Lê Thiết Cương và câu chuyện 80.00

(ANTĐ) - Có vẻ hơi lạ lẫm với cái tên “Việt Nam 80.00”, nhưng đơn giản đó là những bức ảnh chụp Hà Nội thời bao cấp những năm 1980 và Hà Nội, Việt Nam những năm 2000 với hai góc nhìn khác nhau.

Lê Thiết Cương và câu chuyện 80.00

(ANTĐ) - Có vẻ hơi lạ lẫm với cái tên “Việt Nam 80.00”, nhưng đơn giản đó là những bức ảnh chụp Hà Nội thời bao cấp những năm 1980 và Hà Nội, Việt Nam những năm 2000 với hai góc nhìn khác nhau.

Triển lãm ảnh của nhà xã hội học Thụy Điển Eva Lindskog và họa sỹ Lê Thiết Cương đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội đến hết tháng 1-2008.

Tình cảm sâu đậm của Eva Lindskog đến từ Thụy Điển với một Hà Nội yên ả giữa khó khăn vất vả trong những năm 1980 được họa sỹ Lê Thiết Cương nối tiếp bằng những hình ảnh đầy hoài niệm cũ - mới, mới - cũ, những câu chuyện được chắt lọc từ hiện thực cuộc sống của những năm đầu thế kỷ 21 hiện đại và biến đổi không ngừng.

Là một họa sỹ nổi tiếng, Lê Thiết Cương cũng đồng thời là một tay máy ảnh với cái nhìn sắc sảo. Với anh, nhiếp ảnh phải thể hiện sự chân thực, tự nhiên, không sắp đặt và thể hiện tính thời điểm. Từ nhiều năm trước, Eva Lindskog là người yêu thích và mua tranh của anh, sau này, họ dần trở thành những người bạn tốt.

Xếp hàng mua thực phẩm
Xếp hàng mua thực phẩm

Một lần vô tình, chị cho Lê Thiết Cương xem mấy trăm kiểu phim slide chụp những năm 80 của thế kỷ trước, anh đã vô cùng xúc động trước một kho tư liệu vô cùng quý báu về giai đoạn lịch sử đã qua của dân tộc và quyết định mời Eva Lindskog làm triển lãm chung.

Những bức ảnh của Eva và Lê Thiết Cương treo cạnh nhau trong triển lãm tạo ra tương phản rất tự nhiên để người xem thấy sự phát triển của Hà Nội, của Việt Nam từ khi đất nước đổi mới. Một người nước ngoài, một người Việt Nam. Một người chụp hôm qua, một người chụp hôm nay.

Dù không có một lời chú thích nhưng những bức ảnh của Eva Lindskog đã gợi lại những ký ức khó phai về một thời khó khăn của đất nước, thật xúc động khi nhìn lại hình ảnh đám cưới đón dâu bằng xe đạp, chú rể diện đôi giày da rất to chắc mượn của người khác, cô dâu váy trắng, khăn voan hồng phất phơ nhẹ nhàng theo vòng xe quay đều chậm rãi;

Đám cưới
Đám cưới

Một góc công viên cũng chen chúc vòng trong vòng ngoài người lớn trẻ em, những gương mặt tò mò hớn hở, chỉ để xem một trò ném cổ chai ngày Tết, cảnh người người xếp hàng mua hàng Tết tại quầy bách hóa trên phố Hàng Ngang - Hàng Đào; Gây ấn tượng mạnh với người xem là bức ảnh chụp đoàn tàu hỏa, trong đó người đứng ngồi chen chúc cả trên cửa sổ toa tàu, trên nóc và dưới cả gầm tàu, phản ánh rõ nét đặc trưng của thời bao cấp.

Khác với cái mênh mang đến nao lòng mà người xem bắt gặp trong ảnh của Eva Lindskog, Lê Thiết Cương với góc cắt chặt chẽ cùng sắc màu mạnh mẽ muốn người xem tập trung tối đa vào những hình ảnh tưởng chừng như chìm khuất trong cuộc sống hiện đại đa sắc hôm nay.

Anh gửi những suy nghĩ sâu sắc đằng sau những hình ảnh: Một Việt Nam đã khác xa thời bao cấp với tấm biển quảng cáo Escada, một góc phố bán đồ chơi Trung thu với những mặt nạ bằng nhựa sặc sỡ đủ loại, hay ở hình ảnh mấy cô gái người dân tộc thiểu số dừng chân chọn gói dầu gội đầu Rejoy, Sunsilk…

Phố Hàng Mã với hình nhân thế mạng, thiếu nữ dắt xe đạp trong ngõ nhỏ với tấm bảng “Mua công trái” gắn trước giỏ xe; cụ bà bán trầu cau, đồ lễ ăn hỏi ở phố Hàng Than... Rõ ràng, những sự thay đổi đó xuất hiện ở bất cứ nơi nào, bên cạnh những giá trị truyền thống đã ăn sâu trong mọi lĩnh vực của đời sống, nhưng không phải ai cũng cảm nhận thấy.

Người xem có cảm giác đau nhói khi nhận ra những chi tiết nghịch lý trong các bức ảnh do Cương chụp. Anh gạt tình cảm sang bên để thản nhiên kể chuyện cuộc đời trong các bức ảnh của mình. ý thức chuyên nghiệp lạnh lùng bộc lộ một khát vọng muốn can thiệp trực tiếp vào nghệ thuật và cả cái hiện thực mà nghệ thuật ấy đang miêu tả.

Cuộc triển lãm này là một một dấu gạch nối cuộc trưng bày bao cấp gần đây tại Bảo tàng Dân tộc học. Không cầu kỳ về màu sắc, bố cục, không cố tình tạo ra giá trị nghệ thuật bằng những yếu tố hình thức thuần túy, triển lãm cuốn hút người xem bằng giá trị hiện thực trong mỗi bức ảnh.

Hải Xuân