Họa sĩ phục trang Nguyễn Thị Thu Hà

Lo điện ảnh Việt Nam sẽ thành hệ thống làng

ANTĐ - Là con gái út của đạo diễn NSND Hải Ninh, sở hữu nhan sắc và điều kiện để thành diễn viên nổi tiếng nhưng chị lại gắn bó một nghề hiếm và thiệt thòi. Thạc sĩ, NSƯT Thu Hà - Phó Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là họa sĩ phục trang uy tín hiện nay của điện ảnh - truyền hình Việt Nam.

- Chào họa sĩ Thu Hà, chị nghĩ sao khi số đông công chúng không phân biệt được đặc thù của phim truyện nhựa và phim truyền hình? 

- Thời của truyền hình mà. Nhà nào cũng có ti vi, ít người chịu đến rạp. Lắm thứ thật - giả trà trộn người ta còn không phân biệt, thì sao lại buồn vì chuyện “thời thế” này.

- Chuyện “Truyền hình nuôi điện ảnh” hay “Dân điện ảnh sống được nhờ làm phim truyền hình“ quả có thật?

- (Cười) Đúng vậy, truyền hình cần phim phát sóng vì nhiều lý do, mà ĐAVN đang bị Nhà nước bỏ “tự bơi” nên muốn làm, sống được bằng nghề, dân điện ảnh phải đi làm phim truyền hình. 

- Chị có thể nói về nghề phục trang điện ảnh của Việt Nam?

- Đây là câu chuyện buồn gắn với bước trầm của ĐAVN 2 thập kỷ qua. Thời bố tôi làm Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, ông có lập ra Xưởng Tạo hình nhân vật, gồm các họa sĩ hóa trang, phục trang. Sau đó, năm 1993, kỹ sư Nguyễn Kim Cương lên lãnh đạo Hãng, bị áp lực cắt giảm biên chế, xưởng teo tóp và không còn. Đến lúc này, ở Việt Nam, sau bao năm đấu tranh, họa sĩ phục trang vẫn không chính danh. Không có mã số ngành, nghề trong bảng lương, không có giải ghi nhận, khích lệ. Liên hoan phim quốc gia (giải Bông sen), giải thưởng hàng năm của Hội ĐAVN (Cánh diều), LHPTH toàn quốc hàng năm - đều không có giải cá nhân cho họa sĩ phục trang.

- Trong mỗi bộ phim, vai trò của phục trang như thế nào?

- Phục trang không đơn giản là thời trang. Phục trang không theo mốt mà phải theo nhân vật. Hình ảnh là ngôn ngữ của điện ảnh. Để có những hình ảnh trên phim phải có họa sĩ thiết kế mỹ thuật lo bối cảnh, có nhân viên đạo cụ, họa sĩ hóa trang, diễn viên diễn xuất. Nếu coi mỗi khuôn hình là một bức tranh, bộ phim là hàng nghìn tranh liên hoàn, thì họa sĩ phục trang phải góp phần bảo đảm hình ảnh cho mỗi bức tranh chuyển động hoàn chỉnh cùng bối cảnh, ánh sáng. 

- Phục trang quan trọng với tạo hình nhân vật và hình ảnh phim như vậy, nó chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng kinh phí làm phim?

- Nói ra thực sự phũ phàng lắm! Với phim truyền hình gần như không có. Phục trang dùng lại đồ trong kho, hoặc thêm tiền vào cát-sê để... diễn viên tự lo. Với phim nhựa, phục trang nằm trong kinh phí thiết kế mỹ thuật. 

- Có phải vì thế mà họa sĩ phục trang rất ít?

- Đúng. Vào lúc này, tôi đang là một trong số rất ít người đang làm họa sĩ phục trang được đào tạo bài bản và vẫn nghiên cứu về trang phục lịch sử để phục vụ cho niềm đam mê đi làm phim. Nhưng nói thật là tôi chẳng thích sự “số 1” khi ít cạnh tranh và thưa thớt đồng nghiệp.

- Nhiều người vẫn chê phim Việt dễ dãi trong trang phục và so sánh với các nền điện ảnh khác?

- Công chúng khen phim cổ trang Trung Quốc hấp dẫn và so với phim Việt Nam là thiếu công bằng. Một tập phim truyền hình Trung Quốc được cấp khoảng 2 tỷ đồng, trong khi Việt Nam chưa được 1/10. Lịch sử của họ ghi kỹ, chi tiết, nên dễ may, chế tác. Còn ở ta thì hết sức khó khăn, không chỉ về tiền bạc mà tư liệu lịch sử cũng rất ít ỏi. Họa sĩ thiết kế phim ở Việt Nam đã quá vất vả do không có trường quay đồng bộ, lại thêm cảnh “nghèo” nên chúng tôi nảy ra nhiều ý tưởng để khắc phục.

- Chị có thể ví dụ?

- ĐAVN đến giờ không có xưởng may phục trang riêng, mà do “mối quen” của họa sĩ. Tôi có danh sách nghệ nhân, nhà may cộng tác nhiều năm với điện ảnh. Họ ủng hộ bằng cách làm đúng hẹn và lấy công thấp. Trường hợp may nhiều mà phó thác hết cho nhà may, có thể bị họ may bằng vải tồn hoặc vải chất lượng thấp. Họa sĩ phục trang lại phải trực tiếp chọn, mua vải để tìm chất liệu vừa để đạt ý đồ, lại vừa rẻ hơn. 

- Chị có thường xuyên cộng tác cùng anh trai và chị dâu không (NSND Thanh Vân, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang). Được biết anh trai và chị dâu đang làm 3 phim truyền hình vào ba giai đoạn khác nhau của lịch sử thế kỷ 20?

- Tôi đã làm việc với một số đạo diễn khác: Đặng Nhật Minh, Vũ Châu, Nguyễn Hữu Mười, Trần Lực, Đào Bá Sơn chứ không chỉ cho anh chị đâu. Các phim truyền hình: Lều chõng (23 tập, từ tác phẩm của Ngô Tất Tố, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), tới Trò đời (30 tập, từ tác phẩm của Vũ Trọng Phụng) đều là bối cảnh các thập niên đầu thế kỷ 20. Huyền thoại 1C (20 tập) làm về đường mòn Hồ Chí Minh thứ năm thời chống Mỹ, tôi đã có kinh nghiệm sau khi làm Đừng đốt, Long thành cầm giả ca là phim có thời gian xa nhất mà tôi thiết kế phục trang và đã thành công.

- Tôi đã được xem phác thảo phục trang phim Trò đời. Người Hà Nội trước 1945 mặc đẹp, kiểu cách thật?

- Có những kiểu lai căng, lố lăng, song căn bản vẫn là sang, thanh lịch, văn minh. Đấy là phác thảo về trang phục nhân vật cho đạo diễn và các bộ phận đoàn phim hình dung. Bản vẽ cho thợ may thì khác. Với Trò đời, lần đầu tiên VFC có đầu tư cho khâu phục trang, số tiền 230 triệu chưa đủ, nếu đúng hết thiết kế, phải là 350 triệu trở lên. Lần đầu như thế cũng là tạm ổn. Với các nhân vật có tên, tôi đưa diễn viên đến nhà may may đo. Chất liệu lụa tơ tằm thương hiệu Dung Từ làng La Khê (Hà Đông), lụa Thái Tuấn được dùng chủ yếu cho áo dài, do NSƯT phục trang Nguyễn Văn Trường may. Một số mẫu quý về thiết kế do nghệ nhân may tôi đề nghị VFC giữ lại để làm mẫu khi giảng dạy.

- Chị nghĩ sao về thế hệ kế cận của họa sĩ phục trang?

- Đó là điều tôi rất lo. Khoa Thiết kế mỹ thuật có từ 1981 gồm: thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh, hoạt hình. Năm 2001 có thêm một bộ môn thiết kế trang phục nghệ thuật (phục vụ cho biểu diễn đa dạng: ca nhạc, múa, tạp kỹ). Khoa hiện có 13 giảng viên và 160 sinh viên, mỗi khóa đầu vào tuyển 40 em. Tôi đã truyền niềm say mê đi theo đoàn phim cho các học trò. Song nhiều em sau khi đi làm phim về, chán không muốn theo nghề. Làm rất vất vả, thù lao quá ít, nhận tiền như được “ban ơn”, ra nghề thì không được chính danh, giải cá nhân không có. Họa sĩ phục trang vẫn chưa có nhuận bút trong tổng dự toán làm phim, dù chúng tôi kiến nghị từ lâu. Bất công, phân biệt đối xử với họa sĩ phục trang khiến nghề này đang bị thất truyền. 

- Chị đang nói đến sự bất công trong nghề?

- Ngay như Hãng Phim truyện Việt Nam - Hãng phim đầu đàn đang khốn khổ, thoi thóp vì bị “bỏ quên”, khiến lớp trẻ nản lòng. Nguy cơ không có đội ngũ kế cận là trông thấy ở tất cả các nghề của điện ảnh. Nếu không được Nhà nước đầu tư, Điện ảnh Việt Nam sẽ thành hệ thống làng, so với xưa thì sa sút nhiều chứ chưa dám mơ đến tương lai.

- Chị có quyền hy vọng, vì họa sĩ phục trang đã được phong danh hiệu NSƯT rồi.

- Vâng, tôi là một trong vài người của đợt đầu được phong, là đợt 7 của Nhà nước. 

- Được biết chị đảm đang, kham nhiều việc trong khi vẫn đang nghiên cứu tiến sĩ? Chị lấy đâu ra thời gian?

- Tôi may mắn sức khỏe tốt: nào dạy học (190 tiết/học kỳ), cơm nước, đón con, kèm con học, chăm bố ốm, làm phim... có lúc tưởng stress nặng, rồi cố xoay xỏa, làm “cuốn chiếu” theo phim. Tôi đùa với chồng, tuy ngành điện ảnh chưa cho giải cá nhân nhưng Thu Hà xứng đáng 6 giải cho các vai trò nói trên (Cười). Tôi làm luận án tiến sĩ không nhằm “dán mác” mà để làm nghề tốt hơn. Tôi muốn mình có trình độ để bảo vệ các tác phẩm thiết kế  trong những phim lịch sử. “Trang phục truyền thống Việt, từ di sản đến nghệ thuật sân khấu” là đề tài luận án mà tôi đã bảo vệ.

- Chồng chị - họa sĩ Đặng Trọng Tuân cũng là một họa sĩ thiết kế của VFC, làm phim không chỉ là công việc mà là đam mê của anh chị?

- Đúng vậy, dù khó khăn, tôi vẫn thích đi làm phim. Tháng 4 này, chồng tôi đã qua Nhật chọn cảnh phim về Phan Bội Châu mà có thể tôi sẽ làm phục trang. Cuối năm, anh ấy đi Ukraina làm phim về người Việt ở Nga. Chúng tôi có 2 con trai lớp 1 và lớp 11, chưa biết sắp xếp thế nào nếu hai bố mẹ cùng đi. Hiện bộ phim 45 tập Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng mời.

- Khi xem phim, tôi không khi nào không chú ý phục trang nhân vật. Chúc chị thêm uy tín và gắn bó với nghề, thêm nhiều thành công mới.  

Các diễn viên được giải cá nhân hoặc thủ vai chính trong loạt phim đoạt giải cao gần 20 năm qua do NSƯT Thu Hà làm phục trang, gồm: NSƯT Lê Vi (phim Giải hạn, Cây bạch đàn vô danh), Hồng Ánh (Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du, Minh Hương (Đừng đốt), Lan Hà (Trái tim bé bỏng), Nhật Kim Anh (Long thành cầm giả ca) cho thấy công sức đóng góp của chị cho nhiều bộ phim chất lượng.