Vĩnh đỗ đầu khóa, được bổ nhiệm làm thông ngôn cho Tòa sứ Lào Cai.

Trong phim có nhiều trường đoạn rất xúc động, ví dụ như đoạn cả hai gia đình Nguyễn Lân Bình và Trần Văn Thủy, vợ chồng con cái tận mắt trông thấy quãng sông Sê Pôn (Lào), trong một đêm mưa gió mấy chục năm trước, cha ông họ, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã mất trên một con thuyền độc mộc, trên tay vẫn còn cầm bút và thiên phóng sự viết dở dang “Một tháng với những người đi tìm vàng”. Cả đoàn làm phim đã tham gia làm giỗ cho cụ Vĩnh ngay trên bờ sông, sau khi thành tâm khấn vái, bày tỏ những lời biết ơn người xưa, họ bày hương hoa lên bè chuối nhỏ thả trôi theo dòng sông, hy vọng người ở cõi vĩnh hằng thấu hiểu tấm lòng của họ. Bà con người Lào làm ăn quanh vùng cũng đến chia sẻ với họ. 

Các nhà văn hóa, nhà văn, nhà sử học, văn nghệ sĩ, nhà báo… tham gia “mạn đàm”, bằng thái độ khách quan, khoa học, với tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, với cái nhìn đổi mới, đã đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh đúng với chân giá trị vốn có, đúng như nhận định của nhà sử học Phan Huy Lê: “Nguyễn Văn Vĩnh là nhà tư tưởng dân chủ Việt Nam đầu tiên “khai sáng”. Một nhà sử học khác, Giáo sư Đinh Xuân Lâm khẳng định: “Nguyễn Văn Vĩnh là người yêu nước, thấm nhuần tư tưởng dân chủ Pháp”. Nhà sử học người Pháp, ông Philipe, công tác tại Viễn Đông Bác cổ hóm hỉnh: “Nguyễn Văn Vĩnh luôn nghĩ mình ngang hàng người Pháp. Người Pháp giận, bởi Vĩnh thiếu… mặc cảm nhược tiểu”.

Người xem rất trân trọng tinh thần làm việc vất vả khẩn trương của đoàn làm phim, đặc biệt là anh Nguyễn Lân Bình, bằng tấm lòng nặng tình, nặng nghĩa với một nhân vật lịch sử của gia tộc. Và công sức của đoàn làm phim bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Qua những thước phim đẹp, chân tình, xúc động, đã cho chúng tôi hiểu đúng, biết ơn những đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Vĩnh vào sự tiến triển của lịch sử đất nước đầu thế kỷ XX. Đó là tính nhân văn của bộ phim.

Ở thành phố Hồ Chí Minh đã có con đường mang tên Nguyễn Văn Vĩnh, đó là một công  nhận của lịch sử. 

Hà Nội cũng nên có con đường Nguyễn Văn Vĩnh, vì ông cũng là người con của Hà Nội “ dám gánh trên vai cái bi kịch cá nhân trong tình hình lịch sử đầu thế kỷ XX, đã biết chủ động tiếp nhận văn hóa Pháp, tận dụng tất cả những gì có từ văn hóa Pháp, thông qua chữ Quốc ngữ làm giàu cho văn hóa Việt, góp phần khai sáng nền báo chí Việt Nam hiện đại”.