Một kết cục buồn

ANTĐ - Hàng loạt sân khấu xã hội hóa tại Hà Nội vừa nói lời từ giã. Việc đóng cửa nhiều sân khấu này hóa ra lại là chuyện… bình thường bởi rất nhiều người trong nghề đã lường trước được. 

Những vở hài kịch tại rạp Thanh Niên sẽ không còn được biểu diễn

Cẩm nang điện thoại của khán giả

Đơn vị làm xã hội hóa mạnh nhất tại Hà Nội phải kể đến Nhà hát Tuổi trẻ. Một đơn vị nghệ thuật nhưng có tới 2 địa điểm biểu diễn thường xuyên “đỏ đèn”. Trong đó, sân khấu xã hội hóa biểu diễn hài kịch tại rạp Thanh Niên, số 37 Trần Bình Trọng từ khi ra mắt đến nay luôn trong tình trạng “thoi thóp” với lượng khán giả đến với mỗi đêm diễn chỉ vài chục người, trong khi, sức chứa của rạp lên tới vài trăm khán giả. Mặc dù, đã tìm đủ mọi cách lôi kéo khán giả đến với rạp như phối hợp với CLB Bóng đá, CLB Khán giả trẻ, tặng vé xem… nhưng “đội quân” do NSƯT Chí Trung cầm đầu vẫn không thể khiến bức tranh sân khấu xã hội hóa tươi sáng hơn. 

Có một thực tế, khán giả đến với rạp thường là nhân viên của các đơn vị được cơ quan mua vé vào xem. Những khán giả này quen mặt tới mức NSƯT Chí Trung còn có “Cẩm nang số điện thoại” để mỗi khi có vở mới lại tiếp thị, chào mời họ mua vé. Chính sự thiếu mặn mà của người xem đã khiến sân khấu xã hội hóa rơi vào tình trạng khó khăn. Vì thế, việc đóng cửa sân khấu xã hội hóa 37 Trần Bình Trọng sau 5 năm đi vào hoạt động cũng là điều dễ hiểu. 

Một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa nữa của Hà Nội - đoàn nghệ thuật Sao Việt do NSƯT Trần Nhượng làm giám đốc cũng đã tuyên bố giải thể sau những ngày sáng đèn… le lói. Việc phục dựng vở kịch kinh dị “Quỷ ám” từng rất thành công ở sân khấu phía Nam cũng không giúp cho đoàn nghệ thuật này thoát khỏi tình cảnh chung với rạp Thanh Niên. 

NSƯT Trần Nhượng đã từng rất hy vọng khi bắt tay vào dựng vở kịch này bởi anh tin mình đã đánh trúng vào tâm lý hiếu kỳ của khán giả. Song, thực tế buồn tẻ của sân khấu phía Bắc đã khiến cho một vở kịch từng hút khách tại TP.HCM trở nên lạc lõng tại Hà Nội sau 4 tháng biểu diễn. Diễn viên của đoàn được lấy từ nguồn diễn viên “đinh” của các nhà hát, cho dù tiền cát xê được trả cao hơn tiền thù lao do đơn vị chủ quản trả cho mỗi diễn viên nhưng quân số của vở diễn luôn trong tình trạng lao đao. Thiếu diễn viên, thiếu khán giả và thiếu cả nguồn kinh phí cần và đủ khiến đoàn nghệ thuật Sao Việt, nơi có sự góp mặt của những gương mặt nổi tiếng như NSND Minh Hòa, NSƯT Trần Nhượng… ngậm ngùi đóng cửa.

Giám đốc cũng phải lăn như bi

Sân khấu Hoàng Thái Thanh, một địa chỉ quen thuộc của người dân TP.HCM cũng đang đứng trước nguy cơ giải thể do thiếu địa điểm biểu diễn. Nguyên nhân bên trong vẫn là vấn đề khán giả. Không có khán giả thì không có tiền thuê địa điểm, tiền trả cho diễn viên nên nỗi lo của đạo diễn Thành Hội, Giám đốc sân khấu Hoàng Thái Thanh không phải là không có lý. Cũng cần nói thêm rằng, xã hội hóa sân khấu không quá mới với những nghệ sỹ chịu khó lăn lộn và bươn chải với nghề. Những năm 80 của thế kỷ trước, NSƯT Trần Nhượng đã thu về cả đống tiền bằng việc dựng kịch từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Có thể nói, anh là người tiên phong ở miền Bắc mạnh dạn làm công việc này. Nhưng đó là thời huy hoàng của sân khấu Việt Nam, còn trong tình hình hiện nay, dù lăn như bi, một người đầy kinh nghiệm như anh vẫn không thể duy trì hoạt động của đoàn nghệ thuật Sao Việt.

Việc lôi kéo khán giả đến với rạp hát của các đoàn nghệ thuật xã hội hóa đã thất bại. Dù tìm đủ mọi cách nhưng thói quen hưởng thụ văn hóa theo kiểu miễn phí, mời thì xem, không thì… thôi của khán giả đã làm cho hành trình xã hội hóa sân khấu phía Bắc trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Thêm một nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi của sân khấu xã hội hóa phía Bắc còn là các vở diễn vẫn được dàn dựng theo lối mòn đầy hơi hướng chính luận mà ít có sự đổi mới. Vì thế cho nên, sân khấu cứ mãi bị khán giả ruồng bỏ, mãi cảnh đìu hiu chợ chiều.