Nghề nào rủi ro sức khỏe nhất?

ANTĐ - Công việc có thể chi phối nhiều đến thể chất và tinh thần của chúng ta, đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng làm gì để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực? Đạt được cân bằng về niềm tin và sức mạnh cá nhân trong cuộc sống, đó là một phương châm có thể bạn thấy tâm đắc. Cụ thể hơn là gì? Là không ai chỉ biết 8 tiếng ngồi lỳ bên bàn làm việc, trong lịch trình kín hàng tuần, hãy sắp xếp thời gian dành cho gia đình, bạn bè và thời gian cho chính mình như tập thể dục, tận hưởng sở thích riêng…

Nhân viên ngân hàng đầu tư và kiệt sức. Theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Nam       California, Mỹ đối với 20 nhân viên ngân hàng đầu tư trẻ tuổi ở thị trường chứng khoán Phố Wall chuyên làm việc từ 80 đến 120 giờ một tuần (bắt đầu từ khoảng 6h sáng đến nửa đêm), các nhà nghiên cứu thấy rằng thời gian trôi đi, nguy cơ về các vấn đề sức khỏe như nghiện rượu, viêm khớp và bệnh Crohn của họ tăng lên. Một nhà tâm lý học lâm sàng ở New York nhận xét: Nhân viên ngân hàng dễ gặp vấn đề tâm thần và kiệt sức vì công việc luôn có thay đổi bất ngờ. Chỉ mới năm ngoái, một nghiên cứu của Đại học Concordia trên tạp chí Y tế công cộng BMC cho thấy, có tới 26% những người có công việc căng thẳng cao độ phải tìm đến chuyên khoa để điều trị bệnh có liên quan đến stress.

Công việc “đứng” và bệnh thấp khớp. Viêm khớp chân có thể là nguy cơ sức khỏe cho những người phải đứng rất nhiều khi làm việc, trong đó có đội ngũ giáo viên vì họ hầu như phải đứng cả ngày. Vì vậy, những người phải đứng nhiều nên lựa chọn đôi giày thoải mái, phụ nữ không nên đi giày có gót quá cao vì giày cao gót tạo áp lực lên các khớp xương bàn chân. Một thực tế là, đứng quá lâu cũng như các yếu tố khác như thừa cân, gót chân quá thấp hay quá cao đều tăng nguy cơ viêm khớp, tạp chí Viêm khớp Ngày nay khẳng định.

Quân nhân và stress. Trong bảng xếp hạng CareerCast.com năm 2012 này về các công việc căng thẳng nhất, quân nhân đứng ở trên đầu, dựa trên các yếu tố như yêu cầu thể chất, rủi ro đối với tính mạng của họ cũng như người khác, sự cạnh tranh, hạn chót phải hoàn thành… Trong bảng xếp hạng này, nhân viên cứu hỏa đứng thứ 2, ngay trên vị trí của nghề phi công.

Vũ công và ly hôn. Tạp chí Sức khỏe Đàn ông (Men’s Health) từng dẫn dữ liệu điều tra dân số đến năm 2000 do trường Đại học Radford phân tích, nghề vũ công ở Mỹ có tỷ lệ ly hôn cao nhất, chiếm 43%. Đáng ngạc nhiên là có những nghề hầu như không chứa độ rủi ro cao nhưng lại dẫn đầu danh sách, đó là thợ lợp mái có tỷ lệ ly hôn 27%, thủy thủ có tỷ lệ ly hôn 26%.

Làm việc nơi công trường và bệnh về phổi. Website Health.com cảnh báo, người lao động phải hít bụi nơi công trường xây dựng dễ có nguy cơ mắc bệnh về phổi như asbestosis (bệnh phổi phát sinh do hít phải hạt amiăng), ung thư hay u trung biểu mô. Còn theo Đại học  Oregon, thực tế, bệnh phổi đứng đầu về bệnh nghề nghiệp. Các triệu chứng bao gồm đau thắt ngực, ho, khó thở, thở bất thường, do tiếp xúc lâu dài với môi trường bụi hoặc tiếp xúc ở thời điểm đặc biệt nguy hiểm.

Chăm sóc người bệnh và trầm cảm. Những người chuyên chăm sóc cá nhân, ví dụ nhân viên nhà dưỡng lão bị trầm cảm nhiều nhất. 10% lao động trong lĩnh vực này có một giai đoạn trầm cảm, so sánh với tỷ lệ 13% người thất nghiệp và 7% dân số nói chung. Ở một cuộc khảo sát khác của Caring. Com, hãng tin Reuters cho biết, cứ 4 người chăm sóc người thân hay bạn bè ốm nặng thì có 1 người bị trầm cảm.

Người làm ca và vấn đề về giấc ngủ. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy vấn đề sức khỏe chủ yếu của người làm việc theo ca là giấc ngủ. Những người làm việc theo giờ giấc phi truyền thống thường bị rối loạn giấc ngủ, biểu hiện là làm việc nhưng không có năng lượng, đau đầu và khó tập trung, từ đó, tăng nguy cơ sai sót trong công việc, xảy ra tai nạn, tâm trạng thất thường, hay nghỉ ốm…