Khuyến khích các tác phẩm mang âm hưởng Tây Nguyên tham dự Liên hoan Âm nhạc toàn quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 khuyến khích các tác phẩm mang âm hưởng âm nhạc dân gian các vùng miền, đặc biệt là âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên tham dự.

Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 sẽ diễn ra từ ngày 10-12/3 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, TP Buôn Ma Thuột. Lễ khai mạc và tổng kết, trao giải sẽ được phát sóng trên Đài Truyền hình Đắk Lắk.

Liên hoan âm nhạc là ngày hội của các nhạc sĩ, nghệ sĩ và những người yêu nhạc được tổ chức ở các khu vực trong cả nước, trong đó có khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và một số tỉnh, thành phía Bắc.

Đây là hoạt động nhằm biểu dương những tài năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, khuyến khích sự sáng tạo, vươn lên trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo âm nhạc. Liên hoan cũng là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong khu vực và cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, giao lưu tác phẩm âm nhạc mới sáng tác, giới thiệu bản sắc văn hóa vùng miền, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Âm hưởng dân gian là chất liệu

Âm hưởng dân gian là chất liệu

Tham gia liên hoan đợt này có các đoàn nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 18 tỉnh, thành gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên -Huế. Các tác phẩm tham gia liên hoan tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc, biển, đảo Việt Nam và thành tựu, phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đó là ca khúc, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc và phương Tây.

Ngoài việc biểu diễn tác phẩm, liên hoan còn tổ chức tọa đàm “Âm nhạc dân gian Tây Nguyên trong đời sống âm nhạc hiện nay”. Tọa đàm nhằm tìm ra các phương thức sáng tạo tác phẩm âm nhạc đồng điệu với hơi thở đời sống hiện tại và tôn vinh được bản sắc độc đáo của âm nhạc dân gian, cổ truyền các dân tộc Tây Nguyên.

Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ bàn luận về những thành tựu, hạn chế về sự nghiệp phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc tại khu vực Tây Nguyên, đẩy mạnh sáng tác các tác phẩm có sức lan tỏa ở trong nước và quốc tế.