Miễn phí thì xem, không thì… thôi

ANTĐ - Có dịp tham dự các buổi tọa đàm, biểu diễn nghệ thuật… ở một không gian văn hóa có tiếng tại Hà Nội, tôi được chứng kiến một câu chuyện đáng buồn. 

Bất cứ chương trình nào cũng mong sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả

Tại đây, thông thường các sự kiện văn hóa thường được tổ chức miễn phí, số lượng khách tham gia rất đông, thậm chí rất nhiều người sẵn sàng đứng chỉ để được quan sát từ xa. Gần đây, với mong muốn duy trì hoạt động, tạo nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động tiếp theo, ban tổ chức quyết định thu vé thử nghiệm cho một chương trình, với mức vé 50.000 đồng/người. Sát giờ diễn ra chương trình, khi được biết rằng “có thu tiền”, nhiều người đã bỏ về. Miễn phí thì xem, không thì… thôi, đó là thói quen đáng buồn của một bộ phận công chúng Việt Nam khi tiếp nhận và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật. 

Theo một cuộc khảo sát từng được thực hiện tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, có tới 84% sinh viên chưa từng đến Nhà hát Tuổi trẻ một lần nào. Đây là con số tương đối đáng báo động nếu so với thương hiệu và nỗ lực của Nhà hát trong việc xây dựng và quảng bá những vở diễn, trong đó có cả những vở diễn miễn phí để đưa công chúng tới gần hơn với nghệ thuật. Điều này cho thấy sự quan tâm của công chúng, trong đó đặc biệt là giới trẻ đối với các hoạt động văn hóa nghệ thuật vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, bất chấp sự nở rộ của các triển lãm, nhà hát, rạp chiếu phim… trong nước. “Làm thế nào để thu hút khán giả” - đó là nỗi trăn trở của bất kỳ ai đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng cùng với đó cách khán giả xem, thưởng thức những giá trị văn hóa, nghệ thuật đó như thế nào cũng là chuyện đáng bàn. Nhiều bạn trẻ đi xem một bộ phim, một vở diễn nhưng vô tư ngồi “nấu cháo” điện thoại hay trò chuyện ồn ào bất chấp ánh mắt khó chịu của những người xung quanh. Có những buổi biểu diễn khá trang trọng tại Nhà hát thành phố, nhưng nhiều vị khách lại mặc quần đùi, dép lê điềm nhiên ngồi hàng ghế đầu, nói cười rổn rảng. Dường như thay vì đi để được hưởng thụ cái đẹp, đi tìm những giá trị thẩm mỹ và thể hiện sự tôn trọng nhất định dành cho những người đã bỏ công, bỏ sức làm ra những sản phẩm nghệ thuật đó, thì dường như khán giả lại chỉ đi để thỏa mãn trí tò mò, đi theo phong trào, đi cho… oách. 

Công chúng chính là nhân tố thúc đẩy hoạt động nghệ thuật, văn hóa. Nếu người trẻ được trang bị kiến thức, hiểu biết về nghệ thuật, văn hóa, có cách nhìn, biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của nghệ thuật thì chính những cái hay, cái đẹp đó sẽ được truyền đi và nhân lên. Đồng thời, chính những người nghệ sỹ cũng sẽ có thêm động lực sáng tạo và nuôi dưỡng những ý tưởng nghệ thuật, góp phần vào sự phát triển của đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung.