Người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi kê khai tài sản và báo cáo công tác để đại biểu xem xét

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo kết quả thực hiện công việc của mình, kê khai tài sản để các đại biểu nghiên cứu trước…
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo

Tại buổi họp báo bế mạc kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XV diễn ra chiều tối 24-6, báo chí đặt vấn đề, ở phiên bế mạc hôm nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014.

Qua trao đổi với báo chí trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, Nghị quyết này có sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát Quy định 96. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến ĐBQH băn khoăn về việc làm sao có thông tin đầy đủ về người được lấy phiếu, từ đó đánh giá sát, đúng, đầy đủ, chính xác với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, tránh ý kiến cảm tính.

Trả lời về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Điều 10 của Nghị quyết đã nêu rất rõ trình tự, yêu cầu thời gian và nội dung mà người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi tới ĐBQH và đại biểu HĐND trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội và HĐND.

“Người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo kết quả thực hiện công việc của mình, kê khai tài sản để đại biểu nghiên cứu trước khi tiến hành lấy phiếu. Việc cung cấp thông tin được yêu cầu rất kỹ, tường minh trong nghị quyết vừa được thông qua” – ông Bùi Văn Cường nói.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, việc cung cấp thông tin không chỉ có báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn có cả báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ các cấp tổng hợp gửi tới Quốc hội và HĐND.

Điều 10 của Nghị quyết quy định rõ: Chậm nhất là 45 ngày trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo nghị quyết này và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội...