Lại kiến nghị tăng giá điện

ANTĐ - Sáng 8-9, Bộ Công Thương tổ chức “Tổng kết tình hình thực hiện Quy hoạch điện 6 và bàn về các giải pháp thực hiện Quy hoạch điện 7”. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất ý kiến cho phép tăng giá điện từ tháng 9 này.

Cần đẩy nhanh cả tiến độ lưới điện để đáp ứng nhu cầu trong nước. (Ảnh minh họa)

Giá điện phải đạt tới 8-9 US cent/kWh

Ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN đã đề nghị Bộ Công Thương cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện trong tháng 9-2011 theo quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Việc điều chỉnh giá điện trước mắt phải đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán bù phần lỗ năm 2010.

Tuy nhiên, bên lề hội nghị, ông Thành cho hay giá điện vẫn đang trong quá trình tính toán thông số đầu vào. EVN cũng kiến nghị nên giao một số dự án điện cho các đơn vị khác thực hiện để đảm bảo huy động các nguồn lực xã hội và đơn vị này có điều kiện tập trung vào các dự án cấp bách. Các Tổng công ty Điện lực thuộc EVN hiện đang thực hiện khối lượng công việc lớn và thiếu 599 nghìn tỷ đồng vốn cho các dự án.

Theo các chuyên gia ngành điện, do giá điện của Việt Nam vẫn thấp nên không thu hút được đầu tư nước ngoài vào các dự án, dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, thiếu điện trong những năm qua. Ông Hoàng Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), giá điện phải đạt đến mức 8-9 US cent/kWh, tức là tăng thêm ít nhất 2US cent/kwh so với hiện nay. “Nhưng nếu không có nghiên cứu cụ thể, lộ trình rõ ràng thì khó kêu gọi đầu tư” - ông Dũng lưu ý.

Đại diện Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng kiến nghị sớm đưa giá điện theo cơ chế cạnh tranh, nhằm tạo công bằng cho nhà đầu tư khi đàm phán giá với EVN. Ông này cũng cho hay, hiện nay, việc đàm phán giá điện với EVN gặp khá nhiều khó khăn khi chỉ có giá điện tạm tính, chưa có giá chính thức.

Nên để địa phương giải phóng mặt bằng

“Mổ xẻ” nguyên nhân khiến quy hoạch điện 6 mới chỉ thực hiện được 70% các dự án nguồn điện, các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân chậm tiến độ phần lớn do giải phóng mặt bằng khó khăn. Theo ông Dương Quang Thành, có dự án phải mất 4-6 năm cho công tác giải phóng mặt bằng do thủ tục quá nhiều, một số địa phương thay đổi quy hoạch ban đầu, cấp tuyến không phù hợp với quy hoạch khiến EVN phải thay đổi tuyến tới 2 lần. Bên cạnh đó, có khi chủ đầu tư dự án điện chưa thực hiện xong một dự án thì đã có nghị định mới với nội dung không thống nhất. Kéo theo đó, đơn giá đất tại các địa phương cũng thay đổi liên tục. Thậm chí, một số trường hợp, người dân đứng ra tổ chức nhóm làm “nghề giải phóng mặt bằng”, đưa ra các điều kiện không hợp lý gây kéo dài dự án.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: “Nếu giao cho địa phương làm chắc chắn nhanh hơn là để chủ đầu tư “bơi” trong khối lượng công việc lớn như vậy”. Đó là kinh nghiệm về công tác giải phóng mặt bằng được rút ra từ dự án Thủy điện Sơn La và Lai Châu.   

Ông Phạm Mạnh Thắng-Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho hay, để đảm bảo tiến độ quy hoạch điện 7 sắp tới, cần đảm bảo cả tiến độ lưới điện, thay vì chỉ quan tâm đến nguồn. “Lưới điện thực hiện còn khó hơn nguồn. 5 năm qua (2006-2010), trạm 500kV thực hiện được 59% khối lượng công việc. Đường dây 500kV thu hút được 41% tổng vốn đầu tư, đường dây 220kV được có 44%. Với khối lượng như vậy, để đảm bảo việc cung cấp điện là cả một vấn đề” - ông Thắng nói. Cũng theo ông Thắng, tổng sơ đồ điện 7 cần có cơ chế chặt chẽ, cương quyết hơn đối với mục tiêu thực hiện tiết kiệm điện, không chỉ dừng lại ở khuyến khích, không bắt buộc.

Ông Phạm Mạnh Thắng nhận định, chương trình nội địa hóa các thiết bị ngành điện mới bắt đầu nhưng đang có nhiều vướng mắc, nếu không cẩn thận sẽ khó thực hiện được mục tiêu của quy hoạch đã được phê duyệt. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, tỷ lệ nội địa hóa mới được 30-40%, các thiết bị mấu chốt vẫn chủ yếu nhập từ nước ngoài.