Ký ức của những người Việt ở Đông Âu, hành trình vạn dặm nơi xứ người

ANTD.VN -Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng ký ức của các lưu học sinh, công nhân lao động Việt Nam từng làm việc, học tập, nghiên cứu tại Đông Âu chưa bao giờ phai nhạt. Với họ, xứ tuyết trắng là nơi lưu giữ những kỷ niệm thanh xuân và ghi dấu ấn trong suốt cuộc đời còn lại.

“Quán thanh xuân” tháng 12 với chủ đề “Đường xa tuyết trắng” là một chuỗi những kỷ niệm về Đông Âu của thế hệ những người Việt Nam đi học, đi làm trong 3 thập kỷ vừa qua. Chương trình sẽ giải đáp câu hỏi mà nhiều người còn chưa biết đó là “Người Việt ở Đông Âu từ bao giờ?” Với lưu học sinh đó là những viện trợ giáo dục của những nước khối XHCN Đông Âu dành cho Việt Nam từ trong chiến tranh cho tới năm 1990, với các bậc đào tạo từ công nhân kỹ thuật cho tới tiến sỹ khoa học.

Với người xuất khẩu lao động, làn sóng lớn nhất vào đầu thập niên 80. Họ tạo nên một hình ảnh mới mẻ so với các du học sinh mà cư dân Đông Âu đã quen thuộc.

MC Diễm Quỳnh của Quán Thanh Xuân

Người Việt đi Đông Âu thời điểm đó đa phần đều không biết cụ thể về vị trí địa lý, khí hậu, điều kiện sống ở nơi mà họ sẽ đến và trải nghiệm một phần cuộc đời. Nhưng hình dung tươi đẹp về nơi đó là có thật. Phim ảnh, bưu thiếp, các tác phẩm văn học… đã cho người ta “biết” một Đông Âu lộng lẫy và tiện nghi, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam còn thiếu thốn trong chiến tranh và trước thời điểm đổi mới. Những đồ vật gợi nhớ ký ức thời "nhà có người đi Tây" nào có xa xôi gì : Xe đạp Mifa (Đức), xe đạp Eska (Tiệp)

Những bông tuyết đầu mùa tuyệt đẹp, nhưng đính kèm là mùa đông lạnh đến khắc nghiệt với những người sinh ra ở xứ sở nhiệt đới. Đặt chân đến khung trời mơ ước cũng là bắt đầu hành trình vạn dặm. Những du học sinh và công nhân lao động Việt Nam đã có những biến chuyển mà có khi người trong cuộc cũng không ý thức được.

Là khách mời của Quán Thanh xuân, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh chia sẻ cảm xúc về mùa đông đầu tiên lạnh không tưởng ở châu Âu. Họa sỹ Đỗ Hương chia sẻ câu chuyện thích nghi cuộc sống để học tập và phấn đấu trong môi trường khác biệt.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể lại trải nghiệm xương máu nơi xứ người và từ đó ông viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Quyên"

Nhà báo Duy Nghĩa chia sẻ cảm xúc, mỗi người Việt Nam khi đi Đông Âu đều gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề. Với các du học sinh là áp lực học hành, thành đạt. Còn với những người lao động là áp lực kiếm sống cho gia đình.

Học tập, buôn bán, lao động để tồn tại và vươn lên. Vật lộn để mưu sinh, có lẽ ít ai từng trải một cách thấm thía như nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Phải bằng mọi cách kiếm thêm chút nào hay chút đó. Tiết kiệm chi tiêu, tranh thủ kiếm thêm ngoài chợ đen, tranh thủ mua các nhu yếu phẩm đóng thùng hàng gửi về cho gia đình...đó là trải nghiệm xương máu của bản thân Nguyễn Văn Thọ ở Đức.

Rất nhiều ca khúc là ký ức một thời được hát trong chương trình

Ký ức Đông Âu không chỉ là những tháng ngày tươi xanh mà xen cả buồn đau, lo âu. Người Việt phải thực sự can đảm để vượt qua khí hậu khắc nghiệt. Họ cũng phải vượt qua bao trận "bão tuyết" trong lòng để quyết định trở về hay ở lại định cư khi khối XHCN Đông Âu sụp đổ. Đó thực sự là những quyết định khó khăn.

“Quán thanh xuân” tháng 12 sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h40 chủ nhật, ngày 1/12/2019 trên kênh VTV1.