Nhà thơ Trương Quế Chi:

Nghệ thuật là công việc nhọc nhằn

ANTĐ - 13 tuổi, Trương Quế Chi đã được nhiều người biết đến khi có tên trong Sách kỷ lục Việt Nam với vai trò “Dịch giả nhỏ tuổi nhất”. 18 tuổi, cô tiếp tục được ghi nhận tài năng qua tập thơ “Tôi đang lớn”. Liền sau đó, cái tên Trương Quế Chi thường xuyên được nhắc đến khi qua một hoạt động trình  diễn thơ, lúc lại là tác giả một bộ phim ngắn. Và sau tròn 4 năm xa Hà Nội, cô đã trở về, lần này món quà mà cô gửi đến cho công chúng yêu nghệ thuật là một triển lãm sắp đặt có cái tên gợi nhiều cảm xúc “Đi về nơi mà ta muốn quên đi”. ANTĐ đã có dịp trò chuyện cùng nhà thơ Trương Quế Chi.

- PV: “Đi về nơi mà ta muốn quên đi” - một tiêu đề gợi nhiều liên tưởng. Có phải chính tác giả - nhà thơ Trương Quế Chi đang muốn quên đi điều gì đó hay không?

 - Nhà thơ Trương Quế Chi: Trong một lần tôi phỏng vấn nhà thơ Dương Tường, một nhân vật trong triển lãm sắp đặt của tôi, ông có nói thế này, nỗi nhớ rất phản trắc, có những thứ mình muốn quên đi mà không thể quên được. Trong khi đó, có những thứ mình cố để nhớ thì lại cứ quên đi. Tôi là người bị ám ảnh bởi câu chuyện của ký ức. Nhưng ký ức mà tôi kể trong “Đi về nơi mà ta muốn quên đi” không phải chỉ là ký ức của riêng tôi mà đó là của mọi người. Tác phẩm này tôi muốn dành tặng cho người thân, cho những người cùng tiếng nói, cùng màu da.

- PV: Sau 4 năm xa Hà Nội, trở về với một triển lãm sắp đặt ấn tượng. Đó phải chăng là cách mà chị muốn thông báo tới độc giả và những người yêu mến chị rằng “Tôi đã trở về”?

- Trương Quế Chi: Thực ra, đây không hẳn là dự toán cho cuộc trở về. Tôi sáng tạo tác phẩm trước sự thôi thúc nội tâm. Và khi một tác phẩm ra đời được mọi người đón nhận, đó là điều hết sức vui mừng. Và tôi cảm ơn vì điều đó.

 - PV: Theo học chuyên ngành về Điện ảnh tại Pháp, nhưng chị lại từng tâm sự rằng: “Điện ảnh là ước mơ viển vông”? Có mâu thuẫn gì không?

 - Trương Quế Chi: Đó đúng là ước mơ viển vông thật. Với tôi, điện ảnh là mơ ước mà theo đuổi đến tận cùng sẽ hết sức khó khăn. Đó là nghệ thuật của sự trưởng thành về nhận thức. Hiện tại, không thể nói trước được điều gì cả vì lao động nghệ thuật là công việc rất nhọc nhằn. Tôi vẫn đang chờ đợi mình lớn lên từng ngày nên không thể nói được rằng từ những điều tôi đã học được, tôi sẽ cống hiến gì cho điện ảnh, chất lượng đến đâu bởi, để đánh giá được một tác phẩm hay - dở đều cần phải có thời gian.

  - PV: Danh hiệu Dịch giả nhỏ tuổi nhất đến với Trương Quế Chi như thế nào?

- Trương Quế Chi: Đó là khi tôi 13 tuổi, tôi có dịch một cuốn sách thiếu nhi. Thực ra tôi không nghĩ đó là danh hiệu. Bởi với thời đại hiện nay có nhiều em nhỏ giỏi ngoại ngữ, có khi còn nói tiếng Anh, tiếng Pháp thành thạo hơn cả tiếng mẹ đẻ.

 - PV: Nhưng chị có coi đó là một sự gợi ý về một hướng đi nào khác trong tương lai không?

- Trương Quế Chi: Nghề dịch thuật như một người bắc cầu để tác giả và người đọc gặp nhau khi bất đồng ngôn ngữ. Đây là một công việc rất khó khăn, cần sự kiên trì, trong khi tôi lại muốn là người sáng tạo, người trực tiếp làm ra những tác phẩm.

 - PV: Sau khi học xong thạc sĩ chuyên ngành Điện ảnh ở Pháp, Trương Quế Chi có chọn con đường trở về sinh sống và làm việc ở Việt Nam?

- Trương Quế Chi: Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Nhưng hiện tại thì chưa thể dự tính được gì, bởi 3 tuần nữa tôi tiếp tục sang Pháp hoàn thành nốt công việc học tập còn dở dang. Trước đây, có nhiều bạn trẻ, sau khi du học nước ngoài thường ở hẳn bên đó. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, quan niệm này đã có nhiều thay đổi. Du học sinh đã chọn con đường trở về nhiều hơn bởi cuộc sống ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Với tôi, được sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng là một cơ hội tốt.

 - PV: Và cuối cùng, những dự định của chị trong thời gian tới?

- Trương Quế Chi: Tôi chỉ mới có dự định, học tiếp bằng thạc sĩ chuyên ngành Điện ảnh. Còn sau đó tôi không thể biết trước được mình sẽ làm những gì. 24 tuổi không phải là quá già, nhưng tôi phát hiện ra, cuộc đời nhiều bất trắc lắm. Trong vòng 1 năm nữa, tôi không thể dự kiến được mình sẽ làm cái gì, sống ở đâu và yêu ai. Lúc nào cảm hứng và ý tưởng nảy ra tôi sẽ dốc sức vào hoàn thiện đến cùng!

- PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!