Mối lo giá lương thực

ANTĐ - Ngân hàng Phát triển châu Á vừa lên tiếng kêu gọi châu Á cắt giảm các rào cản thương mại đối với lúa gạo và bình ổn giá để giảm thiểu nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu như đã từng xảy ra hồi năm 2008.

Mối lo giá lương thực  ảnh 1
Thái Lan liên tục gia tăng xuất khẩu gạo trong những năm gần đây

Tăng trưởng sản xuất chậm lại trong khi nhu cầu tăng cao, thời tiết xấu, cạnh tranh từ các nhiên liệu sinh học, tích trữ gia tăng và xuất khẩu hạn chế đang đặt thế giới trước nguy cơ khủng hoảng lương thực. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), sản lượng gạo toàn cầu năm 2012 sẽ giảm từ 732,3 triệu tấn trong dự báo trước đó xuống 724,5 triệu tấn do mưa ít ở Nam Á, một trong những khu vực sản xuất lúa gạo lớn của thế giới.

Trong khi đó giá lương thực tiếp tục tăng cao. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2007, thế giới chứng kiến sự đảo ngược xu hướng đi xuống của giá cả hàng hóa nông nghiệp kéo dài hơn 4  thập kỷ. Từ năm 2008-2011, giá lương thực leo thang và hiện đã cao hơn 40% so với mức giá trung bình trong vòng 10 năm qua. Hệ quả là tổng chi phí nhập khẩu lương thực toàn cầu năm 2012 sẽ lên tới 1.240 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục năm 2010 là 1.040 tỷ USD.

An ninh lương thực và dinh dưỡng là cơ sở quan trọng cho sự ổn định, là nền tảng của cuộc sống có chất lượng. Chính vì thế, giá lương thực tăng cao đã gây ra những biến động vô cùng lớn trên thế giới. Người ta tính rằng chỉ riêng trong năm 2009, đã thêm 150 triệu người nữa đã bị đẩy xuống dưới mức nghèo khổ cùng với 925 triệu người đang phải sống trong tình cảnh này do giá lương thực tăng. Nguyên nhân là bởi người nghèo phải bỏ ra tới 75% thu nhập để mua lương thực. 

Thực tế cho thấy giá lương thực cao đã góp phần gây ra bạo loạn ở Bắc Phi và Trung Đông, đồng thời cũng là nguyên nhân làm bùng lên hơn 60 cuộc bạo loạn trên khắp thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2009. 

Trong bối cảnh hơn 1 tỷ người trên thế giới đang phải đối mặt với giá lương thực tăng cao, cộng đồng quốc tế cần có ý chí và hành động chung khẩn cấp để ngăn chặn sự biến động quá mức của giá lương thực. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng giá lương thực tăng quá mức đã trở thành thảm họa nhân đạo đối với nhân loại. Để ngăn chặn, cộng đồng thế giới chỉ cần tăng cường ý chí chính trị và hành động tập thể.

Quá khứ cho thấy, trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, giá lương thực tăng tới 149% chủ yếu là do sự hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất. Do vậy, để tăng cường khả năng phục hồi và đảm bảo giá gạo không tăng quá cao, trước hết cần phải cắt giảm các rào cản thương mại gạo và bình ổn giá. 

Chẳng hạn với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực cho khu vực châu Á đông dân nhất thế giới. ASEAN đã đạt sản lượng 110,5 triệu tấn gạo năm 2011 và có thể duy trì sản lượng này bằng cách thiết lập một chỉ số giá và tăng cường trao đổi thương mại lúa gạo. Các chuyên gia tính rằng nếu nông dân ASEAN có thể bán gạo trực tiếp ra thị trường mà không phải qua khâu trung gian, nguồn cung sẽ được bảo đảm và giá cả trên toàn cầu sẽ ít biến động, từ đó có thể ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lương thực.