Lấp lánh lòng nhân ái

(ANTĐ) - Những giọt nước mắt đã rơi khi người xem được chứng kiến câu chuyện cảm động về 2 người mẹ có con chiến đấu ở 2 chiến tuyến qua vở cải lương “Mẹ của chúng con”, tác giả kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSƯT Quang Hùng do Nhà hát cải lương Hà Nội dàn dựng vừa ra mắt ngày 26-7 tại rạp Hồng Hà.     

Vở cải lương “Mẹ của chúng con”:

Lấp lánh lòng nhân ái

(ANTĐ) - Những giọt nước mắt đã rơi khi người xem được chứng kiến câu chuyện cảm động về 2 người mẹ có con chiến đấu ở 2 chiến tuyến qua vở cải lương “Mẹ của chúng con”, tác giả kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSƯT Quang Hùng do Nhà hát cải lương Hà Nội dàn dựng vừa ra mắt ngày 26-7 tại rạp Hồng Hà.     

Mẹ luôn che chở và cất giấu các con trong ngôi nhà của mình
Mẹ luôn che chở và cất giấu các con trong ngôi nhà của mình
 

Đẩy cao kịch tính

Lấy bối cảnh là vùng sông nước Nam bộ, vở cải lương đã cuốn hút người xem ngay từ khi mở màn với kịch tính đầu tiên bằng việc 2 người mẹ cùng có con hy sinh trong kháng chiến nhưng một bà mẹ được tôn vinh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn người mẹ kia lại tủi nhục vì đứa con đã chết vẫn không được rửa được tiếng xấu của kẻ lầm đường. Tiếp sau đó là hàng loạt kịch tính được tạo ra để đưa người xem đến với tình yêu thương của những người mẹ Việt Nam đau khổ vì mất mát nhưng luôn có một trái tim rộng  mở. 2 người mẹ luôn cùng nhau chia bùi sẻ ngọt những năm tháng chiến tranh và sống nương tựa vào nhau khi bóng đã ngả chiều.

Đưa người xem trở lại thời chiến tranh với tiếng bom rơi đạn lạc, đạo diễn đã rất khéo léo để vở kịch không khô cứng khi tạo nên những cảnh đời thường rất đặc trưng trong nếp sinh hoạt của người dân Nam bộ. 2 người mẹ ngồi ăn trầu trong không gian tĩnh lặng của miền sông nước, trong ngôi nhà lá đơn sơ tâm tình với nhau bằng những câu hát cải lương. Nhưng ai cũng có một bí mật cho riêng mình. Người mẹ kháng chiến đã đào địa đạo ngay trong nhà mình để các con được ẩn náu an toàn. Còn người mẹ có con ở bên kia chiến tuyến lại lưu giữ khư khư trong cơi đựng trầu một quả lựu đạn. Bà sẵn sàng chết để bảo vệ an toàn cho những người con du kích rút lui an toàn. 2 người mẹ đã oà lên nức nở khi họ nhận ra mình cùng chung lý tưởng và mục đích.

Ám ảnh đời thường

Một cảnh lãng mạn về tình yêu đôi lứa đã được xây dựng
 Một cảnh lãng mạn về tình yêu đôi lứa đã được xây dựng

Và vở cải lương còn làm xúc động người xem khi xây dựng một mối tình dang dở đầy xót xa giữa 2 người con của 2 người mẹ, người nữ du kích và kẻ cầm súng chống lại cách mạng. Những cảnh đầy lãng mạn và cũng mang hơi thở của cuộc chiến khi họ gặp lại nhau trong một đêm trăng. Bao kỷ niệm ngọt ngào, lãng mạn của một thời đã ùa về. Họ đàn và hát cho nhau nghe. Nhưng tiếng đạn nổ của cuộc chiến đã nhanh chóng đưa họ trở về với thực tế đau đớn khi 2 con người yêu nhau lại trở thành 2 kẻ thù địch.

Với kết cấu chặt chẽ và gọn gàng, vở cải lương không đi vào những chi tiết rườm rà, hoa mỹ mà đề cập vấn đề một cách trực diện và “rất đời”. Người mẹ nào cũng mong đứa con của mình trở thành những người chiến sỹ anh dũng trong chiến đấu. Nhưng vì sự háo danh của một tên trung uý mà con trai của người mẹ ở bên kia chiến tuyến đã không quay đầu lại. Cho dù, anh ta rất đau khổ khi cô gái người yêu là du kích quả quyết rằng: “nếu gặp lại anh trên chiến tuyến, tôi sẽ bắn vỡ sọ anh ra”. Anh ta vẫn hả hê với những chiến công bắt bớ, bỏ mặc lời khuyên nhủ của mẹ. Nhưng khi chứng kiến sự ngã xuống của người mình yêu trong một trận công đồn, bản ngã trong con người anh ta đã trỗi dậy. Và trong phút giây hối hận muộn màng, anh đã kêu gọi đồng ngũ quy hàng nhưng đã bị hạ gục bởi một viên đạn.

Sự hy sinh của 2 người con ở 2 chiến tuyến khác nhau đều làm cho trái tim những người mẹ quặn đau, rỉ máu. Mỗi người mẹ một tâm trạng, một nỗi đau riêng khi đón nhận tin dữ nhưng người xem đều cảm nhận được tính nhân văn của vở kịch. Và sự đồng cảm đã được khán giả không chỉ dành cho người mẹ kháng chiến mà còn dành cho người mẹ có con ở phía bên kia chiến tuyến.

Phạm Thu Hương