Ngô Phan Lưu: Lão nông “xoa tay và cười”

ANTĐ - Ông có đôi mắt thẳm sâu nhiều sắc thái nội tâm, chưa bao giờ phẳng lặng. Nhiều giông bão khắc nghiệt đã đi qua, chìm sâu xuống thành những con sóng ngầm, thi thoảng mới cuộn lên. Đôi mắt của một người bình thường vào tuổi thất tuần đã chẳng có gì che giấu nổi, huống chi đây lại là đôi mắt của một ông già viết văn đã đạt tới tầm thấu thị.

Ngô Phan Lưu: Lão nông “xoa tay và cười”  ảnh 1
Bàn làm việc của Ngô Phan Lưu nhìn qua khung cửa sổ


Bán bò in thơ

Nickname của ông là “ndbchoamy”, giải nghĩa ra là “nông dân bỏ cày hòa mỹ”. Hòa Mỹ là nơi ông sinh ra. Đó là một xã nghèo thuộc huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, miền Nam Trung bộ. Ông nông dân Ngô Phan Lưu ở Hòa Mỹ đã bỏ cày từ lâu. Thời điểm năm 1997 ấy, để in tập thơ đầu tay “Bếp lửa chiều đông” ông đã phải bán đi một con bò. Tập thơ in xong, chất đống trong nhà để tặng dần. Đến bây giờ, sau 15 năm, bạn bè đến nhà, ông vẫn còn thơ để tặng. Các tập văn xuôi sau này vì “hot”  hơn, và cũng có lẽ vì ông đã “ngấm đòn thơ” nên lấy nhuận bút văn xuôi bằng tiền, chẳng dại gì mà lấy sách. Tôi đã suýt có tập thơ ấy, nếu không có câu nói đùa của một đồng nghiệp, khiến ông rút lại ý định tặng thơ cho khách.

Thực ra ông đâu có bỏ cày, mà chỉ là bỏ cày ruộng để chuyển sang cày bàn phím. Cánh đồng hoa màu và cánh đồng chữ nghĩa được ông so sánh viết văn dễ hơn làm ruộng. Nhân nói chuyện bò ông vui miệng tự trào, Phú Yên có “thịt bò một nắng và truyện ngắn Ngô Phan Lưu”. Một thứ là thức ăn vật chất còn một thứ là thức ăn tinh thần. Một thứ dù là đặc sản nhưng nhiều nhà làm được, còn thứ kia gắn với thương hiệu của ông. 

Dù người ta vẫn gọi Ngô Phan Lưu là nhà văn nông dân, nhưng nếu được một lần tiếp xúc với ông, hẳn nhiều người sẽ thấy theo kịp lão nông này quả hơi mệt. Trong một buổi giao lưu tại Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội, nhiều người bất ngờ khi nghe giới thiệu nhà văn Ngô Phan Lưu lên hát bằng… tiếng Anh và tiếng Pháp. Thì ra vốn liếng ngoại ngữ của ông cũng kha khá. Cũng chính vốn ngoại ngữ ấy đã giúp ông có thể tiếp xúc với sách ngoại văn để học hỏi và tiếp nhận nhiều điều mới mẻ. 

Chủ quán “cà phê nông dân”

Ngô Phan Lưu là nông dân gần hết cuộc đời. Đến một ngày, có lẽ sự tích lũy kinh nghiệm nông thôn đã đầy ứ, ở tuổi ngoài năm mươi, ông mới phát tiết cuộc sống ấy vào văn học. Và liên tục viết, liên tục từ bấy đến nay, viết cứ như một nhu cầu. Năm tập sách đã ra đời. Giờ đây chỉ cần ông lăm le có bản thảo là khối nơi chào mời. Nhà văn lão nông tỉnh lẻ bỗng trở nên “đắt khách”. Hiện ông là cộng tác viên thân thiết của nhiều tờ báo, ngoài ra ông còn tham gia chuyên mục “Cà phê nông dân” của Báo Thể thao & Văn hóa. Mỗi tuần, đều đặn từ Phú Yên, những câu chuyện đượm chất thế sự, đậm nhân tình thế thái ấm nóng hơi thở đời sống đều đặn “lên sóng” hòa mạng phục vụ bạn đọc cả nước.

Ông có một quán cà phê nhỏ, gọi là “cà phê nông dân” cũng được, bởi khách đa phần thuộc hàng lao động bình dân. Dù không có biển hiệu nhưng người dân TP Tuy Hòa, những anh em bạn hữu thường ghé vẫn gọi nó bằng cái tên dân dã: Quán Ba râu. Gọi quán Ba râu bởi ông có một bộ râu đẹp, và rất… Ngô Phan Lưu. Trước đây ông chưa để râu, sau này để thí điểm, nhiều người khen đẹp nên để dài hạn luôn. Tôi cũng chưa kịp xác minh, nhưng có lẽ bộ râu có trước quán cà phê thì phải. Quán mở từ sáng tới tầm mười giờ. Thời gian ấy ông tất bật pha cà phê, bưng đồ uống cho khách. Thời gian còn lại dành cho con cháu. Đứa cháu nội ba tháng tuổi đặc biệt quấn ông, nó khóc chỉ ông dỗ mới nín. 


“Xoa tay và cười”

Ngô Phan Lưu là người hóm trong giao tiếp, trong cách trò chuyện. Ông hay pha trò một cách chơi chữ, thâm trầm kiểu “Đồ nho xứ Bắc”. Ông đã học được cách giữ thăng bằng để trôi đi giữa cuộc đời. Trôi qua những biến động thăng trầm, để giữ một thái độ bình thản ông tự giễu mình, tự “xoa tay và cười” (tên một tập sách của Ngô Phan Lưu - PV) một cách ung dung, bởi ông biết, rồi mình sẽ trôi về đâu giữa dòng đời này.

Dường như Ngô Phan Lưu không bao giờ bế tắc về mặt ý tưởng. Ông thường hài hước rằng nếu bế tắc thì ông sẽ viết ngay về chính sự bế tắc đó. Đến dự trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2012 tổ chức tại Phú Yên, các nhà văn được ở resort 5 sao, mọi người đùa rằng, ở sướng thế này thì chả viết lách gì được, ý tưởng biến mất tiêu hết. Ngô Phan Lưu liền đùa rằng sẽ đăng ký viết truyện ngắn có tên “Ý tưởng biến mất”. Nếu như ai đó đã đọc những gì Ngô Phan Lưu viết thì hoàn toàn có thể tin, đó không chỉ là một lời đùa.

Đôi khi khó mà phân biệt giữa truyện ngắn và tạp bút Ngô Phan Lưu. Về dung lượng thì chúng cũng na ná nhau. Viết ngắn cũng như một sự lựa chọn tự nhiên của ông bởi một lý do, nó phù hợp với khuôn khổ các trang báo mà ông cộng tác. Bởi thế, có nhà xuất bản đã lúng túng khi đề thể loại tập sách của ông, cuối cùng đã để là “truyện ngắn và tạp bút” mà không chỉ rõ cái nào là truyện ngắn, cái nào là tạp bút.

Những trang viết của ông thường xuất hiện những đứa trẻ, bà vợ, cây cỏ trong vườn, con vật… Mọi triết lý sâu xa ẩn dưới những câu chuyện bình dị ai ai cũng có thể nhìn thấy hằng ngày, nhưng khi đặt nó dưới lăng kính của mình, ông có biệt tài làm cho chúng lên màu và trở nên quyến rũ, bằng cách móc nó lại với nhau, gắn cho nó những dấu hỏi, những chiêm nghiệm để bạn đọc buộc phải suy ngẫm. Giống như kỹ thuật buồng tối, có thể xử lý hiện thực theo dụng ý của mình. Nói thế là bởi, trong nhiều nghề đã trải, đã có thời gian Ngô Phan Lưu làm nghề chụp ảnh.

Trôi giữa dòng đời nhưng ông không để dòng đời cuốn trôi, ông đã biết buông xả, ông biết chọn cho mình một quỹ đạo riêng, để bập bềnh cùng nó. Và nếu như có gì đó diễn ra không như ý muốn thì ông sẽ chỉ… xoa tay và cười tự giễu mà thôi.