Ngân vang trong nắng Ba Đình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Tôi cược rằng, hễ ai đã sống và đã đến Hà Nội dù chỉ một lần, đều tới thăm quảng trường Ba Đình. Đó là lịch sử nước Việt, đó là niềm tự hào của người dân Việt và hơn hết, quảng trường Ba Đình trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam là “trái tim của dân tộc”.

Dấu ấn lịch sử

Hà Nội vào thu. Quảng trường Ba Đình như mênh mang hơn, lộng gió hơn và cảm giác như lâng lâng với bao niềm hân hoan. Tôi nhắm mắt và tưởng tượng ra hình ảnh trên quảng trường này buổi sáng 2-9-1945. Trên kỳ đài Độc lập, Chủ tịch của nước Việt Nam mới Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tôi chắc chắn rằng những người có mặt tại quảng trường Ba Đình sáng hôm ấy là những người hạnh phúc nhất, là những người mang mãi niềm hạnh phúc, tự hào đó đi suốt 2 cuộc trường chinh của dân tộc.

Lần theo dòng thời gian, khu vườn nằm ở phía Tây thành Thăng Long là một phần của Hoàng thành. Với việc chọn khu vực phía Tây kinh thành làm “khu vườn Thượng uyển” quả là các bậc tiền nhân có con mắt tinh đời. Sự thấu đáo về nhìn nhận thiên văn, địa lý ấy cho đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, và chính giá trị đó đã làm nên lịch sử, văn hóa. Khu vực này thời xa xưa có một gò đất cao được gọi là núi Khán (hay Khán Sơn). Chuyện xưa còn kể lại rằng, trên núi Khán Sơn có một ngôi nhà ngói gọi là Khán Sơn đình, là chỗ hội họp của các văn nhân. Có thời kỳ nơi đây thường xuyên là điểm sinh hoạt văn hóa của nhân sĩ Bắc Hà. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, khu vực này được các kiến trúc sư Pháp quy hoạch để xây dựng trung tâm hành chính của Liên bang Đông Dương. Núi Khán bị san bằng, một vườn hoa nhỏ được xây dựng tạo thành quảng trường rộng lớn được đặt tên là vườn hoa Puginier. Ở đó do là điểm giao cắt với nhiều tuyến đường mà người Pháp mở nên có một vòng xoay. Có lẽ vì như vậy mà người Hà Nội xưa thường gọi là “quảng trường vòng xoay” (hay “quảng trường tròn”).

Các đơn vị giải phóng quân tại quảng trường Ba Đình trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2-9-1945

Các đơn vị giải phóng quân tại quảng trường Ba Đình trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2-9-1945

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người Việt, Nhật Bản tuyên bố công nhận độc lập cho Việt Nam. Một chính phủ của người Việt do Nhật Bản hậu thuẫn được thành lập ngày 20-7-1945 do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng đại diện Đế quốc Việt Nam. Bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Đốc lý Hà Nội (Thị trưởng). Vốn là một trí thức có tinh thần dân tộc, ngay sau khi nhận chức, ông Trần Văn Lai đã quyết định đổi tên một loạt đường phố từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (lấy theo tên của các vị anh hùng, danh nhân Việt Nam). Ví dụ như đường Garnier đổi thành phố Đinh Tiên Hoàng, đường Boulevard Carnot đổi thành phố Phan Đình Phùng... Và vườn hoa Pugininer trước Phủ Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch) được đổi tên thành vườn hoa Ba Đình để kỷ niệm vùng Ba Đình ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình chống thực dân Pháp do Đinh Công Tráng lãnh đạo, kéo dài từ tháng 9-1886 đến 1-1887). Danh xưng quảng trường Ba Đình (hay vườn hoa Ba Đình như cách gọi dân dã của người Hà Nội) ra đời từ đó và danh xưng ấy trường tồn cùng đất nước.

Tháng 9 tự hào

Cách đây chừng 1 tháng, trong lần tham dự Trại sáng tác Đà Lạt, tôi tình cờ được gặp họa sĩ Ngô Thành Nhân. Câu chuyện đồng hương giữa tôi và ông Nhân (quê chúng tôi ở thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mau chóng chuyển sang chủ đề lịch sử. Theo đó, chính quyền mới mà nhân dân ta vừa giành được ngày 19-8-1945 đã dự tính có một buổi lễ ra mắt Chính phủ lâm thời, đồng thời tuyên cáo với đồng bào cả nước, tuyên bố với thế giới về sự hiện diện của Nhà nước Việt Nam mới. Buổi lễ đó đã được định vào sáng 2-9 tại quảng trường Ba Đình.

Để có một buổi lễ trang trọng, nghiêm túc và phù hợp với điều kiện hiện tại, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (cha của họa sĩ Ngô Thành Nhân), một trí thức đi theo cách mạng từ năm 1943, được giao nhiệm vụ làm thiết kế và giám sát thi công lễ đài Độc lập. Họa sĩ Ngô Thành Nhân không giấu được niềm tự hào kể: “Lễ đài được cha tôi thiết kế với vật liệu chủ yếu là gỗ và đinh sắt, bao quanh lễ đài là những trang trí bằng vải, việc thi công do huy động quần chúng. Cha tôi cho hay, lễ đài đã nhanh chóng hoàn thành chỉ trong 48 giờ, từ ngày 30-8 đến 1-9-1945”. Chính trên lễ đài này, sáng 2-9-1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là Bản tuyên ngôn độc lập thứ 3, sau bản “Nam quốc sơn hà” đọc trên sông Như Nguyệt năm 1077 của Lý Thường Kiệt và bản “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi vâng mệnh Vua Lê Lợi thảo năm 1428. Họa sĩ Ngô Thành Nhân nói thêm: “Lễ đài được dỡ bỏ nhanh chóng ngay chiều ngày hôm đó”.

Nữ du kích, tự vệ giải phóng quân ở chiến khu về Hà Nội dự lễ độc lập, ngày 2-9-1945

Nữ du kích, tự vệ giải phóng quân ở chiến khu về Hà Nội dự lễ độc lập, ngày 2-9-1945

Tôi nhớ quãng năm 2000, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội thương thảo mua bản quyền bộ phim tài liệu “Ngày Độc lập” do các nhà làm phim Liên Xô sản xuất. Đó là bộ phim nhựa màu ghi lại đầy đủ quá trình nhân dân Hà Nội trang trí phố phường để chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ kháng chiến về lại Thủ đô. Bộ phim cũng phản ánh đầy đủ buổi lễ trọng thể đó tại quảng trường Ba Đình lịch sử vào sáng 1-1-1955. Điều tự hào đối với người Hà Nội là sáng hôm đó được tham gia mít tinh và chứng kiến cuộc duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, mừng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về Thủ đô. Có một câu chuyện kể rằng, để tiếp quản Thủ đô, Ủy ban hành chính Hà Nội đã đề xuất sử dụng tên gọi là “Quảng trường Độc Lập”, nhưng Bác Hồ cho rằng vẫn giữ nguyên tên “Quảng trường Ba Đình” thì hơn.

Nhưng có lẽ đối với tôi, ấn tượng nhất và cũng vinh dự nhất là sáng 2-9-1975. Sáng hôm đó Ba Đình rực nắng, cờ đỏ sao vàng bay rợp trời Hà Nội, một cuộc diễu binh, diễu hành của quần chúng đã long trọng diễn ra trên Quảng trường Ba Đình. Trong những khối chiến sĩ được đứng trong quảng trường có khối của Trung đoàn 42 chúng tôi (thuộc Quân khu Tả Ngạn, nay là Quân khu 3). Vinh dự bởi từ trước đó, tháng 5-1975, Trung đoàn 42 được điều động về Hà Nội để tham gia xây dựng Lăng Bác. Công việc của những chiến sĩ trẻ chúng tôi là làm đường Hùng Vương, chỉ đơn giản thế thôi nhưng không có lần thứ hai nên anh em đều phấn khởi và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Quảng trường Ba Đình đã trở thành “trái tim Việt Nam” với các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước và Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là điểm đến tự hào của người Hà Nội nói riêng, của nhân dân cả nước nói chung. Đặc biệt, từ ngày 2-9-1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (hay như người dân Việt Nam thường gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến là “Lăng Bác”) được xây dựng tại vị trí của Kỳ đài Độc lập năm xưa, nơi Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Và sau đúng 2 năm nỗ lực xây dựng, ngày 2-9-1975, Lăng Bác đã hoàn thành..

Cũng trên quảng trường Ba Đình, mỗi sáng người dân Hà Nội thức dậy vào lúc ban mai lại được chào đón lễ thượng cờ Tổ quốc. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng thấm bao máu xương anh hùng liệt sĩ tung bay trong nắng thu vàng, lại thấy xiết bao thiêng liêng.