MC Thanh Bạch: "Chẳng muốn ăn thua với ai!"

ANTĐ - Vui vẻ, hào hứng, tưng tửng trên sân khấu nhưng MC Thanh Bạch ngoài đời xem ra lại có phần thâm trầm và nhiều cảm xúc về nghề và người. Nhưng bao trùm lên câu chuyện của anh, vẫn là niềm đam mê cao độ, lúc nào cũng chực bùng lên thành những tiếng cười…

- PV: Là một người có khiếu hài hước, anh thường làm gì khi người khác nhờ gỡ rối, hay than khổ với anh?

- MC Thanh Bạch: Ngay khán giả nói chuyện với tôi họ cũng thích là vì tôi luôn nói bằng tư duy tích cực mà mình đã học được để chỉ cho người ta góc nhìn nào tối ưu, bởi cuộc sống không bao giờ theo ý mình, có khi ngược đến 90%. Ngay cả khi nó thuận theo ý mình đôi khi lại phải cẩn thận, bởi người khác cố làm mình vừa ý chưa chắc đã có động cơ tốt. Khi có tư duy tích cực, nhìn ở góc độ tối ưu thì chuyện trở nên nhẹ nhàng và không làm ảnh hưởng xấu đến mình. Ví dụ: khi một người bạn đến than khổ quá thì tôi bảo họ: “Em nhìn lại đi, so sánh với những người khổ hơn em và coi xem hoàn cảnh của em có khổ như họ không?”. Tôi nghĩ, mỗi người nên giữ chìa khóa niềm vui của mình và đón nhận nỗi buồn một cách tự nhiên, như thế mới là cuộc sống. Nếu chỉ tưởng tượng toàn những chuyện tốt đẹp thì sẽ dễ hình thành thói quen vui có điều kiện, đến hồi nỗi buồn tới chịu không nổi là gục thôi.

- Vậy điều buồn nhất anh từng trải qua là gì?

- Tôi không nhớ để làm gì. Nó giống như vết sẹo đã lành. Vấn đề là mình đừng đi lại vào vết xe đổ. Những điều xảy ra quá tồi tệ thì hãy coi đó là vùng nguy hiểm, đừng trở lại đó. Mình hiểu vấn đề và tìm một chốn yên tĩnh khác trong tâm hồn, giữ cân bằng đừng để cái gì thái quá, như thế mình sẽ được bình an. Tôi đã trả giá rất nhiều, phải học rất lâu nhưng thà như thế còn hơn. Bài học về cái tôi rất là đắt. Và những người nổi tiếng, như nghệ sĩ, hay bị cái tôi quá lớn làm cho mình đau khổ. Nhưng niềm vui hay nỗi buồn chỉ là những thời khắc, vấn đề là tìm được điểm cân bằng không buồn, không vui và mình được an nhiên. Vui hoài hay buồn hoài cũng lệch, cho nên tìm được sự cân bằng trong chính tâm trí của mình là quan trọng. Những điều này phải học, và nói thì dễ, làm mới khó. Mình phải luôn chiêm nghiệm từng trường hợp, từng thời khắc để soi rọi lại bài học. Tôi có người bạn, là người dạy tư duy tích cực nhưng có lúc họ lại than rằng đời buồn, rắc rối. Tôi bảo: Ủa sao kỳ vậy, bồ đi dạy người ta mà sao không ứng dụng những bài học đó vào hoàn cảnh của mình? Anh bạn bảo: Ờ, anh nhắc tôi mới nhớ.

- Anh từng nói “đối thủ của anh là chính anh” – điều đó có nghĩa là ngoài anh, không có ai xứng là đối thủ của anh?

- Không phải vậy. Đối thủ là chính mình có nghĩa là sự thắng thua, được mất với tôi không còn quan trọng nữa. Bây giờ có 1 tỷ người hơn tôi, thế hệ trẻ hơn tôi là điều tất nhiên rồi và tôi cần hơn ai để được gì? Để được danh tiếng hơn chăng? Để được tiền nhiều hơn chăng? Danh tiếng là phù du, tiền bạc có đó rồi mất đó. Vấn đề còn lại là sự tôn trọng, nhưng cũng không phải là quan trọng nữa vì chả lẽ người ta không tôn trọng thì mình không sống được à? Cho nên, điều quan trọng là mình có tôn trọng chính mình không, có yêu quý bản thân mình không. Yêu với nghĩa là: thực sự trân trọng người nghệ sĩ trong bản thân mình, lấy đó làm động lực sáng tạo chứ không phải là để mình cao hơn ai. Mang lại niềm vui cho người khác không phải là làm mọi thứ mà phải có sự chắt lọc, tinh tế, dù chỉ là trong phút giây ngắn ngủi. Đó là lý do phải học. 

- Và đến giờ, dù đã ở cái tuổi biết mệnh trời, anh vẫn muốn học?

- Hôm nay khán giả thích mình như thế, để họ tiếp tục thích mình trong tương lai thì mình phải tiếp tục mày mò, học hỏi, khổ luyện, sáng tạo để trở nên mới lạ trong mắt họ. Thành công cỡ nào tùy thuộc mức độ mình đầu tư. Tình cảm khán giả dành cho mình quá lớn sẽ thành hai mặt: vừa là niềm vui, vừa là gánh nặng. Làm sao mình có đủ năng lượng, đủ sức để sáng tạo cho chặng đường dài tiếp theo. Để có được năng lượng như vậy tôi phải học tập để cho mình bình an trước đã, còn nếu hơn thua dễ bị mất sức và không làm nổi chuyện gì hết. 

-  Những người thành công hay chia sẻ rằng thành quả của họ “99% là do nỗ lực, 1% là do năng khiếu”, còn quan điểm của anh?

- Sự nỗ lực mà không có năng khiếu thì cũng bằng không. Nhưng mọi tổng kết đó mang tính tương đối thôi. Nỗ lực là chính nhưng phải có chút năng khiếu, ví dụ: tôi hát không hay nhưng tôi có nỗ lực 100% tôi cũng không thành ca sĩ được. Với nghề MC, tôi thấy rằng, để thành công thì năng khiếu phải ít nhất là 50%, và 30% học tập và đến 20% may mắn. Tôi thấy có người rất đẹp, làm MC rất hay nhưng họ không thành MC chuyên nghiệp, không nổi tiếng được thì câu giải đáp là họ thiếu may mắn. Có nhiều người hát hay cũng chưa nổi tiếng được. Thời điểm họ thăng hoa nhất mà gặp được cơ hội đến với công chúng thì mới nổi được.