Lạm dụng quá hóa hại

ANTĐ - Dịp này tại Hà Nội, nhiều học sinh rủ nhau mua và sử dụng thiết bị chống buồn ngủ nhằm giúp học được khuya hơn. Bạn Nguyễn Thị Chinh, nhân viên một phòng khám mắt tư nhân trên phố Láng Thượng (quận Đống Đa) cảnh báo, lạm dụng thiết bị này sẽ rất nguy hại.

- Bạn có hiểu rõ về loại thiết bị chống ngủ gật đang thịnh hành? 

- Sự thực là tôi chưa nhìn thấy loại thiết bị này hình thù ra sao. Tuy nhiên, gần đây tại phòng khám tôi làm việc có một số học sinh đến khám mắt mà nguyên nhân là do quá lạm dụng những thiết bị này. Theo các em kể lại, thiết bị chống ngủ gật rất tiện ích, chỉ cần gắn vào ngoài vành tai thì khi bạn gật đầu về phía trước khoảng 15 - 30 độ nó sẽ báo động bằng âm thanh hoặc rung để đánh thức khỏi cơn ngủ gật. Giá một thiết bị loại này cũng khá rẻ, chỉ khoảng 70.000-120.000 đồng.

- Nếu thiết bị hiệu quả như vậy thì sao bạn lại không mong muốn mọi người sử dụng? 

- Có em học sinh đến phòng khám kể, trước kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, cả tháng hễ cứ ngồi học là em lại mang thiết bị chống ngủ gật gắn vào tai. Nhiều lúc đang học hăng say thì thiết bị tự “réo” khiến việc ôn thi bị gián đoạn. Đặc biệt, một hôm chẳng biết thiết bị chống ngủ gật bị chập ra sao nhưng khi vừa lấy đeo vào tai được một lúc thì nó “rú” lên khủng khiếp khiến cô bé giật mình bị ngã, tai bị ù và đau nhức. Bác sĩ chẩn đoán cô bé có dấu hiệu bị ù tai, nếu sử dụng lâu ngày tai sẽ bị giảm thính giác dẫn đến nguy cơ bị điếc. 

- Tuy có mặt hại nhưng việc các em học sinh có ý thức học tập như vậy quả là rất đáng quý? 

- Đúng là rất đáng khâm phục. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng cùng với việc học tập chăm chỉ, các em cũng cần quan tâm, chú ý tới sức khỏe của mình. Việc cố gắng “trấn áp” giấc ngủ bằng thuốc hay các thiết bị tạo âm thanh đều không có lợi cho sức khỏe tâm thần nên nếu phải sử dụng thì các em cần sử dụng một cách phù hợp, không nên quá lạm dụng.