Hà Nội giảm 61 xã, phường: Không để người dân băn khoăn, bảo đảm chế độ cho cán bộ công chức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số lượng đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội dự kiến giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị (giảm 61 xã, phường). HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND TP tiếp tục tuyên truyền, vận động trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương của Trung ương, thành phố.

Số đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp lớn nhất cả nước

Kỳ họp thứ 16, HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 với 100% đại biểu có mặt tán thành, đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Theo đó, khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, số lượng đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội dự kiến giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hà Nội là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất cả nước (61 xã, phường/tổng số 624 xã, phường của toàn quốc, chiếm khoảng gần 10% số đơn vị hành chính cấp xã của toàn quốc sẽ giảm do sắp xếp đợt này). Sau sắp xếp các phường, 6 quận (Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Thanh Xuân) và thị xã Sơn Tây có đơn vị hành chính mới. Riêng quận Cầu Giấy chỉ điều chỉnh địa giới hành chính và dân số một số phường để phù hợp quy định, nhưng vẫn giữ nguyên số lượng và tên gọi các phường.

Người dân mong thành phố quan tâm, tạo điều kiện khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi giấy tờ tùy thân

Người dân mong thành phố quan tâm, tạo điều kiện khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi giấy tờ tùy thân

Quận Cầu Giấy điều chỉnh một phần phường Yên Hòa, Dịch Vọng vào phường Quan Hoa; một phần phường Nghĩa Đô, Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu vào phường Nghĩa Tân. Tại 12 huyện (Gia Lâm, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh) có 36 xã mới được sắp xếp từ 76 xã.

Quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư

Theo UBND TP Hà Nội, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến Hà Nội sẽ dôi dư khoảng 1.000 cán bộ, công chức. Việc sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên sẽ có tác động đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc tại những vị trí ổn định. Để tháo gỡ, các quận/huyện cần xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, có phương án sắp xếp linh hoạt, khách quan, thận trọng, nhân văn, vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng của cán bộ công chức, vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc. Sở Nội vụ cũng đã chủ động hướng dẫn các quận/huyện giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư gần đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng nghỉ trước tuổi, cán bộ có nguyện vọng thôi việc; với cán bộ chuyên trách đủ điều kiện tiêu chuẩn thì tuyển dụng làm công chức, còn lại không giải quyết được thì gộp nguyên trạng...

Hà Nội có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp, nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp là quận Hoàn Kiếm. Nguyên nhân do quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của Hà Nội. Quận có địa giới hành chính ổn định, hình thành trước năm 1945, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, gắn với truyền thống lịch sử hình thành của thành Đại La, Thăng Long, Đông Đô, của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Quy hoạch xung quanh hồ Hoàn Kiếm là một chỉnh thể có yếu tố đặc thù, kế thừa lịch sử, văn hóa, kiến trúc được chia ra làm 3 khu vực chính: Khu phố cổ, 4 khu vực hồ Gươm và phụ cận, khu phố cũ đã giữ hình thái ổn định từ năm 1990 đến nay. Từ năm 1995, Trung ương và Hà Nội đã phê duyệt 4 Đề án quy hoạch dành riêng cho khu vực này (1 quy hoạch của Bộ Xây dựng, 1 quy hoạch của thành phố, 1 quy chế quản lý và 1 quy hoạch phân khu) để khẳng định tầm quan trọng, vị trí đặc biệt cần bảo tồn, gìn giữ đối với khu phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm. Nếu thực hiện sắp xếp sẽ mất đi các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội trong thời gian tới.

Hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân

Là người cư trú trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chị Nguyễn Minh Ngọc (phố Dã Tượng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian trước, khi biết thông tin quận Hoàn Kiếm có thể bị sáp nhập, chúng tôi băn khoăn lắm. Quận Hoàn Kiếm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử riêng. Dù sáp nhập hay mở rộng, tôi lo ngại sẽ gây ra những thay đổi không mong muốn về yếu tố văn hóa. Nay thành phố thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương giữ nguyên quận Hoàn Kiếm, tôi nhiệt liệt ủng hộ. Cảm ơn thành phố đã lắng nghe ý kiến người dân”.

Quản lý chặt chẽ, không để lãng phí tài sản công

Là một trong những địa phương có số xã giảm nhiều nhất sau khi thực hiện sắp xếp, bà Bùi Thị Thu Hiền - Bí thư huyện Ứng Hòa cho biết, người dân bày tỏ sự đồng tình cao trên 80%. Sau sắp xếp huyện có hơn 140 cán bộ, công chức dôi dư, vì thế từ tháng 7-2023 huyện đã dừng kiện toàn chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND xã tại một số xã để chờ. Việc bố trí lại cán bộ tại những đơn vị hành chính đảm bảo đúng yêu cầu, nhất là quan tâm đến cán bộ trẻ và cán bộ nữ. Đồng thời chủ động tiếp nhận và quản lý chặt chẽ về đất đai, trụ sở, tài sản công.

Với những đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, thành phố đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng thời lấy ý kiến cán bộ, người dân địa phương sắp xếp từ trước đó nên bảo đảm sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Anh Nguyễn Văn Công cư trú ở phường Đống Mác (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tại quận Hai Bà Trưng, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Đống Mác và phường Đồng Nhân sẽ thành phường Đồng Nhân. Sau khi được giải thích về phương án sắp xếp, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi nghĩ việc hợp nhất hai phường sẽ tạo sự giao thoa, đa dạng về văn hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân”. Anh Nguyễn Văn Công cũng cho biết mình ủng hộ chủ trương của thành phố, nhưng mong thành phố lưu tâm đến các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi giấy tờ tùy thân của người dân.

Về vấn đề nhiều người dân quan tâm sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, trong giấy tờ tùy thân sẽ có thay đổi một số thông tin, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát, xây dựng lộ trình, kế hoạch, tạo điều kiện tốt nhất trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, giấy tờ của nhân dân.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, chủ trương của thành phố là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính có liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính. Thành phố sẽ có chỉ đạo cụ thể nội dung này trong thời gian tới. Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ thủ tục hành chính do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện theo cơ chế thành phố hỗ trợ toàn bộ.