Ký ức màu đỏ
(ANTĐ) - Khán phòng Nhà hát Lớn lặng đi trong nước mắt khi vở ca kịch “Hồ Chí Minh-ký ức màu đỏ” được công diễn tại Hà Nội, tái hiện cuộc đời của một vĩ nhân thật giản dị, thanh cao. Nhân cách, đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ nét qua diễn xuất tài năng của các diễn viên và được thể hiện rất uyển chuyển qua những câu hò, điệu lý mượt mà, quen thuộc. Người xem đã được trở về miền ký ức nhưng không phải là ký ức bi lụy, đau thương mà thực sự là ký ức màu đỏ.
Vở diễn đã dẫn dắt người xem bước vào cuộc đời Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh bằng cuộc trở lại thăm Quảng Bình của Bác năm 1959. Hình ảnh bà con dân tộc Vân Kiều nô nức, nóng lòng được đón Bác tới thăm buôn làng được chọn làm cảnh mở đầu cho vở kịch. Họ hát, họ nhảy múa để cho giây phút chờ đợi trôi đi thật nhanh. Và thế rồi, Bác bất ngờ hiện ra thật gần gũi, thân thương làm bà con dân làng vỡ òa vì vui sướng. Ai cũng muốn được lại gần Bác, thật gần để thấy được gương mặt của vị cha già dân tộc, thấy được đôi mắt sáng như sao của Người. Cuộc gặp gỡ đã trở thành một cuộc hàn huyên, tâm tình giữa bà con dân tộc và Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe các cụ già, các cháu nhỏ, tình hình chiến đấu của các anh chị dân quân Quảng Bình.
Và cũng từ đây, người xem đã thấu hiểu bao nỗi niềm xót xa sâu trong tận đáy lòng của Bác khi chứng kiến đất nước còn chia cắt hai miền. Đứng bên bờ sông Nhật Lệ, bầu trời tối đen như mực càng làm tăng thêm nỗi lòng người con xa quê lâu ngày gặp lại. Người trằn trọc, băn khoăn cả đêm với “nỗi nước nhà”. Người muốn được vào Huế thăm lại nơi cả quãng thời thơ ấu của mình gắn bó với mảnh đất này mà bước chân bị ngăn lại bên bờ Bến Hải.
Và bao nhiêu ký ức của một thời niên thiếu khi Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào kinh thành Huế chợt ùa về. Đó quả thực là một quảng thời gian đầy ắp những ký ức đau thương, buồn tủi của Nguyễn Sinh Cung khi liên tiếp đón nhận nỗi đau lớn trong cuộc đời một con người đó là sự ra đi của người mẹ hiền trong khi cha và anh vắng nhà. Và rồi lại đến sự mất mát đau thương khi người em vừa mới chào đời cũng ra đi vì đói, rét và khát sữa. Trích đoạn này về cuộc đời của Bác đã gây xúc động đặc biệt tới người xem về một tuổi thơ mất mát, nhiều đau thương của Người.
Có lẽ, cái tang tóc, cô quạnh khi Nguyễn Sinh Cung ru em ngủ đi khắp kinh thành Huế khi Tết đến đã gây xúc động mạnh tới trái tim người xem. Rất nhiều khán giả đã không thể cầm lòng được khi nghe những làn điệu hát ru, những nỗi niềm con trẻ mong mẹ trở lại trần gian để em không bị khát sữa. Có thể thấy rằng, việc sử dụng những làn điệu dân ca Huế ngọt ngào, đậm đà trong trích đoạn này đã được đạo diễn, NSƯT Nguyễn Ngọc Bình sử dụng đúng chỗ, khéo léo đưa đến những cảm xúc sâu lắng, đượm buồn.
Kết cấu của vở diễn khá chặt chẽ, không rườm rà làm toát lên nhân cách, đạo đức cao cả Hồ Chí Minh. Từ nỗi đau của riêng cá nhân-nỗi đau mất người thân đã hòa quyện, đan xen trong nỗi đau mất nước, chứng kiến kiếp lầm than, nô lệ của nhân dân lao động. Người con ưu tú của dân tộc Nguyễn Sinh Cung đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước để cứu nhân dân khỏi kiếp sống nô lệ.
Và rồi vở diễn lại đưa người xem trở về với giây phút trước lúc Bác ra đi. Một vĩ nhân trước giờ phút lâm chung chỉ ao ước được nghe một câu hò Huế, một đôi làn quan họ, một câu ví dặm quê nhà. Thật giản dị và thanh cao. Nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt biết bao người khi nhớ lại giây phút lịch sử này. Và đó cũng chính là thành công của vở diễn đã tái hiện cuộc đời của Người không chỉ ở tầm cao chính trị mà đậm chất nhân văn về cuộc đời rất đỗi thanh cao của Bác.
Với những thành công mà vở diễn đã đạt được, “Hồ Chí Minh-Ký ức màu đỏ” do tập thể diễn viên Nhà hát Ca kịch Huế dàn dựng đã đoạt giải đặc biệt của Hội diễn tuồng và kịch toàn quốc 2009 tại Đà Nẵng. Và một điều cần nói đến ở đây là thành công của vở diễn nằm ở sự mạnh dạn của Nhà hát Ca kịch Huế khi đi sâu khai thác chuyển tải được cái hồn của lịch sử ở một đề tài không bao giờ cạn-đề tài Hồ Chí Minh.
Phạm Thu Hương