Món nợ cuộc đời!
(ANTĐ) - Người đàn ông ấy đến tòa từ sớm và là người đầu tiên có mặt trong phòng xử án. Nhìn vẻ ngoài, ông có phần trẻ hơn tuổi với nước da trắng xanh, mái tóc đen nhánh được vuốt keo kỹ lưỡng. Bộ vest xám cùng với cặp kính trắng và đôi giày đánh xi bóng loáng càng chứng tỏ ông là dân trí thức với một nếp sống khá chỉn chu, cẩn trọng.
Đến 8h30, lác đác mấy người nữa bước chân vào phòng xử án. Thư ký phiên tòa đi vào, thông báo vụ án phải hoãn xử với lý do luật sư của 2 bị cáo xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Mọi người ra về, chỉ còn người đàn ông ở lại. Ông muốn biết chính xác phiên tòa sẽ được mở vào ngày nào để đến dự.
Tôi bước đến, muốn hỏi ông dăm ba câu chuyện, bởi biết đâu, người đàn ông ấy cũng có nhu cầu giãi bày, chia sẻ. Biết tôi là nhà báo, sau khi hỏi được chính xác phiên tòa sẽ diễn ra vào 10 ngày nữa, ông mời tôi ra quán cà phê gần tòa án. Tôi đã lắng nghe câu chuyện của ông để rồi sau đó là một cảm giác buồn vô hạn.
... Khi thằng Nam (đứa con trai duy nhất của vợ chồng ông) được 13 tuổi, hai vợ chồng chia tay bởi cả hai đều chạy theo những cuộc tình mới. Cùng dân trí thức nên việc chia tay rất lặng lẽ. Người vợ nuôi thằng Nam, còn ông theo cô nhân tình vào Nha Trang sống. Hai năm sau, mẹ thằng Nam đi bước nữa rồi định cư ở nước ngoài. Thằng Nam buộc phải sống với ông bà ngoại bằng những khoản tiền của bố mẹ nó gửi về định kỳ hàng quý. Tuổi mới lớn, mọi suy nghĩ còn non nớt, thằng Nam bắt đầu a dua theo bạn xấu, rồi đua đòi, ăn chơi. Vào độ tuổi đó, nó cần những vòng tay che chở, những điểm tựa vững chắc biết nhường nào. Tiếc rằng, những vòng tay và điểm tựa ấy nó không thể có được. Mới 16 tuổi, nó đã cùng mấy thằng bạn gây ra hàng chục vụ cướp giật tài sản của người đi đường.
Còn cha nó, sống với người vợ hai tại thành phố biển Nha Trang, kinh tế đủ đầy, nhưng họ không thể có con. Khoảng cách hai người ngày càng xa. Lần thứ hai, cha nó ly hôn.
Ông biết, trong sự sa ngã của thằng Nam có một phần lỗi của mình, nên quyết định ra Hà Nội sống, để chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ. Ông rất mong được nhìn mặt nó, chỉ tiếc rằng, ông đã không được toại nguyện.
Tôi đã im lặng trong buổi sáng hôm đó. Có lẽ, đó cũng là sự cảm thông, chia sẻ của tôi với ông. Thằng Nam còn trẻ, còn nhiều cơ hội làm lại cuộc đời và hy vọng sẽ thành công bởi bên cạnh nó là người cha của mình.
Và tôi hiểu, chỉ khi làm được điều đó, người cha ấy mới thấy nhẹ lòng và trả xong món nợ cuộc đời.
Việt Hà