"Lạc lối" và phong cách Phạm Nhuệ Giang

ANTĐ - “Lạc lối” - phim của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang vừa đoạt giải Cánh diều Bạc 2013 với những tranh cãi không đáng có về việc phim chưa ra mắt khán giả. Phim được dựng từ kịch bản “Không có Eva” của nhà văn Nguyễn Quang Lập viết cách đây 10 năm - một kịch bản cũng khá ồn ào vì chuyện bị vứt lay lắt dù cho là kịch bản vượt trội nhưng “có màu sắc u ám và tiêu cực”.

Sau khi chiếu cho Ban Giám khảo Cánh diều 2013, phim đã có một buổi chiếu ra mắt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia. Phải nói đây là một bộ phim có tính nghệ thuật cao, được dàn dựng bởi một đạo diễn có nghề. Xem phim là có thể nhận ra ngay phong cách Phạm Nhuệ Giang với những chi tiết nghệ thuật làm nên tính thẩm mỹ cho bộ phim. 

Phim được bắt đầu bằng một tiết tấu nhanh, với lối quay lia nhanh, chuyển động máy dài khiến người xem cảm thấy sự chông chênh, bất an của nhân vật. Hình ảnh một anh chồng nhà quê cục mịch tên Quỳ (diễn viên Quang Tú) đèo vợ tên Thắm (diễn viên Thúy An) với đôi quang gánh đồng nát lủng lẳng đằng sau trên chiếc xe đạp rách là một hình ảnh điển hình cho những người nông dân lên thành phố kiếm sống.

Như thường ngày, họ chia tay nhau, chồng đến chợ lao động để kiếm tiền dù bất cứ việc gì, kể cả việc đẩy ô tô lên dốc cho một đôi tình nhân vì họ bận… hôn nhau. Còn vợ rong ruổi vào những con ngõ hẹp của Hà Nội, trên những con ngõ hẹp rong ruổi đó, cô đã bị lạc lối khi được một anh chàng vũ công lãng tử tên Thuật (diễn viên Đào Văn  Bích) cho địa chỉ để cô đến nhà dọn báo vì: “nhà anh có nhiều báo lắm”.

Kể từ lần Thắm đến dọn báo, rồi được anh vũ công cho đi  ô tô, Thắm bắt đầu nhận ra cái sự “nhà quê” của chồng mình, nhà quê từ cách kiếm tiền chăm chăm về đưa cho vợ, cho đến cái sự đểnh đoảng mất tiền phải đi tìm cả đêm và anh chồng của cô “nhà quê” ngay cả khi làm tình. Trong cái ranh giới mấp mé bờ vực của sự hoài nghi về tình yêu mà mình đang có, trong sự so sánh giữa anh chàng vũ công hào hoa đa tình mà cô vẫn gặp hàng ngày và anh chồng cục mịch mà cô phải gặp về đêm kia, xung đột đã nảy sinh. Quỳ đã tát vợ một cái vì cái tội “đi ô tô cùng với người thành phố” - cái tát không hẳn vì sự ghen tuông mà cái tát của sự sợ hãi trước những con người ở thành phố bởi với Quỳ, ở thành phố là cạm bẫy là lừa lọc. Còn Thắm, sau cuộc cãi vã với chồng, cô đã không kháng cự nổi cái ranh giới mấp mé kia, cô đã lao vào cuộc tình với anh chàng vũ công.

“Lạc lối” cuốn hút người xem bởi lối dựng phim tương phản, với những chi tiết bất ngờ diễn ra trong suốt thời gian Quỳ tận tụy đi tìm vợ chỉ với mục đích “để xem nó sống thế nào”. Và Quỳ đã nhận ra vợ anh đang sống trong sự giàu sang giả dối. Gã tình nhân kia chỉ là một gã trai bao sống bằng tiền của các mụ nạ dòng dửng mỡ. Cho đến khi nhận ra điều đó, Thắm đã chủ động rời khỏi cuộc tình với một cái thai trong bụng, trở về với gánh đồng nát, lại rong ruổi khắp những con ngõ Hà Nội. Kết thúc phim là sự tha thứ của Quỳ khi anh tìm đến ngôi nhà trọ tồi tàn mà Thắm thuê ở. Thắm đang ngủ, anh lén vào nằm bên cạnh, rồi đặt bàn tay lên bụng vợ như một sự chấp nhận giọt máu hoang không phải của mình. Đó là sự tha thứ, sự trở về của đôi vợ chồng sau những ngày lạc lối và nếm trải những bi kịch, dù cho đó là sự tha thứ đau xót.

“Lạc lối” không đề cập đến vấn đề lớn lao  mà chỉ là cuộc mưu sinh, trốn chạy và kiếm tìm hạnh phúc của một đôi vợ chồng trẻ, nhưng nó đã khái quát một cách sinh động cuộc sống nhập cư của những người nông dân ra thành phố kiếm sống, cũng như cuộc sống đô thị đầy thực dụng với các giá trị đạo đức bị đánh cắp. “Lạc lối” chỉ ra một cuộc sống hiện đại với đầy nhức nhối và sự thật trần trụi của nó. Một xã hội mà cách sống thực dụng đã trở nên bình thường, con người  kiếm tiền bằng đủ cách, vượt qua những rào cản đạo đức, chỉ nghĩ tới những hưởng thụ dễ dãi, đồng tiền trở nên đầy quyền lực, nó chi phối mối quan hệ con người: đó là một trai bao dù đã chán chường, không còn cảm xúc với người tình già nhưng vẫn không đủ dũng cảm rời bỏ bà ta để sống với người mà anh ta yêu... là một cô gái quê mệt mỏi trước cuộc sống nghèo nàn và tương lai mờ mịt, đã lầm tưởng trước một người đàn ông hào hoa bề mặt… Cuộc sống buông thả, dễ dãi, tạm bợ cũng là những vấn đề của các nhân vật trong phim chỉ có anh chàng nhà quê với vẻ ngoài thô mộc nhưng có một tình yêu sâu nặng, là chân giá trị của con người, mới có thể cứu vãn được sự “lạc lối’’.

Cũng như nhiều phim khác, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang khai thác khá sâu và kỹ các chi tiết hình ảnh, dù chỉ là chi tiết rất nhỏ. Chẳng hạn như hình ảnh cái cặp lồng nhôm tồn tại song song cùng diễn tiến của nhân vật. Cái cặp lồng, hàng ngày, Thắm vẫn chuẩn bị cơm cho chồng được lặp lại trong một số trường đoạn. Khi Quỳ làm mất cái cặp lồng là lúc họ bắt đầu có xung đột và lạc lối. Khi Thắm từ bỏ cuộc tình huyễn hoặc kia, cô trở về với gánh đồng nát, trong một chiều mưa gió, cô ôm bụng đứng bên vệ đường, cô đã tìm thấy chiếc cặp lồng cũ nằm lăn long lóc trên đường. Nó báo hiệu cho một sự trở về. Gánh đồng nát cũng được lặp lại nhiều lần, ngay cả khi Thắm đã sống một cuộc sống khác với Thuật nhưng đôi lúc cô cũng thẫn thờ, cô đơn khi ngồi bên cạnh đôi quang gánh vứt ở xó nhà. Điều đó cũng báo hiệu một sự trở về. 

Trong “Lạc lối” cũng có một số cảnh nóng, nhưng không thô thiển.. Đó là những cảnh nóng không thừa, không phải dựng lên cho có, cảnh nóng không khai thác một cách trần trụi, không phải đề cập đến sự trần trụi mà đó là nguyên cớ để dẫn đến các mối quan hệ khác, để dẫn đến cấu trúc điện ảnh hợp lý. Nó làm cho người xem thấy được sự đối lập trong suy nghĩ nội tâm của nhân vật Thắm khi cô so sánh anh chồng nhà quê với một anh vũ công nơi thành phố để dẫn đến kết cục là cô đã cuồng nhiệt lao vào cuộc tình tạm bợ như một sự phó mặc cho số phận mà không cần biết trước cuộc tình ấy sẽ đi tới đâu.

 Xem phim “Lạc lối” còn đặc biệt hứng thú bởi âm nhạc. Nhạc sĩ Lương Minh làm nhạc cho bộ phim đã sử dụng âm thanh của nhị - một nhạc cụ của xẩm - của đường phố, nó rất hợp với nội dung phim. Nhiều người cũng cho rằng cách dựng nhạc đột ngột tạo cảm giác chông chênh, không an toàn trong giai điệu phim và cũng hài hòa với cấu trúc có tính đuổi bắt, vờn chộp của phim. Còn đạo diễn Nhuệ Giang, chị muốn sử dụng âm nhạc dân tộc trong những khoảnh khắc đổ vỡ của các mối quan hệ, như một gợi nhắc đến những giá trị truyền thống, mang lại cảm xúc buồn, xót xa của phim…

Và một lần nữa phải nói rằng đạo diễn Phạm Nhuệ Giang là một đạo diễn “mát tay” khi chị luôn là người “khám phá” ra những gương mặt mới trong điện ảnh. Lần này, Hán Quang Tú (giáo viên trường Sân khấu - Điện ảnh) đóng vai Quỳ rất thành công, nhìn thấy sự xuất hiện của Quỳ trên màn ảnh ra ngay chất một anh chàng nhà quê ngờ nghệch, cục mịch nhưng rất đáng yêu. Trần Thúy An (Nhà hát Kịch Hà Nội) đóng vai Thắm có nét đẹp mộc, cổ cao, đôi mắt sáng. Thúy An đã đóng tròn vai, tuy có một số cảnh cô thể hiện còn hơi cứng. 

Nói chung “Lạc lối” là một bộ phim giàu ngôn ngữ nghệ thuật, đáng để xem.