- Sân khấu Thủ đô "mở tiệc" khai xuân
- Trưng bày 90 tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh mang hơi thở mùa xuân
- Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc": Phong vị Tết truyền thống các dân tộc Việt Nam
PV: Lễ dâng sao giải hạn đầu năm dù không có nguồn gốc từ Phật giáo nhưng vẫn được các chùa nhận làm lễ. Xin Đại đức giải thích về điều này?
Đại đức Thích Bản Tuệ: Các chùa vẫn nhận thực hiện nghi lễ này, dù dâng sao giải hạn không có nguồn gốc Phật giáo, có lẽ là bị đòi hỏi phải phục vụ tín ngưỡng vì tồn tại ở xóm làng thì phải theo tư tưởng của con người. Một phần khác là đã không mất lòng lại được lợi ích vật chất giúp xây dựng chùa chiền. Còn phần nữa là hình thức này trước đây khi chưa biến tướng còn là phương tiện để đưa người vào đạo, bước đầu thể giáo hoá con người để họ đạt được lý tưởng giải thoát của Phật giáo sau này.
Đại đức Thích Bản Tuệ, chùa An Biên, Hải Phòng
PV: Vậy lễ dâng sao giải hạn hiện nay các chùa đang thực hiện thực chất phải chăng là lễ cầu an đầu năm, thưa Đại đức?
Đại đức Thích Bản Tuệ: Trong quan niệm của người Á Đông, theo vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật. . . gọi là vận hạn. Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh, sẽ làm lễ dâng sao nghinh đón.
Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình: Trong chân lý nhà Phật không có việc giải hạn các sao. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Ở toà Tam Bảo, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên cúng Phật chứ không có nghi thức gì khác cả. Từ “giải sao” là cho dễ hiểu chứ không có lễ giải sao nào cả.
PV: Nhiều người đã đặt niềm tin vào lễ dâng sao giải hạn đầu năm với mong muốn sẽ bớt đi những đen đủi, khổ đau trong năm. Đại đức có cho rằng, niềm tin này đã đúng với giáo lý nhà Phật?
Đại đức Thích Bản Tuệ: Dâng sao nói đến việc nghinh sao tốt tiễn sao xấu. Sao tốt ám chỉ những điều như sức khoẻ, tiền bạc, niềm vui. Sao xấu ám chỉ tranh cãi, thị phi, tai nạn. Nếu chỉ nhờ việc cúng bái để mang đến tiền bạc, sức khỏe và tiễn đi tranh cãi thì đây là phi lý. Việc cúng bái này mang 2 ý nghĩa. Một là khiến cho con người hiểu và nhớ đến cái chí thiện, chí nhân, chí mỹ. Và ý thứ 2 là niềm mong mỏi của bất cứ ai về hạnh phúc và an lạc.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, con người phải có niềm tin vào bản thân, tin vào nhân quả, tin vào cuộc sống. Hạnh phúc không phải do tha nhân mà là chính sự kiểm soát tư tưởng, lời nói, hành động của mình. Đức năng thắng số, sống một lối sống lành mạnh sẽ mang đến thể chất tốt, chia sẻ, tha thứ yêu thương sẽ nuôi dưỡng 1 tâm hồn tốt. Những cái đó bản thân mình tự tạo ra mới được.
Người làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh ngồi tràn cả ra đường, làm ách tắc giao thông
PV: Gần đây, lễ dâng sao giải hạn tại một số chùa đã thu hút cả nghìn người tham gia, gây ra tắc đường và các vấn nạn về môi sinh. Đây có lẽ là mặt trái của nghi lễ này, thưa Đại đức?
Đại đức Thích Bản Tuệ: Nghi lễ dâng sao cầu bình an tuy không hẳn là hình thức mê tín, nhưng có thể dễ dàng để một số người trục lợi từ những người kém hiểu biết về Phật giáo. Bên cạnh đó cũng gây ra một số tiêu cực như làm sai lệch đi suy nghĩ của dân chúng về thuyết nhân quả, tập trung đông đảo người tham gia hành lễ gây cản trở giao thông, mất trật tự an ninh, một trong những tác nhân dẫn đến việc đốt vàng mã, hình nhân đầu năm. Tôi nghĩ rằng, nghi lễ này cũng nên bỏ dần để thay thế vào đó một cái nhìn minh bạch hơn về Phật giáo.
Xin cảm ơn Đại đức về cuộc trò chuyện!