- NSND Kim Xuân trải lòng về cuộc hôn nhân có lúc sóng gió tưởng như không vượt qua được
- NSƯT Tố Nga: Nếu không đa tình hát sẽ không hay
- Phóng viên: Chào NSND Quốc Hưng, nghe anh hát nhạc xưa “tình” quá nên nhiều người rất ngỡ ngàng. Một vài người bạn của anh tiết lộ, thật ra anh hát dòng nhạc này từ rất lâu rồi, chỉ là tới giờ mới chịu làm album thôi, có phải vậy không?
- NSND Quốc Hưng: Quả thật ngày trẻ, khi còn là sinh viên trường nhạc, tôi đã đi nhiều nơi hát dòng nhạc này rồi. Ngày đó nghèo, mình đi hát để có tiền trang trải cuộc sống chứ cũng chưa thẩm thấu gì nhiều. Nhờ hát nhạc tình ở những phòng trà, tụ điểm âm nhạc quanh Hà Nội mà tôi cũng có nguồn thu nhập để tự lo thân. Thế nên, nói đúng ra thì nhạc tình gắn với tôi ngay từ những ngày đầu mới chập chững bước lên sân khấu. Có điều, các thầy trong trường như thầy Quang Thọ, thầy Trần Hiếu… không hài lòng với việc học trò của mình đi hát ở ngoài vì sợ hỏng kỹ thuật thanh nhạc được học trong trường. Tuy không hẳn là cấm, nhưng tôi hiểu các thầy không muốn chúng tôi ra ngoài hát nhạc xưa mà chỉ muốn chúng tôi hát dòng nhạc thính phòng cổ điển, các ca khúc kinh điển của âm nhạc Việt Nam.
NSND Quốc Hưng trong buổi ra mắt album “Gửi dĩ vãng” |
- Khi đó anh có dám thắc mắc hay chống lại ý muốn của các thầy không?
- Không! (cười). Thật ra các thầy không cấm. Thầy Trần Hiếu, thầy Quang Thọ muốn trau dồi cho học trò chúng tôi kiến thức cơ bản tốt nhất, để nắm bắt tốt mới đi ra ngoài hát. Các thầy không nói rõ là “tôi cấm nhé”, nhưng trong thâm tâm thì các thầy muốn chúng tôi đi đâu hát cũng phải trưng ra được kỹ thuật và chuẩn mực, nếu không cẩn thận mà “chạy sô” khắp nơi thì sẽ làm mai một những gì được dạy ở trên lớp.
- Cũng từ đó, anh ít “chạy sô” ở các tụ điểm âm nhạc là để chiều ý các thầy phải không?
- Sau này tôi không đi hát ở các quán xá, tụ điểm âm nhạc nữa cũng là để tập trung cho việc học nhạc thính phòng cổ điển. Rồi đến khi học xong, được giữ lại làm giảng viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) thì tôi lại tập trung vào việc dạy học, trau dồi kiến thức để truyền đạt lại cho các thế hệ học trò kế tiếp. Bây giờ, khi đến một độ tuổi nào đó, tôi mới lại muốn quay trở lại hát những tác phẩm ngày xưa. Còn để đi theo con đường này lâu dài thì tôi chưa dám chắc, mọi việc đều là mối duyên. Vả lại, tôi nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu có hương thơm thì nhiều người ắt sẽ muốn thưởng thức nó thôi.
- Đã định vị được chỗ đứng rất cao trong làng nhạc thính phòng Việt Nam, giờ lại quay về hát nhạc xưa, anh có e ngại lâu không hát nhạc tình thì sẽ khó có được sự thả lỏng, mềm mại của dòng nhạc này không?
- Chắc muốn nói về cảm xúc đúng không? Tôi thì nghĩ, dù hát ở dòng nhạc nào cũng đều cần phải có cảm xúc mới có thể truyền cảm được. Với riêng tôi, khi quay lại hát nhạc tình, tôi không phải tiết chế kỹ thuật nhiều mà cứ hát một cách tự nhiên như hơi thở của mình vậy. Có những ca khúc tôi nghĩ là mình đang hát cho chính mình, kể về câu chuyện của mình. Vì thế, tôi hoàn toàn không phải gồng lên để cân bằng cảm xúc và kỹ thuật gì cả. Bên cạnh đó, dù hát nhạc xưa, nhạc tình hay nhạc thính phòng cổ điển thì người nghệ sĩ cũng đều cần phải biết cân bằng giữa học thuật và cảm xúc.
- Nghĩa là anh làm chủ được cảm xúc trong cuộc chơi với nhạc tình lần này?
- Nhiều ca khúc nhạc tình rất giàu nhạc tính và chất liệu nghệ thuật ẩn chứa trong đó. Thể hiện ra chất những tác phẩm này không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người hát phải có cảm xúc âm nhạc tràn đầy, phải có tâm hồn lãng mạn, phải biết biến âm nhạc thành một cuộc rong chơi do mình chủ động. Thậm chí, không ít ca khúc giống như khuôn khổ một bản Romance lãng mạn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có kỹ thuật thanh nhạc mới chinh phục được. Chẳng hạn như “Nửa hồn thương đau” trong album này. Vì vậy, việc thể hiện những tác phẩm trữ tình thuộc dòng nhạc tình lãng mạn cũng góp phần bồi đắp thêm cho tâm hồn người nghệ sĩ những cảm xúc mới.
- Anh tự thấy mình hát nhạc tình với tâm thế nào, cảm xúc hoàn toàn hay vẫn có sự trưng trổ kỹ thuật thanh nhạc ở trong đó?
- Từng có kinh nghiệm đi hát nhạc trữ tình nên giờ trở lại với dòng nhạc này tôi không gặp nhiều khó khăn. Tôi hát với một trái tim thổn thức chứ không phải sáo rỗng đâu. Thật sự với bất cứ thể loại nào, người nghệ sĩ cần song hành giữa cả kỹ thuật và tình cảm. Họ phải hiểu được lời bài hát, ý tứ của nhạc sĩ để khi thể hiện, mỗi lời ca đều chạm đến tâm can của khán giả, đó mới là quan trọng. Khi thực hiện album, tôi rất chi tiết. Chỉ cần hát một câu lệch khỏi mạch cảm xúc của toàn bài là tôi thu lại ngay lập tức. Nên khi thưởng thức album này, khán giả sẽ thấy tình cảm dạt dào từ đầu đến cuối, không có ca khúc nào bị nhàm hay trôi đi. Bài hát nào cũng sẽ để lại những dư vị nhiều lắng đọng.
- Album có tựa đề “Gửi dĩ vãng”, nghe có vẻ hoài niệm và chất chứa nhiều tâm sự. Có bao nhiêu phần trăm câu chuyện và cảm xúc thật được anh gửi gắm ở trong đó?
- Quả thật mỗi tác phẩm kể trên đều chất chứa tâm hồn thổn thức. Mỗi tác phẩm đều đánh dấu tên tuổi và câu chuyện thương đau của một vị nhạc sĩ. Ví dụ như câu chuyện buồn phía sau bài hát “Nửa hồn thương đau” của nhạc sĩ Phạm Đinh Chương (phổ thơ Thanh Tâm Tuyền) là câu chuyện đau đớn của một mối tình. Tôi nghĩ là trong cuộc đời, ai cũng có những tình yêu đơn phương hoặc những đổ vỡ khiến lòng đầy khổ đau, dằn vặt, nuối tiếc. Tôi cũng có những chuyện tình như thế trong quá khứ. Tuy nhiên, vì chuyện tình đó đã qua lâu rồi, tâm hồn mình cũng không còn đau thương nữa nên khi bước vào phòng thu, nhiều bài hát cũng gây khó cho tôi về mặt cảm xúc. Nhiều lần, trước khi bước vào phòng thu, tôi cùng nhạc sĩ Kiên Ninh (người đảm nhận toàn bộ phần thu âm của album - PV) ngồi uống với nhau ly rượu rồi trò chuyện về tác phẩm và dành một khoảng lặng cho riêng mỗi người. Chỉ khi thấy đủ ngấm và sẵn sàng chúng tôi mới bắt đầu vào thu.
- Anh nói thế có sợ bà xã nghe được lại chạnh lòng hay ghen không?
- Không đâu! (cười). Thật ra vợ tôi là người hiểu tôi nhất nên chẳng bao giờ tò mò về quá khứ của tôi cả. Vợ chồng tôi đôi khi hay tranh luận về nhiều chuyện, nhưng rất tôn trọng góc riêng trong cuộc sống mỗi người. Cô ấy còn rất ủng hộ tôi làm sản phẩm âm nhạc lần này. Nói vậy chứ cũng có lúc nghe tôi hát mấy bài trong album, cô ấy quay sang hỏi vui: “Chắc là anh lại đang nhớ em ngày nào xưa đúng không, nên mới hát thổn thức, nức nở thế chứ?”.
- Vậy thật ra là anh có hát về chính mình trong đó không?
- Thú thật, lúc hát thì mình phải đặt cảm xúc vào đó, hồi tưởng lại những việc đã xảy ra trong quá khứ, có cả những ký ức yêu đương ngày xưa. Nhưng tôi chỉ xem đó là chất xúc tác giúp mình làm dày thêm cảm xúc mà thôi. Vợ nói thế, tôi chỉ biết cười rồi giải thích: “Nghệ sĩ mà! Ai hát những bài này mà thổn thức, nức nở một chút lại bị nghĩ rằng đang nhớ người này, nghĩ đến người kia”. Đúng là thời trẻ, tôi cũng có những lúc tương tư nhưng không được đáp lại. Hoặc có những mối tình đứt gánh, dở dang. Nhiều lúc tôi tự trách mình, không rõ tôi đã làm gì sai trong những chuyện tình đó. Nhưng có lẽ, phải đủ trải nghiệm thì mới hình thành nên độ chín muồi trong cảm xúc của ngày hôm nay, để những bản tình ca thể hiện được trọn vẹn hơn.
- Anh định sẽ tiếp tục hát nhạc tình hay chỉ dừng lại ở lần rong chơi này thôi?
- Tôi không có ý sẽ theo con đường này mà cứ để mọi thứ thuận duyên theo tự nhiên. Nếu có nhiều người yêu thích và muốn tôi biểu diễn dòng nhạc này thì tôi luôn sẵn sàng. Tôi nhận ra rằng, ở tuổi này, khi đã đi qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, tôi hát dòng nhạc này nhiều cảm xúc hơn. Mỗi khi hát, tôi sẽ lấy chính câu chuyện tình yêu của mình hoặc câu chuyện tình yêu mà tôi chứng kiến để đẩy cảm xúc lên cao nhất.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!