Nên hay không nên hát tại vũ trường?
(ANTĐ) - Dư luận đang nóng lên về việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn có công văn gửi các trường văn hoá nghệ thuật trên toàn quốc không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại các vũ trường, quán bar, karaoke.
Và để thực hiện tinh thần của công văn này, đã có một số trường nghệ thuật yêu cầu học sinh, sinh viên cam kết không biểu diễn tại các quán bar, vũ trường và đưa ra mức xử lý chẳng hạn như xử lý về hành chính, xét hạnh kiểm học sinh, thậm chí là có thể buộc thôi học nếu vi phạm... Điều này đã gây nên sự bất bình trong số các học sinh, sinh viên thậm chí là một số thày cô giáo các chuyên ngành nghệ thuật. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm các em đi biểu diễn nghệ thuật là vi phạm Luật lao động, rằng các em là công dân thì có quyền làm những điều pháp luật không cấm.... Tuy nhiên, về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn, nơi soạn thảo văn bản này lại nguỵ biện rằng việc Cục ban hành ra văn bản này là để “bảo vệ” học sinh, chứ không phải là “cấm”. Việc ban hành văn bản này là quá vội vàng và chưa đầy đủ chăng?Để rộng đường dư luận và đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Báo ANTĐ xin nêu ra các ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này.
Sinh viên các trường nghệ thuật vẫn có mong muốn được đi biểu diễn để tích lũy thêm kinh nghiệm. Ảnh minh họa. |
Ông Phạm Đình Thắng - Trưởng phòng quản lý nghệ thuật và băng đĩa hình ca nhạc, sân khấu, Cục NTBD:
Không cho phép không phải là... cấm
PV: Là người thảo ra công văn số 283/NTBD-PQL gửi các trường Văn hoá nghệ thuật trên toàn quốc, ông nghĩ thế nào về các ý kiến phản ứng với nội dung công văn trên?
Ông Phạm Đình Thắng: Theo tôi, thực tế hiện nay các phản ứng
Ông Phạm Đình Thắng - Trưởng phòng quản lý nghệ thuật và băng đĩa hình ca nhạc, sân khấu, Cục NTBD |
chủ yếu là từ phía một số học sinh, sinh viên, giảng viên các trường chưa hiểu hết tinh thần của công văn. Phải khẳng định, đây không phải công văn cấm các học sinh, sinh viên biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, bar, karaoke. Công văn này nhằm chấn chỉnh, tăng cường sự giám sát của lãnh đạo các trường văn hoá nghệ thuật đối với các em học sinh, sinh viên. Đây cũng là việc làm nhằm bảo vệ các em không bị vướng mắc vào những tệ nạn xã hội. Thực tế thời gian qua cho thấy, có không ít học sinh trường văn hoá nghệ thuật đã mắc phải “lưới” tệ nạn xã hội. Có thể trước đây, một số tụ điểm đó không phức tạp, nhưng vài năm trở lại đây tình hình đã thay đổi. Đó là những môi trường không an toàn đối với học sinh, sinh viên, họ không nên tiếp cận môi trường đầy rẫy tệ nạn như vậy.
PV: Nhưng thực tế thì việc “ không cho phép” này đồng nghĩa với việc cắt mất phần thu nhập để trang trải học tập của các em...?
Ông Phạm Đình Thắng: Có một số em còn cho rằng việc không cho phép này đã “cướp miếng cơm, manh áo” của các em. Đó là những lời lẽ rất nặng nề. Xuất phát từ thực tế và từ Chỉ thị 17/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh các hoạt động trong các vũ trường, nhà hàng, karaoke, quán bar, đây là một trong những văn bản nhằm tăng cường sự giám sát và thực hiện Chỉ thị này. Theo Cục NTBD, việc các em học sinh, sinh viên các trường văn hoá nghệ thuật biểu diễn tại các tụ điểm trên nằm trong “các hoạt động” cần chấn chỉnh. Chúng ta cũng nên nhìn nhận lại một vấn đề: sau khi vũ trường New Century bị triệt phá, một loạt các vũ trường khác ở các tỉnh thành đều bị các cơ quan xem xét và đều “có vấn đề”. Một số tỉnh thậm chí đã cấm không cho các vũ trường hoạt động trong một thời gian. Nếu nói việc cấm các em học sinh, sinh viên biểu diễn tại các tụ điểm vũ trường, bar, karaoke là vi phạm luật này, luật kia thì việc cấm một số vũ trường hoạt động như thế có là vi phạm luật không?
PV: Vậy thì ngoài vũ trường, bar, nhà hàng, karaoke, phạm vi có thể biểu diễn của các em học sinh, sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật là ở đâu, thưa ông?
Ông Phạm Đình Thắng: Chúng tôi chỉ không cho phép các em biểu diễn ở những tụ điểm phức tạp đó. Nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích các em biểu diễn ở những tụ điểm khác, như các nhà văn hoá, trung tâm văn hoá, các hội nghị, sân khấu biểu diễn ngoài trời... Hoạt động ở những tụ điểm này cũng rất nhiều và thường xuyên chứ không chỉ riêng vũ trường, bar, nhà hàng, karaoke mới có tổ chức biểu diễn thường xuyên. Phải chăng đây chỉ là chuyện ảnh hưởng đến quyền lợi của một vài học sinh, sinh viên các trường văn hoá nghệ thuật? Theo như tôi biết, thu nhập từ các tụ điểm vũ trường, bar, nhà hàng, karaoke của những ca sĩ – học sinh, sinh viên này cao gấp nhiều lần học sinh, sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật khác (múa, đàn, trống, nhạc cụ dân tộc...). Có em thu nhập từ biểu diễn lên tới hơn 10 triệu đồng/tháng. Vậy thì Công văn của Cục NTBD quả thực ảnh hưởng rất lớn tới một vài cá nhân này.
PV: Thế còn về khía cạnh “thực hành”, “va chạm với thực tế biểu diễn” của các học sinh, sinh viên chuyên ngành nghệ thuật...?
Ông Phạm Đình Thắng: Các em học sinh, sinh viên được Nhà nước tài trợ nhiều, học phí mà các em phải đóng chỉ là phụ trợ cho sinh hoạt của các em thôi. Mỗi năm Nhà nước phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc giáo dục, trong đó có giáo dục chuyên ngành nghệ thuật, chỉ để các em trở thành những nghệ sĩ có nghề, hoạt động trong ngành văn hoá nghệ thuật với đầy đủ tài năng và tư cách đạo đức, tư cách nghề nghiệp. Vậy thì việc các em đến những tụ điểm phức tạp để “thực hành”, để “va chạm thực tế biểu diễn” có nên không? Trước khi công văn này ra đời, đã có một loạt các quy định về việc này của các trường văn hoá nghệ thuật: Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP HCM, Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Thậm chí, có trường xét tiêu chí sinh viên được thi cuối năm là nếu tham gia biểu diễn ở các tụ điểm quá nhiều thì sẽ không được thi hoặc bị đuổi học. Rất nhiều lãnh đạo các trường văn hoá nghệ thuật hoàn toàn đồng tình, ủng hộ chủ trương của Cục NTBD, Bộ VHTT. Đây không phải là ngăn cấm mà là bảo vệ các em. Đừng hiểu nhầm điều đó.
Huyền Trang (Thực hiện)
Giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Thành – Giám đốc Nhạc viện Hà Nội:
Cần có một quy định rõ việc sinh viên đi làm thêm
Thật ra, Ban giám đốc Nhạc viện cũng đã từng bàn bạc về vấn đề làm thêm của các em sinh viên. Trong suy nghĩ của chúng tôi, các em đang là sinh viên thì chưa nên hành nghề mà chỉ nên thực hành nghề. Có nhiều hướng thực hành nghề rất tốt cho các em như tham gia biểu diễn ở dàn nhạc giao hưởng, vũ kịch hoặc các chương trình văn nghệ của các báo đài...
Giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Thành – Giám đốc Nhạc viện Hà Nội |
Việc các em biểu diễn ở các quán bar, nhà hàng, vũ trường nếu vì mục đích hành nghề thì phải đảm bảo những điều kiện như: nội dung biểu diễn có phù hợp với chương trình đào tạo trong nhà trường hay không và đơn vị kinh doanh có quản lý về vấn đề đạo đức của học sinh, sinh viên hay không. Theo quan điểm của tôi, phần nhiều các em sinh viên đi làm thêm chủ yếu là kiếm sống. Vậy nên, nếu cấm các em biểu diễn ở các quán bar, vũ trường thì phải tạo ra nguồn sống khác cho các em. Hiện nay, học bổng dành cho học sinh, sinh viên nhạc viện rất ít ỏi và hạn hẹp.
Trong khi đó, không phải em nào cũng có điều kiện kinh tế để theo đuổi nghề. Chính vì vậy, tôi cho rằng, nếu không cho các em biểu diễn nghệ thuật tại nhà hàng, quán bar thì rất cần một sự hợp tác của toàn xã hội trong việc tạo điều kiện cho các em sinh viên mở rộng chỗ thực hành cũng như kiếm sống.
Với tư cách là một người thầy thì ai cũng muốn học trò của mình tập trung vào học tập. Nếu các em đi làm quá nhiều thì chưa nói gì đến vấn đề đạo đức mà chất lượng học tập sẽ bị ảnh hưởng. Về mặt quản lý sinh viên tôi thấy các nước phương Tây họ làm rất hay, quy định rõ sinh viên được làm những nghề gì, làm bao nhiêu giờ trong một tuần và nơi nào được phép thuê sinh viên làm thêm.v.v.
Luật sư Hoàng Huy Được - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội:
Khi ra văn bản cần phải đối thoại với sinh viên nghệ thuật
Việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hoá Thông tin ra văn bản không cho phép các học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật tham gia biểu diễn tại quán bar, vũ trường theo tôi là không hợp lý vì trong Luật Lao động không có điều khoản nào cấm học sinh, sinh viên làm thêm. Sinh viên học thì phải có hành, nếu không việc học sẽ trở thành lý thuyết suông.
Luật sư Hoàng Huy Được - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội |
Biểu diễn ở các nhà hàng, quán bar cũng là một hình thức để sinh viên cọ xát thực tế, làm quen với sân khấu, tiếp nhận ý kiến của công chúng cũng như có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Nên chăng thay vì việc cấm sinh viên biểu diễn ở những nơi nhạy cảm, nhiều tệ nạn xã hội thì nên tăng cường việc giáo dục tư cách đạo đức cho họ ngay từ trong gia đình và nhà trường.
Mặt khác, không phải quán bar, vũ trường nào cũng là tụ điểm xấu. Nếu cơ quan quản lý văn hóa muốn hạn chế các tệ nạn xã hội thì phải siết chặt quản lý hoạt động của các địa điểm này chứ không phải quản lý người ra người vào.
Theo tôi, các nhà quản lý khi ra một văn bản quy định về đối tượng nào thì nên có sự đối thoại với lớp đối tượng đó, mà cụ thể trong trường hợp này là học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật nhằm tìm ra những vấn đề nổi nổi cộm để đi đến thống nhất, chứ không nên áp đặt. Có như thế văn bản mới sống được.
Ca sỹ Đoan Trang:
Không phải ai cứ lui tới quán bar đều là xấu
Trang nghĩ rằng mục đích của công văn mà Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi đến các trường là muốn học sinh, sinh viên nghệ thuật đi theo hướng tốt tuy nhiên hiệu quả của nó đến đâu lại là vấn đề cần phải bàn. Thực ra tư chất đạo đức của mỗi người là kết quả của một quá trình rèn luyện, giáo dục trong nhà trường nên không phải một sớm một chiều lui tới quan bar, vũ trường mà có thể thay đổi.
Ca sỹ Đoan Trang |
Vả lại, không phải quán bar, vũ trường nào cũng xấu và không phải ai lui tới đó đều là người xấu. Các nhà quản lý cần phải siết chặt hoạt động quản lý ở những địa điểm này, đầy lùi các tệ nạn xã hội để tạo môi trường thông thoáng, giải trí lành mạnh cho giới trẻ chứ không nên cấm các bạn trẻ đến đây vui chơi và biểu diễn. Các sinh viên nghệ thuật rất cần một nơi để thực hành. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện, có cơ hội được đứng trên những sân khấu lớn.
Do đó, các sân khấu nhỏ ở quán bar là sự lựa chọn phổ biến nhất của sinh viên nghệ thuật và bản thân những sân khấu đó cũng góp phần làm cho đời sống âm nhạc thêm phong phú hơn. Trang nghĩ nên có cách nào đó khơi dậy trở lại phong trào văn nghệ quần chúng, tạo thêm nhiều sân chơi, nhiều cơ hội để các bạn sinh viên nghệ thuật được thể hiện, thi thố và khẳng định tài năng trên sân khấu của chính mình.
Khương Cường – sinh viên Khoa Lý luận sáng tác chỉ huy - Nhạc viện Hà Nội:
Có nhiều ca sĩ thành danh đã từng biểu diễn ở quán bar
“Tôi cho rằng việc không cho phép sinh viên biểu diễn tại nhà hàng, quán bar sẽ gây rất nhiều khó khăn cho sinh viên các trường nghệ thuật đặc biệt là sinh viên trường nhạc. Nếu ai đã từng là sinh viên các trường nghệ thuật thì họ sẽ hiểu được sinh viên làm nghệ thuật khó khăn như thế nào, và việc phải đi làm kiếm thêm tiền là điều tất yếu.
Khương Cường – sinh viên Khoa Lý luận sáng tác chỉ huy - Nhạc viện Hà Nội |
Hơn nữa, muốn quản lý các vũ trường quán bar, thì đáng lý ra việc mà họ phải làm là quản lý những người gây ra tệ nạn xã hội, chứ nếu bây giờ quay sang cấm sinh viên đi biểu diễn thì không những việc quản lý không hiệu quả mà còn gây khó khăn cho sinh viên. Và nếu nói việc cấm sinh viên biểu diễn tại quán bar, nhà hàng là để nhằm ngăn chặn sinh viên tránh sa ngã, vướng mắc vào các tệ nạn xã hội, thì tôi e rằng cũng không thuyết phục. Bởi thường thì khi những sinh viên đi làm nghệ thuật họ mất rất nhiều thời gian đầu tư vào lao động nghệ thuật, còn thời gian đâu mà “lắc”. Và nếu muốn.... sa ngã thì họ vẫn có thể đến quán bar, vũ trường mà không cần phải dưới danh nghĩa đi biểu diễn nghệ thuật.
Bên cạnh đó, còn một thực tế nữa là có nhiều ca sĩ thành danh hiện nay cũng đều đã biểu diễn ở các quán bar... Vả lại những sinh viên làm nghệ thuật mà không có sự năng động, không tham gia các hoạt động biểu diễn ở bên ngoài thì khó mà thành công khi va chạm nghệ thuật trong những chương trình lớn.
Và một điều quan trọng nữa là khi nói đến sinh viên nghệ thuật, người ta thường nghĩ đến sinh viên thanh nhạc mà không nghĩ đến các sinh viên khoa nhạc dân tộc, khi biểu diễn tại các quán bar, nhà hàng họ còn góp phần quảng bá vốn văn hoá dân tộc, âm nhạc truyền thống của Việt Nam đó là điều rất đáng quý trong tình hình nhạc truyền thống đang bị mai một hiện nay và lẽ ra phải cảm ơn họ về việc này.
Hoặc đối với khoa nhạc Jazz, thì môi trường biểu diễn tại quán bar, nhà hàng là một môi trường phù hợp với chất của jazz, nó có thể giúp cho sinh viên phát triển tốt. Thực tế ở Hà Nội, một số quán bar, nhóm nhạc jazz biểu diễn đã làm cho nơi đó văn minh và văn hoá lên rất nhiều.
Chính vì vậy, tôi nghĩ việc ban hành quy chế cấm các sinh viên nghệ thuật biểu diễn tại quán bar, nhà hàng cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Nhóm PV Văn hóa