"Người đi dép cao su"- Mở ra không gian đồ sộ về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ với 60 phút, thời lượng rất ngắn nhưng tác phẩm sân khấu "Người đi dép cao su" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, đã mở ra không gian đồ sộ về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật "Người đi dép cao su" được dàn dựng bởi ê-kíp gồm: TS.NGƯT Lê Mạnh Hùng đạo diễn, NSƯT Doãn Bằng họa sĩ thiết kế sân khấu, NSƯT Hoàng Lâm Tùng chọn nhạc, NSND Kiều Lê biên đạo múa và các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam góp mặt.

Chương trình được dàn dựng dựa trên phần đầu kịch bản "Người đi dép cao su" của nhà văn Kateb Yacine (Algeria). Năm 1967, Kateb Yacine đến Việt Nam, những điều tai nghe mắt thấy trên đất nước của chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử Việt Nam, con người Việt Nam và vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta. Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Và kịch bản "Người đi dép cao su" ra đời.

Lựa chọn dàn dựng phần đầu của kịch bản, ê kíp thực hiện mong muốn khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc với những chặng đường đấu tranh giành độc lập, dưới góc nhìn của một nhà văn người nước ngoài thông qua hình tượng Người đi dép cao su. Nhìn một cách tổng quan, “Người đi dép cao su” không chỉ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là một biên niên sử của Việt Nam, là bản trường ca ngợi ca đất nước và con người Việt Nam.

"Người đi dép cao su" được dàn dựng không theo quy tắc truyền thống. Vở diễn không có thắt nút, mở nút, không còn bị khuôn vào cái khung nghệ thuật quy ước về không gian và thời gian. Kịch nhưng trong đó xung đột giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với hoàn cảnh không còn là động lực chủ yếu thúc đẩy hành động kịch phát triển. Sự kiện kịch không được tổ chức theo diễn biến nhân - quả trực tiếp: Hành động này của các nhân vật dẫn đến hành động khác, tình huống này đưa đến tình huống kia.

Quy luật diễn biến ấy không còn chi phối cấu trúc vở "Người đi dép cao su" của Yacine. Diễn biến nhân - quả gắn với trục thời gian của các sự kiện, các hành động được thay thế bằng cách sắp đặt bên cạnh nhau trên không gian của văn bản cũng như trên sàn diễn. Những nhân vật, những sự kiện, những hành động có vẻ như chẳng liên quan trực tiếp gì đến nhau.

Nhân vật chính là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xây dựng rất khéo léo, để mọi người cảm nhận như một nội dung xuyên suốt vở kịch chứ không để nhân vật xuất hiện thường trực trên sân khấu.

Kết cấu chặt chẽ, sân khấu giàu sức gợi, âm nhạc biểu trưng cho từng thời kỳ, đặc biệt là sự hóa thân thành công của nghệ sĩ Minh Hải trong hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khiến "Người đi dép cao su" hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối.

Vở kịch giữ nguyên được không gian kịch đồ sộ, là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng nghệ thuật sân khấu được dàn dựng với một phong cách đặc biệt mới lạ, lần đầu tiên được công diễn ở Việt Nam.

Sau hai đêm công diễn 23 - 24/4, "Người đi dép cao su" sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam vào ngày 19/5, Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.