- Cuộc thi về âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật thị giác
- Nhóm Oplus ra MV nghệ thuật thị giác “Bay đi trong ban mai”
Được đào tạo bài bản về nghệ thuật thị giác
Nguyễn Trần Ưu Đàm là người khá thú vị. Anh nói chuyện có duyên, thể hiện nền tảng học vấn vững chãi của mình, cùng những đánh giá, nhận định về nghệ thuật khá cởi mở. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật với bố là họa sĩ Rừng, đương nhiên Nguyễn Trần Ưu Đàm không ít thì nhiều cũng chịu sự ảnh hưởng, tác động từ người cha của mình. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở tiềm thức. Tuy vậy, có một mạch ngầm nghệ thuật vẫn thầm lặng chảy trong con người Nguyễn Trần Ưu Đàm cho đến khi anh đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời là lựa chọn thi vào Đại học.
Đó cũng là cơ duyên đối với anh khi một người bạn của bố tới nhà chơi và rủ anh tới lớp luyện thi vào trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Anh đến lớp học này với tâm lý khá thoải mái là "thử vẽ chơi xem sao". Tất nhiên, bài vẽ đó chưa đạt nhưng sau buổi học đó, Ưu Đàm thấy hứng thú và yêu thích ngay. Anh tự nguyện đến học một tuần 3 buổi để cấp tốc luyện thi. 1990, anh thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
![]() |
Nghệ sĩ thị giác Ưu Đàm |
Tại ngôi trường này, anh theo học chuyên ngành Điêu khắc để không “đụng hàng” với bố, một họa sĩ Hội họa. Sau đó, anh sang Mỹ theo học nghệ thuật tại Đại học California - Los Angeles (UCLA) và tiếp tục nâng cao trình độ lên Thạc sĩ tại Trường Nghệ Thuật Tạo Hình (School of Visual Art - New York). Điều khác biệt là anh không còn theo học Điêu khắc đơn thuần, mà bắt đầu làm quen với các loại hình nghệ thuật đương đại khác.
Vào quãng những năm 2000, lúc này ở Việt Nam cũng đang nổi lên các dự án nghệ thuật có yếu tố đương đại. Là một người được đào tạo ở Mỹ về loại hình nghệ thuật mới này, Nguyễn Trần Ưu Đàm đã có những chuyến về Việt Nam, tham gia các buổi tọa đàm, trò chuyện cùng người yêu nghệ thuật trong nước. Trong mỗi chuyến bay quay về Mỹ, nghệ sĩ có cảm giác hụt hẫng, nhớ nhung quê nhà mỗi khi máy bay đến Đà Nẵng và đổi hướng ra biển Đông để sang đường bay quốc tế. Đến năm 2013, anh quyết định sẽ trở về Việt Nam lâu hơn, song song với việc tham gia các hoạt động nghệ thuật quốc tế.
![]() |
Tác phẩm sử dụng khí thải xe máy làm chất liệu của Nguyễn Trần Ưu Đàm. |
Trở về Việt Nam, tác phẩm đầu tiên anh thực hiện lại đến từ cảm giác sốc khi tham gia giao thông của một người sống lâu năm ở nước ngoài. Mật độ phương tiện cá nhân dày đặc, xe cộ ken nhau chật cứng trên đường làm anh thấy sợ dù chỉ là ngồi sau xe máy. Chính hoàn cảnh ấy đã làm anh nảy ra ý tưởng sẽ làm một tác phẩm video art mang tên “Vũ điệu của những kỵ sĩ máy”. Anh sử dụng áo mưa, kẹp giấy và dây chun để kết nối 26 người lái xe máy. Họ sẽ cùng nhau chạy vòng quanh trên đường trong sự giằng kéo giữa người này với người kia để làm sao di chuyển mà không bị ngã. Dưới con mắt người xem, có thể hiểu đây là một thử nghiệm về sự liên hệ giữa một cá nhân với cộng đồng của mình, mỗi cá nhân là một mắt xích tạo nên xã hội.
Video đầu tiên đấy đánh dấu sự trở lại của Ưu Đàm tại Việt Nam, hòa nhập cùng cuộc sống đang đổi thay tại TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, anh làm tác phẩm “License 2 Draw” cho phép người xem trên toàn cầu sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng L2D để điều khiển robot L2D, máy bắn tia laser L2D, và tượng điêu khắc L2D từ xa. Tác phẩm là hình thức nghệ thuật phù hợp nhất cho công chúng trong thời kì Covid-19. Người xem có thể vẽ trong suốt thời gian triển lãm mà không cần đặt chân vào bảo tàng. Các ứng dụng như Zoom cho phép người tham gia buổi vẽ tương tác theo thời gian thực từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nơi chốn của người tham gia cũng sẽ được đánh dấu trên bản đồ trực tuyến L2D một cách sinh động.
Tác phẩm này là một phần trong triểm lãm Fictive Communities Asiado Makiko Hara giám tuyển, được tổ chức bởi NPO Koganecho Area Management Center và các đối tác, sau đó triễn lãm tại Asia Pacific Triennale lần thứ 8 tại Australia và Singapore Art Museum - Imaginarium và đoạt giải thưởng Jury Prize của Japan Media Art Festival.
Luôn hy vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nghệ thuật Việt Nam
Tiếp sau đó, Ưu Đàm sáng tạo không ngừng nghỉ, các ý tưởng đến với anh có thể rất tình cờ. Mỗi khi dừng lại ở một ngã tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh có cảm giác như đang bị trôi vào trong một giấc mơ, ở đó anh đang tắm trong một cơn lốc các dòng khí thải từ hàng trăm xe máy vây quanh mình. Anh tưởng tượng chúng là những con mãng xà bằng khí bay qua, vút lên và lao xuống, lượn vòng quanh rồi cuối cùng chui vào người anh. Rồi anh nghĩ đến những con mãng xà đã giết nhà tiên tri Laocoon trong cuộc chiến thành Troy, thần thoại “Khuấy biển sữa” (thuyết tạo ra vũ trụ bằng cách kéo thần rắn quanh núi của đạo Hindu), và công cuộc xây tháp Babel mới nhất của loài người chúng ta. Nghệ sĩ thấy những điểm kết nối những câu chuyện trên lại với nhau.
![]() |
Tác phẩm đầu tiên Nguyễn Trần Ưu Đàm thực hiện khi trở về Việt Nam sinh sống và lập nghiệp - “Vũ điệu của những kỵ sĩ máy” |
Lấy khí thải làm chất liệu, anh giữ nó lại bằng cách sử dụng những tác phẩm điêu khắc bằng nhựa tự chế. Anh dùng những tấm nylon nhiều màu sắc tạo hình thành những ống dài, đồ gia dụng, quần áo, giày, găng tay, khối lập phương… Sau đó, anh dàn dựng và quay phim những màn trình diễn ngắn với hàng trăm người chạy xe máy đeo những tác phẩm được bơm phồng trong các bối cảnh khác nhau. Anh quan tâm đến cách chúng ta được kết nối ở tầm vi tế nhất thông qua chất thải độc hại. Mỗi khi hít phải khí thải từ xe máy xung quanh mình, các tài xế khác cũng sẽ hít phải khí tương tự từ xe của ta. Chất độc ấy dịch chuyển sâu vào trong mỗi con người, đến mức một ngày nào đó chúng ta sẽ có liên kết gen di truyền với người ta yêu. Khi đó, những mã gen đột biến của ta sẽ hiệp đồng với một mã gen khác để tạo ra một dạng thể người mới. Điều này được thể hiện trong phân cảnh Bạn Chàng/Nàng Kết nối. Trong cảnh này có hai chiếc xe gắn máy được đặt trong hai ngôi nhà cách nhau một con hẻm. Trên mỗi chiếc xe có một người lái, được kết nối với người còn lại thông qua một mãng xà - bong bóng dài 60m đi từ sân nhà lên tầng trên, lên mái và gặp nhau giữa không trung. Camera sau đó đi dọc chiều dài bong bóng, chuyển từ chiếc xe này sang chiếc xe kia ngoạn mục.
Các ý tưởng có thể đến với Ưu Đàm một cách tình cờ nhưng chưa bao giờ là ngẫu nhiên. Bởi hoàn cảnh chỉ đưa đẩy để nghệ sĩ quyết định thực hiện tác phẩm, còn trước đó là quá trình tích lũy kiến thức bằng việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu, nung nấu ý tưởng, quan sát các sự vật, hiện tượng. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người về các tác phẩm có hình thức thể hiện mới như sắp đặt, video art… khó có chuyện bán mua, tác phẩm của Nguyễn Trần Ưu Đàm lại nhận được sự đầu tư mạnh tay của các nhà sưu tầm ở nhiều độ tuổi và nhiều quốc gia.
Theo Nguyễn Trần Ưu Đàm, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang ở giai đoạn tốt hơn bất cứ lúc nào. Nhiều nghệ sĩ chất lượng nhất. Các tác phẩm được triển lãm tại các không gian tốt nhất thế giới. Trong các bộ sưu tập uy tín nhất thế giới. Có nhiều bảo tàng tư nhân nhất. Những nhà sưu tập ở nhiều thế hệ nhất. Anh nghĩ rằng, sẽ tuyệt vời biết bao khi có sự đầu tư dài hạn và mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền vào nghệ thuật. Khi đó, lực của nghệ thuật đương đại Việt Nam sẽ nhân lên gấp bội. “Tôi đang tưởng tượng đến một Việt Nam Pavilon ở Venice Biennale, một Vietnam art fair/ Biennale, các giải thưởng cho các nghệ sĩ tham gia các Biennale hay Triennale lớn của thế giới. Nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm. Và một nền nghệ thuật cần sự chung tay của rất nhiều người mà tôi đã nói ở trên. Khi đó, nghệ thuật Việt Nam sẽ cất cánh mạnh mẽ. Hãy bay. Đã đến thời khắc Việt Nam”, Nguyễn Trần Ưu Đàm tin tưởng.