Nghề “sửa lại ký ức”

ANTĐ - Căn nhà nhỏ số 15 Phùng Khắc Khoan, Hà Nội từng một thời là địa chỉ quen thuộc của biết bao thế hệ chơi ảnh giờ đã có chủ nhân mới, thế nhưng không vì thế mà nghề sửa chữa máy ảnh cổ bị lãng quên. 

Anh Nguyễn Ngọc Long là thế hệ thứ 4
của gia đình “tứ đại đồng đường” sửa máy ảnh

Truyền nhân đời thứ tư

Những chiếc máy ảnh chụp phim giờ đều ít nhất cũng đã mấy chục năm tuổi. Chúng già nua và nếu như không có người bắt bệnh thì những chiếc máy quý giá ấy có nguy cơ trở thành những cục sắt vô tri. Cùng với sự ra đi của cụ Nguyễn Văn Phượng - người được giới nhiếp ảnh gọi là “người sửa ký ức”, cửa hàng sửa chữa máy ảnh nổi tiếng “tứ đại đồng đường” giờ đây được chuyển sang một địa chỉ mới, số 4 Hòa Mã và người tiếp nối sự nghiệp của cụ chính là hai người con trai Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Ngọc Cường.

Ngôi nhà mới của những chiếc máy ảnh cổ nằm cách địa chỉ cũ chỉ một con phố, nằm thu mình trong một con ngõ nhỏ và hẹp. Chẳng khó khăn gì, chúng tôi tìm gặp được anh Nguyễn Ngọc Long - con trai cụ Phượng, truyền nhân đời thứ tư sửa chữa máy ảnh cổ. Ngôi nhà của anh mang một không gian đặc trưng, với sự sắp đặt của rất nhiều máy ảnh cổ có, đời mới nhất cũng có. Trên tường là bằng khen, cùng cả những bài báo được đóng trong khung kính, ngay ngắn treo trên tường. Anh Long kể: “Gia đình tôi từ những năm 20 của thế kỷ XX, từ đời cụ tôi đã bắt đầu sửa máy ảnh. Khi đó chủ yếu là sửa chữa máy ảnh phim, rồi nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, cụ truyền cho ông, ông truyền cho cha, cha tôi trước khi mất đã có 50 năm trong nghề, bản thân tôi thấy hạnh phúc khi được làm công việc mình yêu thích được tiếp nối, gìn giữ truyền thống gia đình”.

Giống như bao thế hệ khác trong gia đình, anh Long lớn lên và tiếp xúc với những chiếc máy ảnh, con ốc, màn chập một cách tự nhiên. Vì là nghề gia truyền nên hầu hết những kinh nghiệm và kỹ thuật sửa chữa anh được cha ông truyền lại, không học qua trường lớp hay cơ sở đào tạo. Cùng với sự quay trở lại của trào lưu chụp ảnh phim, người chơi ảnh phim và đam mê với máy ảnh cũng nhiều hơn, họ trân trọng chúng như những đứa con cưng của mình, vì thế khi hỏng hóc, họ mong muốn mang chúng tới một “bệnh viện” thật chuyên nghiệp. 

Mới học lớp 3 nhưng thế hệ thứ 5 của gia đình đã sớm bộc lộ đam mê với nghề gia truyền

Sáng tạo để gìn giữ

Cùng với trào lưu chơi ảnh số và sự trở lại của máy ảnh phim trong thời gian gần đây, các cửa hàng sửa chữa máy ảnh mọc lên khá nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sửa chữa được máy ảnh cơ và đặc biệt tạo được uy tín như anh Nguyễn Ngọc Long. Anh chia sẻ, mặc dù người ta chơi máy ảnh số nhiều, nhưng anh nhận sửa chữa đa số là những chiếc máy phim cổ. 

Bên cạnh việc sửa chữa, phục hồi máy ảnh cổ, người nghệ nhân còn phát huy sự sáng tạo của mình trong việc “độ” ống kính. Đây là thú chơi của những người sành máy ảnh bới nó tạo nên thiết kế mới lạ và những hình ảnh thu được có chất lượng không hề kém thiết kế ban đầu. Những chiếc ống kính của máy ảnh phim hay máy ảnh số được lắp ngược lại vào thân máy khác, hay những chiếc ống kính của máy kỹ thuật số được thiết kế, tự chế lại. Đó là kỹ thuật đặc sắc riêng của gia đình anh. Nó đòi hỏi sự khéo léo và kỹ thuật hoàn hảo để chế lại được một chiếc máy ảnh với khả năng lấy nét chuẩn thậm chí còn xuất sắc hơn ống kính ban đầu. Bên cạnh đó, để tạo nên nét riêng biệt và duy trì nghề gia truyền, anh Long còn có thể  phục hồi máy ảnh cổ, ống kính cổ sửa chữa những chiếc máy ảnh khổ lớn (large format) loại máy gần như không còn trên thị trường máy ảnh hiện nay. Chính những kỹ thuật độc quyền đó đã giúp cửa hàng của gia đình anh trở thành địa chỉ uy tín.

Nói về nghề gia truyền, anh Long tâm sự: “Uy tín mà gia đình chúng tôi có được là do xây dựng từ gần trăm năm qua”. Yêu nghề, say nghề nhưng anh Long không ép buộc con đi theo nghề của mình. Dù chỉ mới học lớp 3 nhưng cháu Tùng, con anh Long đã tỏ ra vô cùng hứng thú và có khả năng tháo lắp máy ảnh điệu nghệ. Hy vọng những thế hệ tiếp theo của gia đình sẽ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với nghề và giữ nó sống mãi cùng những giá trị xưa cũ của một Hà Nội cổ kính.