Nghề ràng buộc lẽ sống và bổn phận

ANTD.VN - Nghề dạy học là một nghề vất vả mà không ồn ào. Có đổ mồ hôi, thức khuya dậy sớm, có lao tâm khổ tứ như nhiều nghề khác song, nghề dạy học có một đặc điểm riêng là: Có rất nhiều ràng buộc về lẽ sống và bổn phận. 

Nghề ràng buộc lẽ sống và bổn phận ảnh 1Giáo viên bám bản dạy chữ vượt qua được nhiều khó khăn là nhờ tình yêu nghề, yêu trẻ 

Ví như, ở người thầy, được học trò và các bậc phụ huynh coi là cha, là mẹ của học trò do ơn sâu nghĩa nặng, tình cảm của các thầy giáo, cô giáo dành cho học sinh. Nhiều người ở nước ta từ xưa, từ dân thường đến các bậc danh nhân - người có vị trí cao trong xã hội, khi thầy học mất đã để tang như chịu tang bố, mẹ đẻ. Bổn phận của thầy càng nặng nề, thì sự trọng vọng, kính nể của học trò và nhân dân dành cho vị trí người giáo viên càng cao.

Ai đã từng và đang dạy học đều không quên điều này: Trước học sinh, người thầy cần phải luôn luôn gương mẫu. Gương mẫu ngay trong đời sống thường ngày, kể cả với tình yêu. Sẽ không được dư luận ủng hộ và sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ của người thầy nếu thầy (hay cô) lại yêu học sinh, có quan hệ luyến ái với học trò ở trong lớp của mình dạy. Có việc không nên làm, không nên để xảy ra (ví như say rượu, nói năng tục tĩu, ăn mặc nhếch nhác, đầu tóc bù xù, hành vi buông tuồng...) trước mặt học trò. Nên từ lâu, các nhà giáo đã được coi là người mô phạm, không chỉ vì học sinh mà cho chính mình.

“Trăm sự nhờ thầy cô” - ấy là lòng tin của những người làm cha, làm mẹ khi dắt con đến trường, bởi vì: “Không thầy, đố mày làm nên”. Nhất cử nhất động, lời nói và lời giảng trên lớp của thầy, cô giáo đều gây dấu ấn, ghi sâu vào trí óc học trò - nhất là với trẻ nhỏ.

Sự ràng buộc ấy có thể coi như một đức khổ hạnh - sự hy sinh những ham muốn riêng của nhà giáo vì nghề dạy học, vì học sinh. Có những điều rất nhỏ như thầy giáo trước khi vào lớp nếu đội mũ thì bỏ mũ, không thả áo ra ngoài quần (trừ áo sơ mi ngắn tay, 4 túi), không đi dép lê, dù đang có việc riêng đau đớn, buồn rầu, tức giận... vẫn cố giữ vẻ điềm đạm, bình thường chứ không vì thế mà “trút nỗi niềm” sang học trò. Cuộc sống tưởng như bình lặng, yên ả của người giáo viên vì thế mà cứ phải luôn luôn tự dẹp những cơn sóng lòng để mang đến cho học sinh những bài học mới, điều hay lẽ phải qua từng tiết học.

Cũng từ lâu, người giáo viên được tôn vinh là người “kỹ sư tâm hồn”, được ghi ơn: “Sinh ra ta là cha mẹ, dạy cho ta nên người là thầy”.

Không ai đếm được hết những tấm gương tận tụy, tận lòng của các bậc thầy học, nhà giáo từ xưa đến nay ở nước ta. Những năm kháng chiến chống Pháp, lớp lớp thanh niên theo học trường Sư phạm đều mang trong tim mình một bài ca: "Bài ca sư phạm" để luôn tự nhắc nhở bổn phận, nghĩa vụ của mình. Đất nước có chiến tranh, nhiều thầy giáo trẻ và ở tuổi trung niên đã cầm súng ra trận. Hòa bình được lập lại, nhiều thầy, cô đã sống cuộc sống giản dị, một lòng vì nghề, vì học sinh thân yêu cho dù mức sống không dư dật.

Bài ca sư phạm, có thể chỉ là một cách ví von, dấu ấn của một thời, nhưng ý chí, tâm tư, tình cảm với nghề dạy học thì vẫn còn đó, trước sau như một. Tổ quốc, dân tộc có truyền thống hào hùng thì nghề dạy học cũng có truyền thống tận tâm để đáp lại truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của nhân dân Việt Nam ta.

Một trong những cây đại thụ của ngành Giáo dục - Đào tạo và các bậc cùng thời với người là thầy Nguyễn Lân -  một nhà giáo có công lớn với đất nước, có nhiều học sinh nối theo nghề của thầy. Nhiều học trò của cụ là những nhà giáo, nhà khoa học tự nhiên và xã hội, nhà văn, nghệ sĩ. Không có học sinh nào của cụ là không mang niềm kính trọng, nói lời hàm ơn.

Có biết bao giáo viên qua các thời điểm của đất nước ở dưới xuôi lên miền núi, ra đảo dạy học. Hàng nghìn cô giáo dạy nơi vùng cao dành trọn thời con gái và hơn nữa cho nghề, cho học sinh nơi các dân tộc ít người. Mang “cái chữ” lên núi là mang cả tấm lòng và cuộc đời mình lên đấy. Sống nơi thành thị, các thầy, các cô cũng phải bươn chải lắm. Dù thế nào chăng nữa, ngoài người giáo viên, không ai thay thế nổi đội ngũ ngày mỗi đông thực hiện nghĩa vụ đào tạo cho thế hệ trẻ - lớp trẻ biết học và biết làm người có học vấn, có đức, có tài để phụng sự đất nước, tự hoàn thiện mình.

Trước khi có ngày 20 tháng 11, dân ta đã có “ngày thầy học” đã thành ân nghĩa:

“Mồng một tết cha

Mồng mai tết mẹ

Mồng ba tết thầy...”

Dòng chảy ấy đã tạo nên “Bài ca sư phạm” cho mọi thế hệ, lớp lớp giáo viên ở nước ta để làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch: “Đào tạo thế hệ đời sau cho đất nước...”.