Nghệ sỹ piano Trang Trịnh: Đừng ví nhạc cổ điển như toán học

ANTĐ - Bằng việc kết hợp nhạc cổ điển với trình chiếu những thước phim video tại chương trình diễn ra ngày 20-12, Trung tâm Văn hóa Pháp, số 24 Tràng Tiền, nghệ sỹ piano Trang Trịnh sẽ tạo ra nhiều cánh cửa để khán giả dễ dàng đến với nhạc cổ điển. Cô tin, nhạc cổ điển có đủ cảm xúc và sự gần gũi để đi đến trái tim khán giả.

Vợ chồng nghệ sĩ Piano Trang Trịnh

- PV: Kết hợp nhạc cổ điển với nhiều loại hình nghệ thuật không còn là một cách làm mới. Vậy cái mới được tìm thấy trong chương trình của chị lần này là gì?

- Nghệ sỹ Trang Trịnh: Trong thời đại của công nghệ, các nghệ sỹ nhạc cổ điển đều nhận thấy tầm quan trọng của những cách làm mới và gần gũi để tiếp cận công chúng trẻ. Tại Việt Nam, nhạc cổ điển đã “xuống đường” để hướng đến đại chúng. Đặc biệt, với thế hệ trẻ, lớn lên cùng công nghệ, họ có thể nghe nhạc hàng giờ trên mạng. Họ không chỉ cần đến văn hóa nghe mà còn cần đến văn hóa nhìn. Vì thế, chương trình lần này, tôi đã cố gắng đem tới một trong những thử nghiệm hết sức mới mẻ của Trang Trịnh và ê kíp, là kết hợp nhạc cổ điển với những thước phim trình chiếu ngay trên sân khấu để kể rất nhiều câu chuyện ẩn giấu đằng sau từng nốt nhạc. 

- Đó là những câu chuyện như thế nào, thưa chị?

- Cách đây 3 năm, tôi đã bị một chấn thương ở vai. Bác sỹ nói không biết đến bao giờ mới lành. Thời gian đó, tôi đang học tại Anh và chuẩn bị tốt nghiệp. Tôi đã bị rơi vào trạng thái chán nản. Nhưng âm nhạc của Beethoven đã nâng đỡ và vực tôi dậy. Đối với tôi, âm nhạc của Beethoven là một thế giới đặc biệt, tinh thần âm nhạc của ông luôn khuyến khích con người đừng từ bỏ những dự định, hãy tập trung vào giấc mơ đẹp đẽ. Câu chuyện ẩn giấu trong những tác phẩm tôi sẽ trình diễn trong đêm nhạc cổ điển tới là thông điệp “đừng từ bỏ”. 

- Hướng đến khán giả trẻ, giá vé của chương trình cũng sẽ rất rẻ đúng không chị?  

- Vé đã được bán hết từ 7 ngày trước. Một phần cũng bởi giá vé rất rẻ, chỉ có 60 nghìn đồng. Sinh viên mua vé rất đông. 

- Khán giả đến đông như thế, chứng tỏ âm nhạc cổ điển không khó gần như người ta vẫn nghĩ…

- Hiểu được nhạc cổ điển luôn là nỗi ám ảnh đối với công chúng Việt Nam khi thưởng thức. Ở đây, công chúng đã đặt trí tuệ cao hơn cảm xúc, một bản nhạc cổ điển đã trở thành những mệnh đề toán học rắc rối hay những công trình khoa học giành giải thưởng Nobel. Trong khi đó, các em nhỏ hầu như không có rào cản nào trong quá trình tôi chơi nhạc cho các em nghe. Nhưng lớn lên một chút, các em sẽ bị ảnh hưởng bởi quan niệm của người lớn và rào cản dần dần được hình thành. Nắm bắt được tâm lý này, tôi đã sử dụng tới phần hình ảnh đẹp mắt, đơn giản trong chương trình biểu diễn giống như những chiếc phao cứu hộ. Nếu ai đó không thể hiểu được thứ âm nhạc phát ra từ cây đàn piano thì có thể dùng tới hình ảnh để hiểu hơn về đêm nhạc. Ngược lại, chương trình bỏ phần hình ảnh đi vẫn sẽ là một đêm nhạc cổ điển đúng nghĩa. 

- Biểu diễn trọn vẹn bản “Sonata ánh trăng” nổi tiếng của Beethoven, chị có sự đồng cảm nào cùng tác giả? 

- Bản “Sonata ánh trăng” diễn đạt 3 trạng thái tâm lý con người thường gặp khi đối mặt với nỗi đau. Đó là sự đau đớn, hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp và sự giận dữ khi mất đi người yêu thương. Ở vào thế hệ 8X, tôi chưa trải qua nhiều cảm xúc mất mát người mình yêu quý nhưng không phải là chưa từng. Tôi vẫn nhớ mái tóc đen của bố cô bạn ngồi cạnh hồi cấp 2 đã bạc trắng như cước chỉ sau một đêm túc trực bên con gái mất vì một tai nạn. Tôi nhớ cả chuyến xe ôtô chở cả lớp tới viếng đám ma của bạn, chuyến xe ấy không có tiếng vỗ tay, không vui vẻ hân hoan như những lần cả lớp đi dã ngoại. Nên khi chơi bản “Sonata ánh trăng” tôi có sự đồng cảm cùng tác giả. Điều đó, giúp tôi thăng hoa hơn trong âm nhạc và chuyển tải tới khán giả tinh thần âm nhạc của Beethoven.    

- Lấy chồng Hàn Quốc và chồng chị cũng là ca sỹ, chị đã có dự định nào cho một chương trình có sự kết hợp của 2 vợ chồng tại Việt Nam chưa?

- Tôi và chồng vừa có sự kết hợp tại chương trình biểu diễn kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng B52 tại chân Cột Cờ Hà Nội. Anh ấy đã hát bằng tiếng Việt ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Khi nhìn một người nước ngoài hát đầy cảm xúc những ca từ đầy hào khí về Thủ đô, tôi thấy tình yêu với đất nước của mình lớn lên theo nhịp bài hát. Trong thời gian tới, tôi sẽ tổ chức một chương trình biểu diễn nữa có sự kết hợp giữa nhạc cổ điển và ca khúc trữ tình. Tuy là một nghệ sỹ piano nhưng tôi luôn ghen tị với các ca sỹ. Không có một thứ nhạc cụ nào có sức biểu đạt như giọng hát con người. 

- Xin cảm ơn chị và chúc cho những dự định của chị sẽ thành hiện thực!