Nếu cháy, hết đường chạy!

ANTĐ - Hệ thống điện xuống cấp, khu sản xuất phát sinh nguồn nhiệt không được cách ly đảm bảo an toàn với kho chứa hàng, người lao động không được tập huấn về PCCC, lối thoát nạn không đảm bảo… là những vi phạm về PCCC ở nhiều nhà xưởng tại Hà Nội.

Những nhà xưởng… chờ cháy

Hàng hóa dễ cháy chất đống trong nhà xưởng, bịt kín lối thoát nạn

Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 272 làng nghề, với hàng trăm nhà xưởng sản xuất, hàng nghìn nhà xưởng tư nhân. Trong số các cơ sở trọng điểm về cháy nổ, nhà xưởng được đánh giá có nguy cơ cao, khả năng cháy lan lớn do nằm đan xen trong các khu dân cư.

Khảo sát của PV ANTĐ những ngày qua, tại một số nhà xưởng khu vực ngoài thành Hà Nội cho thấy, chủ các cơ sở sản xuất đều thờ ơ với “bà hỏa”. Ghi nhận của PV tại một xưởng sản xuất mút xốp, xã Phù Nghĩa, quận Hà Đông cho thấy nhà xưởng rộng khoảng 1.000m2, được chủ cơ sở tận dụng tối đa mọi ngóc ngách để kê máy móc, tập kết nguyên vật liệu, hàng hóa thành phẩm. Mút xốp nguyên liệu được chất đống, cao cả chục mét, sát trần nhà xưởng, vi phạm các quy định về lối thoát nạn. Xưởng có 2 cửa ra vào, nhưng thay vì được mở theo chiều thoát nạn từ trong ra ngoài, chủ xưởng lại tùy tiện lắp đặt cửa kéo, đẩy ngang. “Việc lắp đặt cửa đẩy ngang đã vi phạm quy định về cửa thoát nạn. Khi hỏa hoạn xảy ra, người mắc kẹt trong đám cháy không thể chạy nhanh ra ngoài với kiểu cửa này” - đại diện Phòng Cảnh sát PCCC Hà Đông cho biết.

Ngoài các vi phạm về lối thoát nạn, cửa thoát hiểm, hệ thống điện tại nhiều nhà xưởng cũng xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ chập cháy cao.

Nhà xưởng của doanh nghiệp tư nhân T.T, sản xuất mây tre đan, địa chỉ tại xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, là ví dụ điển hình. Nhà xưởng rộng khoảng 500m2, được xây dựng kết cấu tường gạch, vì kèo sắt lợp mái tôn đã xuống cấp, mái mục nát. Tầng 1 được chủ xưởng tận dụng tối đa diện tích để đặt máy móc và tập kết hàng hóa kín đặc, dành vỏn vẹn lối thoát nạn đủ 2 người đi. Tầng 2 - thực chất là khu gác xép cơi nới, chất đầy các vật dụng dễ cháy như: mây tre đan, thùng carton. Chỉ cần hỏa hoạn nhỏ xảy ra, lửa sẽ “nuốt” nhanh chóng toàn bộ nhà xưởng này, do vật liệu dễ cháy chất đống khắp nơi - một cán bộ PCCC cho biết.

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, hệ thống điện tại nhà xưởng đã xuống cấp, dây điện được đấu nối tạm bợ với máy móc. Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ là vậy, nhưng bình cứu hỏa ở xưởng sản xuất này nơi có, nơi không. Được biết, cuối năm 2010, xưởng sản xuất mây tre đan của doanh nghiệp tư nhân T.T, từng xảy ra hỏa hoạn tại khu vực lò sấy, nhưng kịp thời phát hiện nên không gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nguy cơ xảy cháy là vậy, nhưng chủ xưởng này vẫn coi thường “bà hỏa”.

Cháy lớn sẽ chết người

Vụ hỏa hoạn làm 13 người chết tại xưởng sản xuất giày da tư nhân, ở huyện An Lão, TP Hải Phòng, cuối tháng 7 vừa qua, khiến nhiều người lo lắng cho công tác PCCC tại các nhà xưởng trên địa bàn Thủ đô. Theo đại diện Sở Cảnh sát PCCC: Hà Nội hiện có 35 làng nghề: mộc, sơn mài, khảm trai, điêu khắc; 45 làng nghề: dệt may, thêu ren, với hàng chục xưởng sản xuất lớn nhỏ, vi phạm an toàn PCCC. Quá trình sản xuất, các cơ sở này sử dụng một lượng lớn dung môi để hòa tan dầu bóng, in hoa văn. Lượng dung môi trên không được bảo quản theo quy định, để gần các ổ cắm, cầu dao đấu nối tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy.

Nhà xưởng chật hẹp nên nguyên liệu sản xuất, hàng hóa thành phẩm được chất đống, che kín các cửa sổ lấy ánh sáng, chiếm dụng lối thoát nạn, trong khi các nhà xưởng không có đèn chiếu sáng sự cố, đèn hướng dẫn thoát nạn. Hỏa hoạn xảy ra, điện bị cắt, các nhà xưởng sẽ tối om. Người mắc kẹt sẽ xô đẩy nhau tìm đường thoát chạy. Trong môi trường khói độc, một người khỏe mạnh chỉ sống sót được 30 giây, sau đó sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát, tử vong - đại diện cơ quan PCCC phân tích. Nhiều nhà xưởng hiện nay được dựng theo kết cấu tường gạch, vì kèo sắt lợp tôn, khả năng chịu nhiệt kém. Sau khoảng 15 phút xảy cháy, kết cấu tường gạch, vì kèo sắt sẽ sập đổ khiến những người mắc kẹt không thể thoát thân.

Liên quan đến những vi phạm về PCCC tại các nhà xưởng trên địa bàn Hà Nội, Đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: Sở Cảnh sát PCCC đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổng kiểm tra an toàn PCCC các nhà kho, nhà xưởng trên địa bàn quản lý, kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở chủ các cơ sở khắc phục vi phạm. Với những cơ sở vi phạm nhiều lần, lực lượng chức năng sẽ kiến nghị UBND các cấp xem xét đình chỉ hoạt động, khi nào khắc phục xong mới cho hoạt động trở lại.