Lần đầu tiên, Học viện Phật giáo Việt Nam trao bằng Tiến sĩ Phật học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng ngày 10-9, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2023 – 2024 và trao bằng Cử nhân Phật học cho Tăng Ni sinh Khóa II Liên thông, bằng Thạc sĩ Phật học đợt II. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Học viện Phật giáo Việt Nam trao bằng tiến sĩ cho tiến sĩ Phật học đầu tiên do Học viện đào tạo.

Đó là Tiễn sĩ Nguyễn Hữu Thắng, pháp danh Thích Đạo Tấn, nghiên cứu sinh khóa 1 hệ sau đại học của học viện, với luận án "Ngũ uẩn và pháp hành Thiền tuệ trong A Tỳ Đàm". Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thắng là người đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ trong số 32 nghiên cứu sinh tại học viện đợt này.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thắng là người đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ trong số 32 nghiên cứu sinh tại học viện đợt này
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thắng là người đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ trong số 32 nghiên cứu sinh tại học viện đợt này

PGS - TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội), người phản biện luận án này đánh giá, Ngũ uẩn trong A Tỳ Đàm và ứng dụng trong thực hành Thiền tuệ là một vấn đề mới, ít người nghiên cứu. Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Cơ sở lý luận hợp lý, xác đáng. Các phương pháp nghiên cứu của luận án được tác giả sử dụng phù hợp, đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy.

Việc nghiên cứu này có thể giúp thấu triệt giáo lý của Đức Phật và thiết lập chính kiến trong việc tu học Phật pháp. Hơn nữa, nghiên cứu A Tỳ Đàm có thể giúp hiểu rõ kinh điển và áp dụng trực tiếp vào đời sống hàng ngày. PGS - TS Nguyễn Tài Đông cho rằng Ngũ uẩn trong A Tỳ Đàm và ứng dụng trong thực hành Thiền tuệ là một vấn đề mới, ít người nghiên cứu. Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Giáo sư Lương Gia Tĩnh, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho biết, năm học 2023 – 2024 có ý nghĩa đặc biệt, ghi đậm dấu ấn quan trọng trong lịch sử hơn 40 năm trưởng thành của Học viện. Xét về quy mô giáo dục – đào tạo, bắt đầu từ tháng 11/2018, đến nay Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại Hà Nội đã có trọn vẹn qui mô và quy trình giáo dục – đào tạo Phật học, từ Trung cấp, Cao đẳng, Cử nhân, đến Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Tại lễ khai giảng, Hội đồng điều hành Học viện cũng đã trao 7 bằng thạc sĩ và bằng cử nhân cho các học viên

Tại lễ khai giảng, Hội đồng điều hành Học viện cũng đã trao 7 bằng thạc sĩ và bằng cử nhân cho các học viên

Hiện tại có 734 Tăng Ni sinh và học viên đang tu học theo 3 cấp, với 4 hệ giáo dục đào tạo tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội là Cao đẳng, Cử nhân (có hệ Cử nhân Chính quy và Cử nhân Liên thông) và sau Đại học (có Cao học và Nghiên cứu sinh).

Cũng theo GS Lương Gia Tĩnh để Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội có được những thành tựu nhất định trong giáo dục - đào tạo và có được một cở sở khang trang như hôm nay là kết tinh của công sức, trí tuệ, và hơn hết là tấm lòng của Chư tôn đức, các cơ quan hữu quan, các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế, của quý vị Giảng sư, Thân giáo sư, tịnh tài tịnh vật của các tổ chức và cá nhân... vì sự nghiệp giáo dục – đào tạo Tăng tài.

Hoà thượng, Tiến sĩ Phật học Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã gióng hồi trống khai giảng năm học 2023 - 2024

Hoà thượng, Tiến sĩ Phật học Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã gióng hồi trống khai giảng năm học 2023 - 2024

Tại buổi lễ, Hoà thượng, Tiến sĩ Phật học Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã gióng hồi trống khai giảng năm học 2023 - 2024 trong niềm vui của hàng nghìn tăng, ni sinh, phật tử tham dự.

Tới dự Lễ khai giảng năm học mới 2023 – 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định: Sự kiện trao bằng cho Tiến sĩ Phật học đầu tiên tại Học viện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khuyến khích các thế hệ nghiên cứu sinh học tập, cống hiến cho các Học viện giai đoạn sau này. Mong rằng, với sự cố gắng tinh tiến trên con đường tu học, các nghiên cứu sinh sẽ phục vụ các vùng sâu, vùng xa, phấn đấu vì tương lai phát triển của hệ thống giáo dục Phật giáo học đường.